Nhân rộng mô hình trường tiểu học mới
Năm 2012-2013, Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai dự án mô hình trường học mới Việt Nam (VNEN). Khác với mô hình truyền thống, ở mô hình trường học mới, giáo viên sẽ đóng vai trò hướng dẫn, kiểm tra để cho học sinh tự học là chính. Tại Kon Tum và Hà Nam, bước đầu VNEN đã phát huy được những thế mạnh tích cực, các em học đâu chắc đó và tự tin hơn trong giao tiếp.
Kon Tum là một trong những địa phương còn gặp nhiều khó khăn trong việc nâng cao chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, từ khi triển khai thí điểm mô hình VNEN, giáo dục ở đây đã có thay đổi rõ rệt. Học sinh tự tin, mạnh dạn hơn khi đến trường.
Trường tiểu học Triệu Thị Trinh, thành phố Kon Tum có tới 98,5% số học sinh là người dân tộc Ba Na, trong số đó hai phần ba số học sinh thuộc hộ nghèo. Hiệu trưởng Trường tiểu học Triệu Thị Trinh, cô giáo Vũ Thị Vân cho biết: Trước khi bước vào năm học mới, công việc đầu tiên của nhà trường là lựa chọn cha mẹ học sinh có trình độ, tâm huyết để bầu Ban thường trực hội cha mẹ học sinh. Ban này có nhiệm vụ giúp nhà trường đi vận động học sinh tới trường và nắm bắt thông tin từ phía cha mẹ học sinh để nhà trường thực hiện tốt hơn trong quản lý, giảng dạy. Nhờ đó, chất lượng giáo dục tăng lên, không còn tình trạng học sinh bỏ học theo bố mẹ lên nương rẫy như trước, các em tự tin hơn trong học tập, giao tiếp…
Chúng tôi đến điểm trường Long Loi của Trường tiểu học Lê Văn Tám (thị trấn Đác Hà, huyện Đác Hà), nơi còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất cũng như phần lớn học sinh là người dân tộc thiểu số đúng giờ ra chơi của các em học sinh. Vẫn như mọi ngày, hôm nay chị Y Xuyên, người dân tộc Rơ Ngao đến trường sớm hơn thường lệ để tranh thủ đưa cho con ít trái cây và xem tình hình học tập của con. Nói về mô hình VNEN, chị Y Xuyên tâm sự: Khi con tôi theo học mô hình này, cháu đã tiến bộ hơn nhiều so với các năm trước.
Gia đình tôi làm rẫy cao-su trên nương thường xuyên về muộn nhưng cháu luôn tự ý thức học bài, nhất là tự tin và mạnh dạn hơn trong cuộc sống. Tôi rất tâm đắc mô hình này vì học sinh đi học được hỗ trợ nhiều thứ và không phải mua sách giáo khoa.
Cô giáo Nguyễn Thị Xuyến, giáo viên Trường tiểu học Lê Văn Tám chia sẻ: Từ khi triển khai mô hình này các em học sinh rất hào hứng, không khí lớp học luôn sôi nổi. Lớp học được chia thành năm nhóm, mỗi nhóm có từ bốn đến sáu em. Khi học sinh có gì không hiểu sẽ yêu cầu sự giúp đỡ từ giáo viên bằng cách sử dụng “thẻ đỏ cứu trợ” chứ không ngồi im chờ cô giáo hỏi như trước. Ở mô hình học mới, các em học hai buổi/ngày. Nếu kết thúc bài học buổi sáng mà có em không hiểu, buổi chiều sẽ được cô và các bạn tập trung giúp đỡ. Cũng theo cô Xuyến, do đặc thù học sinh trong lớp phần đông là người dân tộc thiểu số, khả năng viết và nói tiếng phổ thông còn hạn chế nên những môn học như Toán, tiếng Việt được giáo viên dành thời gian giúp đỡ nhiều hơn.
Mặc dù cơ sở vật chất nhà trường còn khó khăn nhưng học sinh theo học mô hình này không bị thiếu sách giáo khoa vì chương trình được cấp đầy đủ. Sách này được gọi là tài liệu “ba trong một”, dùng cho giáo viên, học sinh và phụ huynh. Khác với mô hình truyền thống, ở mô hình này, tất cả học sinh đều được các bạn khác trong nhóm và các thành viên nhóm khác kiểm tra bài nên không xảy ra tình trạng “giấu dốt”.
Thống kê cho thấy, năm học 2012-2013, tỉnh Kon Tum có 43 điểm trường chính, 57 điểm trường lẻ, 291 lớp với 7.199 học sinh tham gia mô hình VNEN. Phần lớn giáo viên dạy khối 2, 3 chương trình VNEN là những giáo viên trẻ, nhiệt tình, năng động, sáng tạo trong dạy học.
Cũng như Kon Tum, tỉnh Hà Nam được ghi nhận thực hiện khá tốt mô hình VNEN. Đến Trường tiểu học Thanh Lưu, huyện Thanh Liêm, ấn tượng đầu tiên thu hút chúng tôi là cách trang trí phòng học với nhiều mầu sắc sinh động, bàn ghế được bố trí khoa học. Ở mỗi lớp học đều có góc học tập cộng đồng, thư viện, hòm thư “Điều em muốn nói”… Học sinh có thể góp ý với bạn, hay khen bạn thông qua hòm thư này. Từ những lá thư nhỏ mang nhiều nội dung phong phú đã giúp các em xây dựng được mối quan hệ tốt với nhau và chính học sinh giáo dục lẫn nhau. Trong lớp học còn có bản đồ cộng đồng, trên đó có thông tin nhà của từng bạn, những nơi nguy hiểm từ nhà tới trường. Ngoài ra, lớp học còn có những góc tìm hiểu về tự nhiên, lịch sử, xã hội… Cô Phạm Thị Hạnh, giáo viên Trường tiểu học Thanh Lưu cho biết: Sau mỗi bài học khi giáo viên kiểm tra, em nào hoàn thành trước có thể chuyển sang các bài học mới hoặc được giáo viên đặt ra các yêu cầu cao hơn để các em phát huy được năng lực riêng của mình. Ngoài ra, giáo viên thường xuyên gắn kết giữa nội dung học với thực tiễn cuộc sống thông qua các bài hát, bài thơ và những hoạt động ứng dụng khác.
Theo Hiệu trưởng Trường tiểu học Thanh Lưu, cô giáo Đỗ Thị Thủy: Để nâng cao chất lượng giáo dục, giáo viên phải quan sát và kiểm soát được thái độ tham gia cũng như các hành vi học tập của học sinh, từ đó đưa ra những quyết định điều chỉnh hợp lý. Thay vì phải soạn giáo án như trước đây, bây giờ giáo viên phải ghi nhật ký giảng dạy nên mỗi bài học giáo viên phải nghiên cứu kỹ, chuẩn bị đầy đủ đồ dùng học tập. Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Liêm Nguyễn Đức Khánh đánh giá: Qua một năm triển khai thực hiện mô hình VNEN, học sinh đã có những chuyển biến tích cực, môi trường lớp học thân thiện, khoảng cách giữa các học sinh được rút ngắn, các em có nhiều cơ hội chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau trong học tập.
Học sinh bắt đầu được làm quen với phương pháp tự học, biết cách đánh giá mình và năng động hơn.
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Nam Nguyễn Văn Diện cho biết: Đến thời điểm này, cơ bản giáo viên và học sinh đã quen với phương pháp dạy và học theo mô hình mới. Những công cụ để phục vụ cho việc đánh giá quá trình học tập của học sinh đã được các nhà trường quan tâm. Để định hướng cho giáo viên trong quá trình đánh giá, các đơn vị đã chủ động dự giờ, đưa nội dung đánh giá vào sinh hoạt cụm trường để cùng thảo luận và thống nhất cách làm.
Mô hình trường học mới Việt Nam có thời gian thực hiện bắt đầu từ năm 2012 đến hết năm 2015 tại 63 tỉnh, thành phố với 1.447 trường tiểu học. Có thể thấy rằng, mô hình VNEN mặc dù mới triển khai nhưng bước đầu đã phát huy được nhiều kết quả quan trọng, tích cực, góp phần vào việc nâng cao chất lượng giáo dục vùng miền, nhất là những tỉnh còn đang gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất cũng như đội ngũ giáo viên. Từ kết quả đạt được, năm học 2013-2014, Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh Kon Tum, Hà Nam có chủ trương tiếp tục nhân rộng mô hình này.
Ý kiến ()