Nhân rộng mô hình trồng rừng ở Quảng Trị
Làm đất chuẩn bị vào vụ trồng rừng mới ở vùng gò đồi huyện Cam Lộ (Quảng Trị). Nhận thức rõ vai trò quan trọng của trồng rừng, những năm qua, tỉnh Quảng Trị đã tập trung chỉ đạo và triển khai tốt việc trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng. Nhờ đó, hàng nghìn hộ nông dân ở các huyện Triệu Phong, Vĩnh Linh, Cam Lộ, Đa Krông, Hướng Hóa... từ nghèo khó đã vươn lên khá giả. Tuy vậy, để nâng độ che phủ của rừng trên địa bàn lên 50%, tỉnh cần có các giải pháp đẩy mạnh hơn nữa phát triển rừng trồng.Mô hình trồng rừng hiệu quảGiám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị Nguyễn Văn Bài cho biết, đến nay, toàn tỉnh trồng được hơn 50.000 ha rừng phòng hộ, 85.000 ha rừng sản xuất cùng hàng triệu cây phân tán, nâng độ che phủ của rừng đạt 46,7%, sản lượng gỗ khai thác hằng năm hơn 150 nghìn m3. Đạt được kết quả như vậy là nhờ sự quan tâm đầu tư của các Chương trình 327, 773, dự án 661 và một số chương trình trồng rừng do...
Làm đất chuẩn bị vào vụ trồng rừng mới ở vùng gò đồi huyện Cam Lộ (Quảng Trị). |
Mô hình trồng rừng hiệu quả
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị Nguyễn Văn Bài cho biết, đến nay, toàn tỉnh trồng được hơn 50.000 ha rừng phòng hộ, 85.000 ha rừng sản xuất cùng hàng triệu cây phân tán, nâng độ che phủ của rừng đạt 46,7%, sản lượng gỗ khai thác hằng năm hơn 150 nghìn m3. Đạt được kết quả như vậy là nhờ sự quan tâm đầu tư của các Chương trình 327, 773, dự án 661 và một số chương trình trồng rừng do quốc tế tài trợ, cùng với nỗ lực của các đơn vị, địa phương và người dân. Để công tác trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng có hiệu quả, ngành nông nghiệp đã phối hợp các huyện tổ chức tốt việc giao đất, giao rừng cho nhân dân; tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức của người dân về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; nhân rộng các mô hình trồng rừng có hiệu quả.
Thăm vùng gò đồi phía tây huyện Gio Linh, chúng tôi ngỡ ngàng trước sự đổi thay của vùng đất đồi núi cằn cỗi này. Hàng trăm ha rừng trồng với các loại cây cao-su, keo tai tượng, tràm hoa vàng… xanh ngút ngàn phủ lên mảnh đất từng hứng nhiều bom đạn trong chiến tranh. Ông Lê Biên Hòa, ở thôn Kinh Môn, xã Trung Sơn có hơn 30 ha rừng trồng cho biết: Năm 2007, dự án 'Quản lý rừng và kinh doanh lâm sản bền vững' do Quỹ quốc tế Bảo vệ thiên nhiên (WWF) tài trợ, triển khai thí điểm tại địa phương, ông được chọn làm nhóm trưởng dự án thôn Kinh Môn. Sau ba năm, nhóm hộ trồng rừng của ông được cấp chứng chỉ đạt tiêu chuẩn quốc tế về quản lý rừng bền vững (FSC). Mỗi ha rừng keo lai được cấp chứng chỉ FSC có giá bán từ 90 đến 100 triệu đồng. Bình quân mỗi năm gia đình ông thu nhập từ rừng hơn 300 triệu đồng.
Theo đồng chí Hoàng Đức Doanh, Chi Cục trưởng lâm nghiệp tỉnh Quảng Trị, đến nay toàn tỉnh có 316,11 ha rừng của 118 hộ gia đình ở hai huyện Gio Linh và Vĩnh Linh được cấp chứng chỉ FSC. Theo đó, giá gỗ rừng trồng được cấp chứng chỉ FSC cao hơn so với giá gỗ bình thường từ 30 đến 40%. Trên cơ sở những kết quả đạt được, hiện nay Tập đoàn IKEA Thụy Điển tài trợ kinh phí cho tỉnh mở rộng dự án trên địa bàn bốn huyện Gio Linh, Vĩnh Linh, Hải Lăng và Cam Lộ, với diện tích rừng trồng hơn 7.000 ha.
Ngược lên xã Tà Long, huyện Đa Krông, hỏi về chuyện trồng rừng phát triển kinh tế, mọi người ai cũng nhắc đến gia đình ông Hồ Xuân Lâm, ở thôn Vôi. Tranh thủ nguồn vốn từ các chương trình, dự án hỗ trợ, ông Lâm nhận toàn bộ khu vực đất trống, đồi núi trọc dọc theo đường Hồ Chí Minh để trồng rừng. Đến nay, toàn bộ khu đất hoang hóa rộng hơn 10 ha đã được phủ kín bạt ngàn mầu xanh. Ngoài ra, ông Hồ Xuân Lâm còn tích cực tuyên truyền, vận động bà con dân bản tham gia trồng rừng và bảo vệ rừng. Hiện nay, toàn thôn Vôi trồng được hơn 120 ha rừng tập trung, đã biến những vùng đất xưa kia vốn là đồi núi trọc, cỏ mọc chen nhau thành những cánh rừng tràm và keo lai xanh tốt. Phong trào trồng rừng kinh tế đã mở hướng làm ăn mới cho bà con đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Cô ở xã Tà Long và huyện Đa Krông.
Anh Hồ Sỹ Quang, ở thôn Khe Van, xã Hướng Hiệp, huyện Đa Krông đã vươn lên thoát nghèo nhờ mô hình trồng rừng kết hợp chăn nuôi cho biết, trước đây cuộc sống gia đình luôn bị đói nghèo đeo bám. Đời sống sinh hoạt của gia đình phụ thuộc vào mấy rẫy lúa, bắp thường xuyên mất mùa. Từ trong nghèo khó, anh đã nghĩ ra cách làm mới, vẫn khai thác rừng nhưng không theo phương pháp truyền thống như săn bắt thú, khai thác gỗ mà phải trồng rừng để dựa vào đó thoát nghèo. Mỗi năm, gia đình anh thu nhập hơn 100 triệu đồng từ khai thác rừng trồng và chăn nuôi. Mô hình kinh tế của gia đình anh Quang là một điển hình trong việc thay đổi tập quán khai thác rừng được nhân rộng trên địa bàn huyện miền núi Đa Krông.
Nhờ chính sách giao đất, giao rừng gắn với hỗ trợ về giống, trợ cấp gạo…, đến nay, ở tỉnh Quảng Trị có hàng trăm hộ gia đình có thu nhập hơn 50 triệu đồng/năm từ trồng rừng kết hợp sản xuất nông – lâm nghiệp, trong đó có hộ thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm như: Nguyễn Văn Hiếu, thôn Liên Phong, xã Triệu Ái (Triệu Phong); Hồ Thanh Xuân, thôn Đại An Khê, xã Hải Thượng (Hải Lăng); Trần Hữu Hiển, thôn Lâm Trường, xã Vĩnh Hà (Vĩnh Linh)…
Trồng rừng thay cho nương rẫy
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Nguyễn Đức Chính cho biết, tỉnh Quảng Trị đã xây dựng đề án 'Hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số canh tác nông – lâm nghiệp bền vững trên đất nương rẫy', với mục tiêu hỗ trợ và tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc thiểu số canh tác nông – lâm nghiệp ổn định, bền vững, đạt hiệu quả kinh tế cao trên diện tích nương rẫy kém hiệu quả, góp phần bảo vệ và phát triển rừng, cải thiện môi trường. Các hộ gia đình trồng rừng được hỗ trợ 100% giống, phân bón và gạo ăn trong bảy năm khi rừng chưa cho thu hoạch, với mức 700 kg/ha/năm. Đến kỳ thu hoạch rừng kinh tế, người dân được hưởng toàn bộ sản phẩm rừng khai thác và tiến hành trồng rừng theo chu kỳ tiếp theo. Theo đó, trong bốn năm dự án sẽ chuyển đổi 8.136,8 ha đất nương rẫy kém hiệu quả sang trồng rừng sản xuất và rừng phòng hộ, trong đó trồng rừng sản xuất 6.726,4 ha, rừng phòng hộ 1.410,4 ha. Ngoài ra, tỉnh còn bố trí kinh phí xây dựng các hạng mục khác phục vụ trồng rừng mới như làm 104 km đường ranh cản lửa, xây dựng bốn vườn ươm, hỗ trợ công tác khuyến lâm, khảo sát thiết kế… Tổng kinh phí đầu tư thực hiện dự án hơn 540 tỷ đồng. Đến nay, toàn bộ diện tích rừng trồng trên đất nương rẫy ở hai huyện Hướng Hóa và Đa Krông đã được nghiệm thu với tỷ lệ cây sống đạt từ 90 đến 95%, số cây bị chết đã được Hạt Kiểm lâm hai huyện kịp thời cấp cây bổ sung trồng dặm.
Chủ tịch UBND huyện Đa Krông Lê Văn Quyền khẳng định, việc ưu tiên trồng rừng trên những diện tích nương rẫy sản xuất kém hiệu quả và xác định quy hoạch vùng sản xuất đã tạo ra bước đột phá lớn trong thay đổi tư duy, tập quán và cung cách sản xuất lạc hậu của bà con đồng bào các dân tộc thiểu số. Bởi đó không chỉ nhằm tổ chức lại sản xuất, khai thác hết tiềm năng đất đai, mà còn góp phần rất lớn trong công tác bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ tài nguyên rừng. Đây chính là hướng đi đúng trong phát triển kinh tế – xã hội bền vững ở vùng núi Quảng Trị.
Phát triển hơn nữa rừng trồng
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ 15 đề ra chỉ tiêu, phấn đấu nâng tỷ lệ che phủ của rừng đạt 50% vào năm 2015. Để đạt được chỉ tiêu này, trước hết tỉnh phải ổn định quy hoạch, xây dựng và phát triển các loại rừng đến năm 2015, định hướng đến năm 2020; xây dựng hệ thống rừng phòng hộ ổn định, tập trung vào lưu vực các con sông chính trên địa bàn tỉnh và hệ thống rừng phòng hộ chống cát bay, cát lấp ven biển; kiện toàn, đổi mới bộ máy quản lý nhà nước về lâm nghiệp các cấp, thực hiện tốt mục tiêu xã hội hóa nghề rừng. Nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật nhằm đáp ứng mục tiêu phát triển ngành, chú trọng đào tạo cán bộ lâm nghiệp ở cơ sở. Xây dựng và chuyển giao tiến bộ khoa học – kỹ thuật lâm nghiệp, từng bước đưa sản xuất lâm nghiệp trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Nghiên cứu ứng dụng các công nghệ tiên tiến trong trồng rừng nhằm giảm bớt khó khăn, nặng nhọc cho người lao động. Sử dụng các phương pháp gieo tạo cây con hợp lý phục vụ cho trồng rừng ở vùng sâu, vùng xa, vùng núi cao. Nâng cao ý thức bảo vệ rừng cho người dân thông qua việc thường xuyên hướng dẫn giáo dục Luật Bảo vệ và phát triển rừng vào trong các bản, làng và trường học, nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa, ở những thôn, bản có rừng. Xây dựng lực lượng quần chúng bảo vệ rừng tại các thôn, bản nhằm tổ chức cho một bộ phận dân cư sống gần rừng tham gia vào quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Tiến hành việc giao đất lâm nghiệp cho các hộ gia đình, các tổ chức để thực hiện trồng rừng theo mục tiêu của các chương trình, dự án. Huy động các nguồn vốn giúp đỡ, hỗ trợ của các tổ chức để phát triển rừng trồng, quản lý, bảo vệ và phát triển vốn rừng. Xây dựng chính sách hưởng lợi cho người dân nhận khoán rừng, bảo đảm cho người dân được hưởng lợi từ những sản phẩm dưới tán rừng, khai thác các lâm sản phụ, hưởng một phần từ giá trị tăng thêm của rừng. Đối với rừng sản xuất, thực hiện tốt việc giao đất lâm nghiệp cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định, lâu dài vào mục đích lâm nghiệp.
Phát triển rừng trồng thật sự đã tạo ra sức sống mới cho nhiều vùng đất trống, đồi núi trọc, góp phần xóa đói, giảm nghèo, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa, đặc biệt đã cải thiện một bước đáng kể về môi trường sinh thái và tạo điều kiện phát triển bền vững kinh tế – xã hội của tỉnh Quảng Trị.
Theo Nhandan
Ý kiến ()