Thu hoạch nhãn lồng ở Hưng Yên.
Tấc đất, tấc vàng
Theo sự hướng dẫn của cán bộ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hưng Yên chúng tôi về xã Mễ Sở, huyện Văn Giang, địa phương đi đầu trong phong trào chuyển dịch cơ cấu cây trồng của tỉnh Hưng Yên, được Nhà nước tặng thưởng danh hiệu cao quý, đơn vị Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới. Trên cánh đồng làng “Mễ”, Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Quốc Chương giới thiệu: Ở Mễ Sở, mỗi khẩu chỉ có một sào mốt ruộng nhưng phần lớn nông dân lại làm giàu từ đất. Nông dân Mễ Sở tận dụng từng m2 đất để trồng cây, cây nào có thu nhập cao là nông dân trồng. Vườn cam đường canh của ông Trần Hồng Phúc rộng một mẫu, vụ Tết vừa rồi thu hoạch được tám tấn quả, thu về hơn 400 triệu đồng; có hộ trồng quất cảnh thu cao tới mức 50 triệu đồng/sào. Mễ Sở thực hiện chuyển đổi cây trồng cách đây khoảng 20 năm. Sự thành công trong thời kỳ đổi mới được Chủ tịch UBND xã Mễ Sở Lê Anh Tuất đúc kết: Đó là sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của Đảng bộ và nhân dân xã Mễ Sở. Năm 1993, khi thực hiện việc chia ruộng cho nông dân, Đảng ủy và UBND xã thời đó đã xác định, việc chia đất gắn liền với việc dồn điền đổi thửa, ruộng của các hộ được dồn lại thành khoảnh to để thuận lợi cho sản xuất hàng hóa. Có ruộng, nông dân Mễ Sở đã trăn trở tìm cách làm giàu, họ đã đi nhiều nơi để học hỏi tiến bộ kỹ thuật nông nghiệp, mô hình sản xuất hiệu quả. Những kinh nghiệm, kiến thức đã học được nhanh chóng triển khai trên đồng ruộng, cây quất cảnh là cây trồng hàng hóa cho thu nhập cao đầu tiên ở Mễ Sở, tiếp theo là cam đường canh, cam vinh, quýt, bưởi hoàng, ổi, táo, cây cảnh… Sự chuyển đổi cây trồng luôn năng động, gắn với thị trường, có thời kỳ cây bưởi hoàng, cây ổi phát triển rất mạnh ở Mễ Sở cho thu nhập cao, nhưng vài năm sau thu nhập từ những loại cây này giảm đi, nông dân lập tức phá bỏ chuyển sang trồng cam, quýt cho thu nhập cao hơn. Trong quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, UBND xã Mễ Sở và các tổ chức đoàn thể đóng vai trò hỗ trợ và làm những việc người nông dân không thể tự làm được, như việc dồn thửa, đổi ruộng, xây dựng hệ thống giao thông, thủy lợi, tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, nhất là phát hiện, định hướng, nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả… Sự chuyển đổi cây trồng gắn với thị trường đã giúp nhiều hộ dân xã Mễ Sở trở nên giàu có, nhiều diện tích quất cảnh, cam đường canh cho thu nhập cao đã góp phần nâng mức thu nhập bình quân trên một ha canh tác của xã lên gần 200 triệu đồng/năm.
Huyện Khoái Châu nơi có diện tích canh tác lớn nhất tỉnh Hưng Yên khoảng 7.000 ha, bước đầu thành công trong việc phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo thế mạnh từng vùng. Các địa phương có mô hình sản xuất nửa lúa, nửa màu gồm thị trấn Khoái Châu, Bình Kiều, An Vỹ, Tân Dân. Vùng chuyên canh cây ăn quả như Dạ Trạch, Đông Tảo, Bình Minh… Các xã vùng bãi thì trồng chuối, đây là một trong những cây trồng thế mạnh, cho thu nhập cao của huyện Khoái Châu. Anh Phạm Năng Thành, xã Đại Tập là người tiên phong trong việc đưa cây chuối tiêu hồng về trồng ở Khoái Châu cho biết: Ở vùng đất bãi này, trước kia chỉ trồng ngô, đỗ, lạc… thu nhập rất thấp, cuộc sống của phần lớn nông dân rất khó khăn. Để biến tấc đất thành “tấc vàng” người nông dân phải “một nắng, hai sương” và có ý chí làm giàu thì mới thành công. Khi mới khởi nghiệp tôi đã trải qua thất bại, dạo đó nghe anh em giới thiệu về mô hình trồng cam Vinh cho thu nhập cao, tôi liền tìm đến học hỏi rồi đưa ngay cây cam Vinh về vùng đất bãi trồng, nhưng sau mấy năm cây cam Vinh không phù hợp vùng đất này nên thất bại. Không nản, tôi quyết định đi một số tỉnh ở miền bắc để tìm hiểu về cây ăn quả, tôi thấy chuối tiêu hồng là loại cây dễ trồng, có thị trường tiêu thụ tốt, thế là tôi cùng mấy anh em trong xã bàn nhau mang về trồng, đến nay đã được gần mười năm chuối tiêu hồng phát triển tốt trên đất vũng bãi cho thu nhập cao. Tôi hiện đang thuê đất trồng 25 mẫu chuối tiêu hồng, mỗi năm cho thu nhập hơn một tỷ đồng. Từ một số hộ nông dân trồng chuối tiêu hồng trong đó có anh Thành, đến nay chuối tiêu hồng là cây trồng chủ lực vùng đất bãi ven sông của các xã Đông Ninh, Tứ Dân, Đại Tập, Tân Châu… với diện tích hơn 700 ha, cho thu nhập cao, từ 150 triệu đồng đến 200 triệu đồng/ha/năm.
Sự thành công trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở một số địa phương đã truyền cảm hứng và sức lan tỏa tạo nên phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa diễn ra mạnh mẽ trên địa bàn tỉnh Hưng Yên. Các huyện, các xã tùy theo thế mạnh, điều kiện canh tác, trình độ sản xuất để thực hiện chuyển đổi cây trồng. Đến nay, nền sản xuất nông nghiệp ở Hưng Yên đã có sự chuyển biến mạnh mẽ, gắn với thị trường có nhiều mô hình sản xuất thu nhập cao; mô hình lúa – cá, vườn quả, hoa – cây cảnh, chăn nuôi – cây ăn quả… Trên cánh đồng hình thành các vùng chuyên canh lớn, vùng trồng lúa chất lượng cao, ở các huyện Yên Mỹ, Mỹ Hào, Ân Thi; vùng trồng nhãn đặc sản ở huyện Tiên Lữ, Khoái Châu, thành phố Hưng Yên; vùng trồng vải huyện Phù Cừ; vùng trồng cây có múi (cam, quýt, bưởi) ở Văn Giang, Khoái Châu; vùng trồng chuối ở các xã vùng đất bãi Khoái Châu và một số xã ở Yên Mỹ; vùng trồng hoa, cây cảnh, dược liệu ở Văn Giang, Khoái Châu, Văn Lâm; vùng trồng rau chuyên canh ở Yên Mỹ, Kim Động, TP Hưng Yên… Việc chuyển đổi cây trồng đã giúp thu nhập trên một đơn vị diện tích đất tăng mạnh, đạt bình quân toàn tỉnh hơn 108 triệu đồng/ha/năm (năm 2005 đạt 45,9 triệu đồng/ha).
Hướng phát triển bền vững
Sản xuất nông nghiệp của tỉnh Hưng Yên đã có bước chuyển biến lớn sang nền sản xuất hàng hóa, góp phần nâng cao thu nhập của nông dân. Tuy nhiên, nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa ở Hưng Yên còn có một số hạn chế: Công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch còn nhiều bất cập, chất lượng thấp, thiếu tầm nhìn bền vững, tính khả thi chưa cao. Trình độ thâm canh của một bộ phận nông dân còn thấp, sản xuất còn mang tính tự cấp, phân tán, nhỏ lẻ. Sản xuất sản phẩm nông sản ATVSTP chưa được chú trọng và còn nhiều bất cập, quy cách, chất lượng, sản lượng nông sản chưa ổn định. Việc xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu cho nông sản chưa được quan tâm đúng mức. Mối quan hệ giữa “bốn nhà” nhất là nhà nông và doanh nghiệp chưa chặt chẽ. Việc đầu tư cho nông nghiệp và nông thôn chưa đồng bộ, hệ thống sản xuất giống cây trồng bị xuống cấp, hoạt động kém hiệu quả…
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nguyễn Văn Phóng cho biết: Hưng Yên là tỉnh đất chật, người đông, lại phải dành ra một diện tích đất lớn cho phát triển công nghiệp, đô thị, do vậy việc thực hiện phát triển sản xuất theo mô hình “cánh đồng mẫu” lớn rất khó thực hiện; tỉnh đã chọn hướng đi phù hợp, phát triển nông nghiệp hàng hóa hiệu quả cao. Để khắc phục những hạn chế trong quá trình chuyển đổi sang nền sản xuất hàng hóa, căn cứ vào tình hình thực tiễn và Nghị quyết đại hội Đảng bộ lần thứ 17 của tỉnh, Nghị quyết của Tỉnh ủy về chương trình phát triển nông nghiệp hàng hóa hiệu quả cao giai đoạn 2011-2015, định hướng 2020, ngành nông nghiệp và các địa phương trong thời gian tới triển khai các nhiệm vụ, giải pháp nhằm xây dựng thành công nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, thân thiện với môi trường, gắn sản xuất với bảo quản, chế biến và thị trường tiêu thụ, mở rộng xuất khẩu; từng bước xây dựng và phát triển các mô hình sản xuất hợp lý, gắn phát triển nông nghiệp với phát triển công nghiệp, TTCN, dịch vụ và đô thị theo quy hoạch; bảo đảm an ninh lương thực, không ngừng cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn, góp phần thực hiện thành công chương trình xây dựng nông thôn mới.
Ý kiến ()