Nhân rộng mô hình sản xuất an toàn thực phẩm
Hiện nay, số lượng thực phẩm sạch (rau, củ, quả, gạo, sản phẩm chăn nuôi…) cung cấp cho người tiêu dùng chưa được như mong muốn.
Mô hình chăn nuôi lợn hữu cơ tại tỉnh Quảng Bình đạt hiệu quả khá tốt, được nhân rộng. |
Do vậy, ngành nông nghiệp cần tăng cường nhân rộng các mô hình sản xuất an toàn thực phẩm để đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục đẩy mạnh xây dựng các chuỗi liên kết cung ứng nông sản an toàn, nhất là cho các đô thị lớn; tổ chức sản xuất theo hướng tập trung bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP), áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến.
Ðồng thời thúc đẩy phát triển các vùng sản xuất nông sản, thực phẩm sạch cho tiêu dùng trong nước. Đến nay, cả nước có hơn 1.700 chuỗi cung cấp thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn, 151.776 ha cây trồng được chứng nhận VietGAP.
Tại Hà Nội, thành phố đã xây dựng được hàng trăm mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, liên kết trong sản xuất nông nghiệp và chuỗi liên kết an toàn thực phẩm từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm của các doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân.
Tiêu biểu như: Mô hình liên kết chuỗi sản xuất lúa chất lượng cao tại Hợp tác xã Nông nghiệp Thụy Hương (huyện Chương Mỹ); thâm canh cây bưởi Diễn theo hướng VietGAP ở huyện Phúc Thọ; chuỗi sản xuất rau an toàn của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Văn Đức (huyện Gia Lâm); gà đồi Ba Vì, Sóc Sơn, gà mía Sơn Tây; thịt lợn hữu cơ Bảo Châu, chuỗi thực phẩm AZ (Hợp tác xã Hoàng Long); trứng gà Tiên Viên,…
Ấn tượng trong số này là Hợp tác xã Chăn nuôi và dịch vụ tổng hợp Hòa Mỹ (huyện Ứng Hòa), đơn vị tiên phong trong thực hiện liên kết chuỗi, kết hợp với hàng chục hộ chăn nuôi để nâng cao chuỗi giá trị ngành hàng thịt lợn. Các hộ xã viên được hỗ trợ từ chọn tạo con giống, cung cấp thức ăn đến kiểm soát thú y. Sản phẩm đạt chất lượng, tiêu thụ ổn định. Cùng với đó, tại các huyện Chương Mỹ, Thạch Thất, Gia Lâm…, nhiều hộ nông dân đã đổi đời từ làm nông nghiệp.
Ông Trần Văn Bình ở xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm chia sẻ, do áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới, chăm sóc tốt, vườn cam (trồng cam Canh và cam Vinh) cho năng suất quả cao, chất lượng, đáp ứng nhu cầu của thị trường, kinh tế gia đình ngày một khấm khá. Ông Bình còn luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm trồng cam và hỗ trợ về giống, nguồn vốn ban đầu cho các hộ có hoàn cảnh khó khăn.
Không chỉ ở Hà Nội, nhiều nơi khác trong cả nước với sự chung tay của nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn đã xây dựng được các chuỗi chăn nuôi liên kết khép kín, bảo đảm an toàn sinh học, giết mổ ATTP, sản phẩm được người dân tin dùng như: Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam, Vinamilk, Dabaco, Quế Lâm, TH True milk, Masan, Ba Huân…
Một số địa phương: Thành phố Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Bắc Giang cũng đã thực hiện chương trình truy xuất nguồn gốc sản phẩm chăn nuôi được người tiêu dùng hoan nghênh, hưởng ứng mạnh mẽ. Bà Nguyễn Thu Hà ở quận Tây Hồ (Hà Nội) chia sẻ: Mua thực phẩm tại các điểm bán nông sản sạch, chúng tôi yên tâm bởi những mặt hàng này kiểm tra được về chất lượng bằng điện thoại thông minh (smartphone), biết rõ nguồn gốc xuất xứ sản phẩm. Theo tôi, cần có thêm nhiều điểm bán nông sản sạch nữa gần các khu dân cư để mọi người có thể dễ dàng tiếp cận thực phẩm sạch.
Theo các chuyên gia, để có thêm nhiều thực phẩm chất lượng tốt cung cấp cho thị trường trong thời gian tới, các địa phương cần tiếp tục triển khai Đề án Bảo đảm an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông, lâm, thủy sản giai đoạn 2021-2030.
Đồng thời, các địa phương cần có thêm cơ chế, chính sách hỗ trợ các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm sạch; tiếp tục nhân rộng số lượng, mở rộng quy mô chuỗi cung ứng nông sản an toàn; khuyến khích các doanh nghiệp tham gia xây dựng chuỗi, đăng ký nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm an toàn, bảo đảm truy xuất được nguồn gốc; tăng cường khả năng kết nối giữa các cơ sở sản xuất ATTP với nhau, để tăng cơ hội liên kết hợp tác; chú trọng chuyển giao tiến bộ khoa học-công nghệ về công nghệ bảo quản, chế biến sâu; ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất, chế biến, kinh doanh nông sản chất lượng, an toàn.
Bên cạnh đó, các đơn vị cần tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm tốt, các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp uy tín tới người dân; tập huấn, nâng cao trình độ, hiểu biết về quản lý chất lượng ATTP, đẩy mạnh việc giám sát, kiểm tra, thanh tra chất lượng, ATTP theo chuỗi giá trị, nhất là tại các chợ đầu mối nông sản; kịp thời phát hiện, cảnh báo xử lý nghiêm các hành vi vi phạm ATTP.
Theo nhandan.vn
Ý kiến ()