tle=”Nhân rộng mô hình làm muối sạch ở Ninh Thuận”> yerText”> Xem thêm:1 ảnh Diêm dân thu hoạch muối.
Tháng 9 là thời điểm kết thúc vụ sản xuất muối năm 2012 ở tỉnh Ninh Thuận. Toàn tỉnh đã thu hoạch hơn 202 nghìn tấn muối, tăng 55% so cùng kỳ năm trước. Với năng suất bình quân của muối nền đất là 400 tấn/ha/vụ và giá thị trường tiêu thụ là 1,1 triệu đồng/tấn, người làm muối đang có thu nhập cao. Tuy nhiên, để việc nhân rộng mô hình sản xuất muối sạch đạt như mong muốn, tỉnh Ninh Thuận cần có chính sách giúp diêm dân tháo gỡ khó khăn về vốn đầu tư.
Phát huy lợi thế
Với hơn 105 km bờ biển cộng với thời tiết gần như nắng nóng quanh năm, Ninh Thuận được đánh giá là một trong những tỉnh có tiềm năng lợi thế để sản xuất muối. Toàn tỉnh hiện có 2.371 ha đất làm muối, trong đó có 1.891 ha muối công nghiệp (chủ yếu là diện tích sản xuất của Công ty CP muối Ninh Thuận và Công ty muối Đầm Vua) và 480 ha muối nền đất (còn gọi là muối ăn, muối diêm dân). Năm nay, với sản lượng thu hoạch muối nền đất hơn 100 nghìn tấn và giá bán tăng gần gấp hai lần so năm 2011, cho thấy, nghề muối có nhiều triển vọng để nền kinh tế của các xã, thị trấn ven biển ở Ninh Thuận phát triển trong tương lai.
Theo báo cáo của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sản lượng muối của Ninh Thuận chiếm khoảng 50% tổng sản lượng muối cả nước. Tại Ninh Thuận đã hình thành nhiều vùng sản xuất muối, như: Cà Ná (huyện Thuận Nam); các xã Phương Hải, Tri Hải, Nhơn Hải (huyện Ninh Hải)… Với tổng diện tích làm muối là 445 ha, huyện Ninh Hải hiện là vùng phát triển muối nền đất lớn nhất tỉnh.
Hằng năm, diêm dân bước vào vụ sản xuất muối nền đất từ tháng 12 năm trước đến hết tháng 8 của năm sau. Năm nào nắng hạn kéo dài thì kết thúc niên vụ vào tháng 9. Quy trình sản xuất khá đơn giản. Đối với ruộng muối nền đất, khi bước vào đầu vụ, diêm dân đầu tư hơn mười triệu đồng để san lấp ổn định độ bằng phẳng, tạo”da đất” cho ruộng, sau đó bơm hút nước biển vào ruộng, đợi nước biển bốc hơi khoảng bảy ngày thì thu hoạch muối. Cứ thế, xong đợt một, lại tiếp tục bơm nước biển vào, đợi nước bốc hơi và thu hoạch cho đến hết mùa vụ của năm. Nhiều diêm dân cho biết, sở dĩ năm nay họ trúng mùa, trúng giá là vì từ đầu năm đến nay, trong khi nhiều vùng muối khác trong cả nước liên tục bị mưa lũ gây thiệt hại, sản lượng thu hoạch thấp, thì tại tỉnh Ninh Thuận rất ít mưa, số ngày nắng trong năm nhiều cho nên sản xuất rất thuận lợi.
Chủ tịch UBND xã Tri Hải huyện Ninh Hải Ngô Minh Tự, cho biết:”Toàn xã hiện có 290 hộ sản xuất 210 ha muối. Với tổng sản lượng muối nền đất đạt hơn 43 nghìn tấn; diêm dân thu lãi hơn một trăm triệu đồng/ha, cho nên rất phấn khởi”.
Xã Phương Hải, tuy mới có 98 hộ quay lại làm muối nền đất hơn 63 ha. Mùa vụ năm 2012, bình quân mỗi hộ lãi từ 150 đến 180 triệu đồng/ha.
Mở hướng làm muối sạch
Diêm dân làm muối sạch sử dụng công nghệ trải bạt trên nền đất ruộng để sản xuất. Ưu điểm là thời gian nước biển bốc hơi và hạt muối kết tinh chỉ mất khoảng năm ngày (sớm hơn ruộng muối nền đất hai ngày), năng suất bình quân đạt 550 tấn/ha/vụ; hạt muối kết tinh trắng đẹp và không có tạp chất… diêm dân không phải tốn công để san lấp mặt bằng ruộng hằng năm như làm muối nền đất. Hiện tại, chi phí cho việc sản xuất muối sạch cao. Trên thị trường hiện có bán hai loại bạt tổng hợp để trải ruộng làm muối sạch. Loại bạt trải do Hàn Quốc sản xuất có chiều rộng 1,2 m, chiều dài 100 m. Nếu diêm dân sử dụng loại bạt trải này, chi phí đầu tư là 1,2 tỷ đồng/ha và được nhà sản xuất bảo hành tuổi thọ của tấm bạt trải trong thời gian mười năm.
Đến thăm ruộng muối đầu tiên sản xuất theo công nghệ trải bạt do Hàn Quốc sản xuất mà Sở Khọc học và Công nghệ tỉnh Ninh Thuận hỗ trợ Tổ hợp tác muối Hiệp Phát tại xã Tri Hải tám mươi triệu đồng làm thí điểm hai ô phơi kết tinh rộng khoảng 700 m2 do chị Trần Thị Tân đại diện, chị Tân cho biết: Năng suất trong vụ đạt hơn 40 tấn, độ trắng, tạp chất trong hạt muối khi kết tinh sạch tương đương muối nhập của nước ngoài, sản lượng thu trong diện tích thí điểm không đủ bán.
Giám đốc Công ty CP muối Ninh Thuận Tôn Thất Anh Dũng, phân tích, tuy đầu tư trải bạt cho ruộng muối cao, nhưng bù lại, diêm dân chỉ chi phí một lần rồi sản xuất ổn định hơn mười năm mới thay bạt mới. Hơn nữa, năng suất của ruộng muối có trải bạt luôn đạt cao từ 25 đến 35% so ruộng muối nền đất; hạt muối kết tinh sạch, các doanh nghiệp có nhu cầu sẽ trực tiếp ký hợp đồng ổn định giá mua với diêm dân. Như vậy, diêm dân sẽ không còn bị tư thương ép giá nữa. Với tiềm năng lợi thế sẵn có, nếu có vốn, diêm dân ở Ninh Thuận chắc chắn làm được muối sạch.
Theo cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ninh Hải, trong số hơn 445 ha trên địa bàn huyện đã có 25% diện tích ruộng kết tinh muối trên ô trải bạt. Từ hiệu quả bước đầu, huyện đang tích cực vận động diêm dân chuyển sang hình thức liên kết sản xuất. Trước mắt, mô hình này đã tạo ra mô hình sản xuất hiện đại, vì khi hình thành đồng muối lớn, chi phí đầu tư ao lắng, mương rãnh giảm nhiều; diện tích rộng làm cho nước biển trong ruộng luôn có độ dao động lớn, bốc hơi nhanh, hạt muối kết tinh trắng đẹp.
Giải pháp cho đồng muối
Tại huyện Ninh Hải hiện có nhiều chủ đìa nuôi tôm chưa trả được nợ cho ngân hàng, vì thế họ khó được vay vốn để đầu tư. Hiện tại, hộ nào có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất muối (Giấy CNQSDĐM), chỉ được Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho vay cao nhất hai trăm triệu đồng/ha. Nhưng để được vay vốn, các hộ nuôi tôm phải trả hết nợ gốc trước đó vài trăm triệu đồng, sau đó làm thủ tục chuyển từ Giấy CNQSDĐ đìa tôm sang Giấy CNQSDĐM thì ngân hàng mới cho vay. Do vướng mắc này, cho nên còn nhiều ao đìa bị bỏ hoang rất lãng phí.
Phần lớn diêm dân cho rằng, giải pháp tháo gỡ khó khăn trước mắt, là UBND huyện Ninh Hải tạm thời khoanh nợ số tiền làm thủ tục chuyển Giấy CNQSDĐ từ đìa tôm sang ruộng muối để nhiều hộ có đất nằm trong quy hoạch được vay vốn ngân hàng đầu tư sản xuất muối sạch. Nếu chưa được sự đồng thuận của các ngành và ngân hàng, e rằng khó mở rộng diện tích.
Chuyển dịch từ nền sản xuất muối lạc hậu sang làm muối sạch là hướng đi đúng, phù hợp điều kiện phát triển kinh tế cho các vùng nông thôn ở Ninh Thuận. Vì thế, Đảng bộ và chính quyền tỉnh Ninh Thuận cần sớm có chính sách tháo gỡ vướng mắc về vốn để tạo điều kiện cho diêm dân khai thác tốt tiềm năng lợi thế sẵn có, phát triển bền vững nghề sản xuất muối sạch tại địa phương. Với năng suất và chất lượng tăng lên, về lâu dài, sản lượng muối của Ninh Thuận sẽ góp phần đáng kể trong việc giảm nhập muối ngoại.
Đầu tháng 9, Bộ Công Thương vừa thông báo sẽ cấp hạn ngạch 51 nghìn tấn muối nhập khẩu trong hạn ngạch năm 2012 cho các doanh nghiệp. Theo Thứ trưởng Công Thương Nguyễn Thành Biên, lượng muối nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan trong năm nay là 102 nghìn tấn, trong đó, 100 nghìn tấn sử dụng làm nguyên liệu sản xuất hóa chất và hai nghìn tấn muối tinh khiết sử dụng làm nguyên liệu sản xuất thuốc, sản phẩm y tế. |
Theo Nhandan
Ý kiến ()