Với hơn 500 nghìn hội viên đang sinh hoạt ở 5.709 chi hội cơ sở, nhiều năm qua, các cấp hội nông dân Thanh Hóa luôn làm tốt vai trò “bà đỡ” của nông dân trên bước đường xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.
Ở các địa phương, vùng, miền xuất hiện ngày càng nhiều gương nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi.
Chị Bùi Thị Phú, dân tộc Mường ở xã Điền Quang, huyện Bá Thước cho biết: Trăn trở tìm hướng thoát nghèo, sau khi được giao đất, giao rừng sử dụng vào mục đích phát triển lâm nghiệp theo Nghị định 02/CP, chị mạnh dạn vay mượn anh em họ hàng đầu tư phát triển vốn rừng, kết hợp với chăn nuôi gia súc, gia cầm. Tham gia sinh hoạt ở tổ chức hội nông dân cơ sở, ngoài đi tham quan các mô hình, học hỏi kinh nghiệm sản xuất, chị tiếp tục theo học lớp đào tạo trung cấp thú y tại huyện Cẩm Thủy. Có tri thức, kinh nghiệm, lại được tổ chức tín dụng tạo điều kiện cho vay 200 triệu đồng, chị phát triển mô hình sản xuất, kinh doanh tổng hợp: trồng trọt, chăn nuôi gắn với cung ứng vật tư, dịch vụ nông nghiệp. Năm 2009, được sự hỗ trợ của Hội Nông dân và Công ty thức ăn gia súc cao cấp Con heo vàng, chị cùng một số nông hộ chăn nuôi quy mô nhỏ và vừa thành lập tổ hợp chăn nuôi con heo vàng, đầu tư phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn dịch bệnh. Tổng thu nhập của gia đình chị đã đạt hơn 800 triệu đồng, thực lãi 300 triệu đồng/năm, tạo việc làm cho sáu lao động thường xuyên, 20 lao động thời vụ. Ngoài ra, gia đình chị còn đầu tư con giống, hỗ trợ, hướng dẫn mười hộ trong thôn cùng tổ chức sản xuất, phát triển chăn nuôi hàng hóa, vươn lên thoát nghèo. Theo chị, để đưa chăn nuôi trở thành ngành sản xuất chính, ngoài tiếp tục tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận các nguồn vốn vay cùng các kiến thức khoa học, kỹ thuật, cần thắt chặt hơn nữa mối liên kết giữa doanh nghiệp, nhà khoa học với nông dân và Nhà nước nên ban hành chính sách bảo hiểm trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp.
Thực tế ở Thanh Hóa ngày càng có nhiều doanh nghiệp, đội ngũ cán bộ khoa học luôn đồng hành cùng nông dân trong tổ chức sản xuất, kinh doanh. Không chỉ đầu tư ứng trước cây, con giống, vật tư, tham gia chuyển giao tiến bộ, khoa học, kỹ thuật cho nông hộ, các doanh nghiệp còn ký hợp đồng thu mua, bao tiêu sản phẩm cho nông dân trong sản xuất giống cây trồng, trồng dưa bao tử, ớt xuất khẩu. Nông dân huyện Hậu Lộc mở rộng hợp tác, tổ chức chăn nuôi gà, lợn hậu bị cho Công ty Cipi grup tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hàng trăm lao động. Từ mô hình chăn nuôi công nghiệp ở xã Quý Lộc (Yên Định), phương thức chăn nuôi tập trung đang được nhân rộng ở các địa phương, vùng miền. Liên hiệp các hội khoa học, kỹ thuật Thanh Hóa, nhất là các tổ chức thành viên đẩy mạnh việc chuyển giao mô hình trồng rau sạch, hoa công nghệ cao cho nông dân một số địa phương trong tỉnh. Bản thân hộ nông dân cũng tích cực, chủ động hơn trong lựa chọn cơ cấu cây trồng, con nuôi phù hợp, đầu tư phát triển đa dạng các mô hình sản xuất theo hướng nâng cao giá trị trên một diện tích canh tác. Dù vậy, mô hình hợp tác trong chuyên canh, thâm canh cây mía nguyên liệu cung ứng cho các nhà máy đường trong tỉnh, gắn sản xuất với chế biến, bao tiêu sản phẩm cho nông dân tiếp tục khẳng định hiệu quả, gợi mở hướng đi bền vững trong nền kinh tế thị trường. Đến thăm hộ ông Trịnh Huy Khuê ở xã Thọ Bình, huyện Triệu Sơn nông dân sản xuất giỏi: Với 30 ha đất trống đồi trọc, gia đình ông quy hoạch trồng 20 ha rừng, 10 ha chuyên canh cây mía nguyên liệu, thực hiện trồng xen cây hoa màu, kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm, lấy ngắn nuôi dài nên cuộc sống ổn định, dần có của ăn, của để. Thấy cây mía ổn định đầu ra, công ty lại ban hành nhiều chính sách hỗ trợ nông dân chuyên canh mía, ông vận động 500 hộ nông dân cùng tham gia xây dựng vùng trồng mía nguyên liệu tập trung rồi từng bước đầu tư mua sắm phương tiện cơ giới để làm đất, tổ chức dịch vụ vận tải, nâng cấp hệ thống đường vận chuyển nguyên liệu rồi vươn tới nhận thầu, thi công các công trình giao thông trên địa bàn. Năm vừa qua doanh thu của gia đình ông đạt gần hai tỷ đồng, thực lãi 300 triệu đồng, tạo việc làm cho hơn 10 lao động với mức lương từ ba triệu đến 4,5 triệu đồng/tháng. Ông Lê Văn Tam, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần mía đường Lam Sơn cho biết thêm: Toàn vùng nguyên liệu có tới 20.000 hộ nông dân có quy mô sở hữu đất đai chưa đầy nửa ha/hộ nên rất khó thực hiện cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ tưới nước nhỏ giọt vào thâm canh cây mía nguyên liệu. Thời gian gần đây, cùng với việc quy hoạch quỹ đất tập trung, đầu tư hạ tầng giao thông, thủy lợi, công ty trợ giúp nông dân Cẩm Châu (Cẩm Thủy) xây dựng mô hình hợp tác theo phương thức góp đất tổ chức sản xuất tập trung, chia lợi tức theo cổ phần đất góp. Mặt khác, công ty hỗ trợ đào tạo, phân công cán bộ bám địa bàn hướng dẫn quy trình canh tác, chuyển giao kỹ thuật theo phương thức cầm tay chỉ việc cho nông hộ. Bước đầu xã Cẩm Châu đã cải thiện được hiện trạng manh mún trong sở hữu đất đai, định hình vùng thâm canh cây mía đường tập trung, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Trưởng Ban kinh tế Hội Nông dân Thanh Hóa phân tích: Thiếu vốn, kiến thức khoa học, kỹ thuật, yếu về năng lực tổ chức sản xuất, kinh doanh là những yếu tố cản trở nông dân trên bước đường giảm nghèo nhanh, bền vững. Chính vì vậy, các cấp hội nông dân trong tỉnh đã hỗ trợ xây dựng 2.477 các mô hình trình diễn, mở 3.285 lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, 584 cuộc hội thảo đầu bờ thu hút gần 300 nghìn lượt nông dân tham gia. Tổ chức hội nông dân đã thực hiện ủy thác, tín chấp với tổ chức tín dụng tạo điều kiện cho hàng vạn lượt hộ vay vốn đầu tư phát triển kinh tế, liên kết với các doanh nghiệp đầu tư chậm trả gần 22 nghìn tấn phân bón cho nông dân đầu tư ứng trước đồng thời là bà đỡ cho sự ra đời các mô hình hợp tác, liên kết trong sản xuất, kinh doanh. Chính vì vậy phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, giúp nhau xóa đói, giảm nghèo có bước phát triển sâu rộng. Toàn tỉnh có hơn 200 nghìn hộ nông dân đạt tiêu chí hộ sản xuất, kinh doanh giỏi. Số hộ đạt thu nhập từ 100 đến 200 triệu đồng/năm chiếm tới hơn sáu nghìn hộ và hơn 1.100 hộ đạt thu nhập 200 triệu đồng trở lên, nên đã có gần 600 hộ thành lập công ty, doanh nghiệp nhỏ và vừa. Cùng với nỗ lực thi đua lao động sản xuất, vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng, nông dân Thanh Hóa hăng hái tham gia đóng góp nguồn lực vật chất xây dựng cơ sở hạ tầng trong nông nghiệp, nông thôn. Theo số liệu tổng hợp, năm năm qua nông dân trong tỉnh đóng góp 5.421 tỷ 810 triệu đồng xây dựng hạ tầng nông thôn. Toàn tỉnh đã kiên cố hóa 27.169 km đường giao thông, 27.838 km kênh mương, sửa chữa, làm mới gần 7.000 cầu, cống; sửa, chữa, nâng cấp 16.565 phòng học, trạm y tế, xây dựng 4.069 km đường điện, v.v.
Phó Chủ tịch Hội Nông dân Thanh Hóa Lê Hồng Sơn khẳng định: Phong trào thi đua lao động, sản xuất, kinh doanh giỏi đã và đang làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đông đảo tầng lớp nông dân và huy động hiệu quả các nguồn vốn đầu tư phát triển. Thời gian tới, các cấp hội nông dân tiếp tục khuyến khích phát triển các hình thức kinh tế hợp tác, thắt chặt hơn nữa mối liên kết “bốn nhà” góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động trong khu vực nông nghiệp, nông thôn theo hướng CNH, HĐH.
Ý kiến ()