Nhân rộng mô hình đọc sách cho trẻ em
Được khởi động từ mùa thu năm 2023, đến nay, chuỗi sự kiện “Góc đọc cuối tuần” của Nhà xuất bản Kim Đồng tổ chức đều đặn vào sáng thứ bảy hằng tuần tại 55 Quang Trung (Hà Nội) đã trở thành món quà tinh thần thú vị, bổ ích cho thiếu nhi. Ngoài các nội dung cơ bản, nhiều hình thức sáng tạo mới mẻ liên tục được cập nhật tạo nên sức cuốn hút, tương tác rất hiệu quả.
Theo các chuyên gia, trong đời sống hiện đại, trẻ em ở thành phố thường không thiếu thốn sách vở hoặc không gian đọc bởi các nhà trường, gia đình hầu hết đều trang bị giá sách, góc đọc... Tuy nhiên, không phải cứ có thư viện, giá sách là tạo nên sự lôi cuốn với trẻ em. Bởi thế, nhiều câu lạc bộ đọc sách đã ra đời nhằm hướng dẫn kỹ năng đọc sách cũng như truyền cảm hứng cho trẻ. “Góc đọc cuối tuần” của Nhà xuất bản Kim Đồng là một trong những mô hình sinh động, hiệu quả nhất hiện nay.
Chia sẻ về ý tưởng tâm huyết của góc đọc sách, Phó Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Kim Đồng Vũ Thị Quỳnh Liên nhấn mạnh: Đơn vị mong muốn góc đọc sách sẽ trở thành địa chỉ thân thương của thiếu nhi vào mỗi cuối tuần với biết bao trải nghiệm và kỷ niệm thú vị.
Ở đó, ngoài đọc sách, các bạn đọc nhỏ tuổi còn tham gia nhiều hoạt động tương tác, làm các thí nghiệm khoa học, tìm hiểu kiến thức, học các kỹ năng mới... với sự đồng hành của các chuyên gia, nhà văn, nhà thơ, họa sĩ, biên tập viên. Sự bồi đắp, gợi mở từng chút ấy sẽ góp phần nuôi dưỡng niềm yêu thích đọc sách và khám phá tri thức mới của các em mỗi ngày.
Theo nhận định từ giới chuyên môn và các phụ huynh, những mô hình đọc sách tổ chức dạng này tạo nên sự gần gũi, gắn kết hơn giữa tác giả và bạn đọc, giữa cha mẹ và con cái. Mỗi tuần, góc đọc sách luôn có một chủ đề khác nhau, bảo đảm sự phong phú của các lĩnh vực: văn học, khoa học, kỹ năng sống... theo các bộ sách hoặc đầu sách mà nhà xuất bản đã ấn hành. Hình thức hoạt động cũng hết sức phong phú, từ diễn kịch, đọc truyện, thơ, đố vui đến tương tác, vẽ tranh…
Đội ngũ tổ chức góc đọc cũng có sự phân chia hợp lý về chủ đề. Thí dụ, cùng là thiếu nhi nhưng chủ đề “Quả thu dịu dàng - Món quà của mùa thu” dành cho các em từ 3-6 tuổi; “Chó đốm và mèo hoa - Diễn kịch thật vui” với tiết mục diễn kịch, đọc thơ dành cho trẻ từ 6-10 tuổi; “Hành trình sáng tạo chữ quốc ngữ” giúp tìm hiểu về chữ quốc ngữ hiện nay dành cho trẻ từ 8-11 tuổi... Quan sát con tham gia một buổi đọc sách, nhiều phụ huynh không giấu nổi xúc động trước những câu chuyện, bài học về lịch sử, mới nhất là sự kiện chiến dịch Điện Biên Phủ được nhà xuất bản tổ chức.
Kể từ khi ra đời, góc đọc sách cuối tuần của Nhà xuất bản Kim Đồng liên tục duy trì được các chương trình bổ ích, công phu. Một số sự kiện nổi bật, tạo ấn tượng tốt đẹp có thể kể đến, như: Tiệc dưa hấu mùa hè; Alô!... Cậu đấy à?; Cùng em bước vào thế giới đồng thoại; Bỏ điện thoại xuống nào; Con chỉ cần một ngôi trường nhỏ; Giận dữ như sư tử; Thử tài làm thơ...
“Tôi nghĩ, rất ít nhà thơ viết cho thiếu nhi có cơ hội tiếp xúc với độc giả của mình trực tiếp như thế này. Qua chương trình, tác giả được trực tiếp đối thoại với độc giả của mình, và chính mình cũng được sống lại tuổi thơ của mình”, nhà thơ Cao Xuân Sơn từng chia sẻ tại buổi đọc sách “Ngày thơ cho bé - Con chuồn chuồn đẹp nhất”.
Điều đáng quý ở các mô hình góc đọc sách còn là sự kết hợp nhuần nhuyễn, góp phần lan tỏa văn hóa đọc theo cách rộng rãi hơn. “Góc đọc cuối tuần” của Nhà xuất bản Kim Đồng từng tương tác, giao lưu hiệu quả với Câu lạc bộ Đọc sách cùng con của Tiến sĩ giáo dục Nguyễn Thụy Anh. Bày tỏ về sự kết hợp này, đội ngũ tổ chức cho rằng, muốn khuyến khích trẻ em đọc sách nhiều hơn, cần thiết phải tạo ra “hệ sinh thái đọc” bao gồm: không gian, hoạt động, cộng đồng và sự hỗ trợ hợp lý. Bởi thế, việc đọc được tích hợp vào các hoạt động luôn được ưu tiên. Thí dụ, để trang bị về kiến thức ẩm thực, trẻ em được hướng dẫn đọc sách của các nhà văn Nguyễn Tuân, Thạch Lam, Vũ Bằng... để tạo cảm xúc.
Thành quả khi trẻ em được tham gia những góc đọc sách bổ ích không dừng lại ở kiến thức mà còn là sự thay đổi tích cực trong nhận thức, thái độ, hành vi thông qua trải nghiệm. “Chúng tôi kỳ vọng thông qua câu chuyện đọc sách sẽ giữ gìn, làm bền chặt hơn sợi dây kết nối về cảm xúc trong các gia đình, trong mỗi con người để sự chia sẻ và đồng hành trở nên hiệu quả hơn”, Tiến sĩ Nguyễn Thụy Anh nói.
Theo đánh giá từ ngành xuất bản, tuy đã có một số mô hình khuyến đọc cho trẻ em thành công, song số lượng vẫn chưa nhiều, chưa được nhân rộng. Ý tưởng, tâm huyết từ một số góc đọc nổi bật có thể trở thành gợi ý hữu ích cho các gia đình, nhà trường trong việc khuyến khích trẻ em đọc sách hiệu quả hơn cũng như linh hoạt, năng động tạo ra sự kết hợp giữa các tổ chức để cùng vun đắp giá trị văn hóa tốt đẹp dành cho thế giới tuổi thơ.
Ý kiến ()