Nhân rộng mô hình dịch vụ năng lượng
Vừa qua, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã sơ kết thí điểm mô hình công ty dịch vụ năng lượng (ESCO) qua hai năm triển khai (năm 2014 - 2016). Đây là một trong những phương án đầu tư trong việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả hữu ích cho DN. Tham gia mô hình, các DN được chủ đầu tư hỗ trợ vốn lắp đặt các thiết bị tiết kiệm năng lượng và giới thiệu các công ty, đơn vị chuyên thiết kế, thi công triển khai các giải pháp tiết kiệm năng lượng phù hợp.
Ưu thế của mô hình ESCO là DN sẽ không phải tốn chi phí đầu tư ban đầu cho việc lắp đặt các thiết bị tiết kiệm năng lượng, chi phí này được thanh toán bằng chính nguồn tiền tiết kiệm được sau khi ứng dụng mô hình. Các khoản tiết kiệm chi phí năng lượng thường được tính toán, chia lại cho đơn vị đầu tư trang thiết bị và thiết kế trong vòng 4 đến 10 năm.
Mô hình ESCO đã được áp dụng phổ biến trên thế giới, nhất là tại các nước phát triển như Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hàn Quốc,… Tuy nhiên, ở nước ta, mô hình này mới được EVN giao Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) triển khai thí điểm. Đến nay, EVNSPC đã ký được bốn hợp đồng cung cấp dịch vụ nước nóng sử dụng năng lượng mặt trời, tổng dung tích 48 nghìn lít/ngày, tổng giá trị các hợp đồng khoảng 4,9 tỷ đồng. Ngoài ra, trình phương án đầu tư cho bốn khách hàng khác với tổng công suất 136 nghìn lít/ngày. Theo tính toán, DN có thể tiết kiệm ít nhất 60% chi phí nhiên liệu cho nước nóng/gia nhiệt so với sử dụng điện. Bên cạnh hiệu quả về kinh tế, dự án còn mang lại các hiệu quả về môi trường, xã hội như giảm phát thải khí nhà kính, tạo cơ hội việc làm, nâng cao nhận thức của DN, cộng đồng trong việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Tại Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản Cần Thơ (Caseamex), sau khi thực hiện mô hình ESCO (cung cấp 23 nghìn lít nước nóng/ngày), mỗi năm đã tiết kiệm 240 nghìn kW giờ, tương đương 390 triệu đồng, giảm 136 tấn CO2/năm.
Trong giai đoạn 2016 – 2020, theo kế hoạch, mỗi năm EVN sẽ thực hiện ít nhất 50 dự án ESCO, giao mỗi Tổng công ty điện lực thực hiện 10 dự án. EVN sẽ ưu tiên các dự án vừa và nhỏ có tổng mức đầu tư từ 500 triệu đồng đến 2 tỷ đồng. EVN không chỉ dừng lại ở hệ thống nước nóng năng lượng mặt trời mà sẽ nghiên cứu mở rộng thêm nhiều sản phẩm như pin năng lượng mặt trời, chiếu sáng, tư vấn giải pháp tiết kiệm điện khác. Các chuyên gia cho rằng, các DN đều có mong muốn tiết giảm chi phí sản xuất, nhất là chi phí về điện, nhưng họ lại gặp phải rào cản lớn nhất về vốn đầu tư và giải pháp kỹ thuật. Do đó, việc nhân rộng mô hình ESCO sẽ giúp các DN giải bài toán này. Tuy nhiên, hiện nay, mô hình còn khá mới mẻ, nên các DN vẫn chưa có nhiều thông tin, chưa hiểu rõ lợi ích từ các giải pháp tiết kiệm năng lượng của ESCO. Bên cạnh đó, mô hình mới chưa có những chính sách rõ ràng, các ngân hàng chưa có kinh nghiệm thẩm định, cho nên các dự án ESCO còn gặp khó khăn khi thực hiện các thủ tục đầu tư, do đó, rất cần sự hỗ trợ của cơ quan quản lý nhà nước để thúc đẩy, nhân rộng. Qua thí điểm mô hình ESCO, đại diện EVNSPC đã ký hợp đồng với các khách hàng để triển khai chương trình theo các hình thức như: Hợp đồng chia sẻ tiết kiệm năng lượng và Hợp đồng bảo đảm mức tiết kiệm năng lượng, giúp giảm chi phí cho DN cũng như nâng cao hình ảnh của DN trên thị trường.
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()