Nhân rộng mô hình “chợ 4.0”: Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt
– Sau hơn một năm triển khai, Viettel Lạng Sơn đã tập trung nhân rộng mô hình chợ 4.0 tại các chợ trung tâm trên địa bàn tỉnh. Qua đó, tạo điều kiện để người tiêu dùng trải nghiệm, tiếp cận với các phương thức thanh toán hiện đại, góp phần đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh.
Hộ kinh doanh tại Chợ Giếng Vuông, thành phố Lạng Sơn hướng dẫn khách hàng quét mã QR Code để thanh toán
Chợ 4.0 hay còn gọi là chợ công nghệ số, chợ thanh toán không tiền mặt. Tham gia chợ, tiểu thương và khách hàng có thể thanh toán giao dịch bằng cách quét mã QR Code (mã phản ứng nhanh) hay chuyển/nạp tiền qua ứng dụng Viettel Money nhanh chóng, thuận tiện. Ngay cả khi điện thoại của khách hàng không có kết nối internet vẫn có thể thanh toán thông qua việc nhập mã trên điện thoại. Tại Lạng Sơn, từ tháng 3/2022, Viettel Lạng Sơn bắt đầu triển khai mô hình chợ 4.0 tại một số chợ trung tâm trên địa bàn tỉnh.
Tiện lợi, an toàn
Có mặt tại chợ thị trấn Thất Khê, huyện Tràng Định vào những ngày đầu tháng 5/2023, chúng tôi được chứng kiến không khí mua bán nhộn nhịp ở nơi đây. Từ rất sớm, các tiểu thương đã có mặt để chuẩn bị bày trí hàng hóa phục vụ người mua. Từ tháng 2/2023, Viettel Lạng Sơn phối hợp với Ban Quản lý chợ triển khai thí điểm mô hình chợ 4.0 đầu tiên trên địa bàn huyện
Bà Trần Thanh Loan, tiểu thương kinh doanh giày dép tại chợ thị trấn Thất Khê cho biết: Tôi đã bán hàng hơn 20 năm nay, vài tháng nay tôi bắt đầu tham gia mô hình chợ 4.0. Tôi thấy hình thức này đơn giản, bảo mật, thuận tiện trong quá trình mua, bán, tránh rủi ro, nhầm lẫn khi trả lại tiền thừa cho khách hàng. Giờ đây, khách hàng đi chợ không cần cầm tiền mặt, chỉ cần chiếc điện thoại thông minh, mua hàng xong mở điện thoại, quét mã QR Code để thanh toán. Tính đến nay, trung bình mỗi tháng có khoảng 50% khách hàng thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt tại cửa hàng.
Bà Trần Mai Phương, Trưởng Ban Quản lý chợ Thất Khê cho biết: Tham gia chợ 4.0, tiểu thương và người dân dễ dàng thanh toán mọi mặt hàng bằng cách quét mã QR Code hoặc nạp, rút, chuyển tiền nhanh chóng cũng như được cung cấp miễn phí mã QR Code, phụ kiện,… để thuận tiện thanh toán, quảng bá cửa hàng. Nếu như trước đây người bán và người mua tại chợ chủ yếu sử dụng phương thức thanh toán truyền thống bằng tiền mặt thì hiện nay, hơn 60% tiểu thương (91/153 tiểu thương) tại chợ đã và đang sử dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.
Tương tự, tại chợ thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc, mô hình chợ 4.0 đã “len lỏi” đến khắp cửa hàng, ki ốt từ quầy hàng thực phẩm đến các quầy hàng gia dụng, thời trang. Ông Nguyễn Đình Tuyên, Trưởng Ban Quản lý chợ thị trấn Đồng Đăng cho biết: Việc thanh toán không dùng tiền mặt thông qua ứng dụng mô hình chợ 4.0 là cách để bảo đảm quá trình giao dịch an toàn hơn giúp người dân tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại, tốc độ thanh toán nhanh, xác thực một cách dễ dàng và linh hoạt, hạn chế việc bị trộm cắp tài sản, tiền giả. Hiện nay, đã có 200/310 tiểu thương, hộ kinh doanh tại chợ tham gia mô hình chợ 4.0.
Không chỉ huyện Tràng Định và Cao Lộc, thời gian qua, Viettel Lạng Sơn đã tập trung nhân rộng mô hình chợ 4.0 tại 7/11 huyện, thành phố. Hiện nay, đã có trên 800 hộ kinh doanh tại 7 chợ mở tài khoản Viettel Money và phát triển trên 700 điểm thanh toán không dùng tiền mặt tại các chợ. Từ tháng 3/2022 đến nay, đã có hơn 1.000 tài khoản phát sinh giao dịch tại chợ; 100% tiểu thương tham gia mô hình chợ 4.0 được trang bị mã QR Code.
Phát huy hiệu quả
Ông Thái Lương Hòa, Phó Giám đốc Viettel Lạng Sơn cho biết: Thời gian đầu, việc triển khai mô hình chợ 4.0 gặp nhiều khó khăn do người dân và hộ kinh doanh còn giữ thói quen sử dụng tiền mặt, lúng túng khi giao dịch trên môi trường điện tử, nhiều tiểu thương là người lớn tuổi không sử dụng điện thoại thông minh… Để triển khai hiệu quả, đơn vị đã chỉ đạo sát sao nhân viên phụ trách bám sát địa bàn, phối hợp chặt chẽ với Ban quản lý chợ để tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân. Đồng thời, luôn bố trí nhân viên kiểm tra hoạt động của các điểm nạp rút; hỗ trợ kịp thời giải đáp thắc mắc cho các tiểu thương trong quá trình tham gia mô hình chợ 4.0. Thời gian tới, Viettel Lạng Sơn tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Sở Công Thương triển khai nhân rộng mô hình chợ 4.0, phấn đấu 100% chợ trung tâm huyện, thành phố đều phát triển mô hình chợ 4.0. Đồng thời, đơn vị luôn đổi mới phong cách phục vụ, thành lập các tổ tuyên truyền lưu động, đưa ra nhiều ưu đãi hơn cho khách hàng tham gia quét mã QR Code… nhằm khuyến khích, tạo điều kiện cho tiểu thương và người dân đi chợ quen dần với việc thanh toán không dùng tiền mặt.
Nhờ sự lan tỏa của mô hình chợ 4.0, hiện nay, nhiều ngân hàng thương mại trên địa bàn như: Agribank, Vietcombank, Vietinbank, Liên Việt PostBank… đã đồng loạt thực hiện “phủ xanh” các mã QR Code tại các chợ trung tâm, chợ truyền thống để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.
Theo ghi nhận của phóng viên, tại các chợ: Giếng Vuông (thành phố Lạng Sơn), Đồng Đăng (Cao Lộc)… ngoài trang bị các mã QR Code của Viettel Lạng Sơn, một số tiểu thương còn chủ động trang bị mã QR Code của các ngân hàng thương mại tại cửa hàng để khách hàng có nhiều lựa chọn thanh toán. Với tốc độ phát triển không ngừng của công nghệ số từ các nhà mạng và ngân hàng, ngày nay người kinh doanh và khách hàng đang dần lựa chọn xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt trong giao dịch, mua sắm hằng ngày. Phương thức thanh toán trực tuyến giúp người dân dễ dàng mua được hàng hóa, dịch vụ chỉ bằng vài thao tác trên thiết bị. Qua đó, rút ngắn thời gian cho quá trình mua bán hàng hóa, dịch vụ.
Bà Nông Thị Thùy Trang, phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn chia sẻ: Do công việc bận rộn nên tôi thường không mang tiền mặt trong người. Từ khi các tiểu thương, chủ cửa hàng trang bị các mã QR Code để thanh toán, các giao dịch nhỏ chỉ 20 đến 50 nghìn đồng tôi cũng dùng hình thức thanh toán điện tử. Các giao dịch thực hiện rất nhanh, chỉ mất 1 – 2 phút là hoàn thành, rất tiện lợi và an toàn.
Có thể thấy, việc nhân rộng mô hình chợ 4.0 không chỉ bắt kịp xu hướng thanh toán điện tử mà còn góp phần thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh, mua bán nói chung và thanh toán không dùng tiền mặt nói riêng. Qua đó, tạo điều kiện để người tiêu dùng tiếp cận với các phương thức thanh toán hiện đại… thúc đẩy việc sử dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, ngay cả trong những giao dịch hằng ngày.
Ông Đinh Mạnh Tranh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Chi nhánh tỉnh Lạng Sơn
“Sử dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt không chỉ giúp người bán và người mua bảo đảm quá trình giao dịch an toàn, tiết kiệm thời gian mà còn góp phần hạn chế việc bị trộm cướp tài sản, tiền giả. Không những thế, việc thanh toán không dùng tiền mặt thông qua mã QR Code, ví điện tử,… đều được bảo vệ qua hệ thống ngân hàng thông qua vân tay, nhận dạng khuôn mặt, mã OTP nên khách hàng hoàn toàn yên tâm sử dụng. Ngay từ đầu năm, chi nhánh đã chỉ đạo sát sao các chi nhánh loại II, phòng giao dịch tại các huyện, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền về các sản phẩm dịch vụ ngân hàng điện tử tại các khu vực tập trung đông người như chợ truyền thống. Từ đầu năm 2023 đến nay, toàn chi nhánh đã tuyên truyền cho trên 1.000 lượt tiểu thương, hộ kinh doanh về các sản phẩm dịch vụ của ngân hàng; mở trên 2.000 tài khoản thanh toán điện tử; cấp mã QR code cho trên 800 hộ kinh doanh tại các chợ trên địa bàn tỉnh.
Ông Trần Hữu Giang, Trưởng Phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương
“Việc xây dựng mô hình chợ 4.0 nằm trong xu thế tất yếu của chuyển đổi số. Trên cơ sở những kết quả đạt được ban đầu, hiện nay, Phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương đã tham mưu với sở phối hợp với Viettel Lạng Sơn, trong quý II/2023, hai đơn vị sẽ triển khai mô hình chợ 4.0 tại chợ thị trấn Đồng Mỏ (Chi Lăng) và chợ thị trấn Lộc Bình (Lộc Bình). Đồng thời, chỉ đạo, giám sát, đôn đốc các ban quản lý chợ, công ty quản lý chợ trên địa bàn triển khai áp dụng thanh toán số các khoản phí thu tại chợ (phí gửi xe, phí vệ sinh, phí sử dụng điện, nước…); rà soát, lựa chọn các chợ đảm bảo đủ điều kiện để triển khai nhân rộng mô hình phủ sóng trong toàn tỉnh, mở ra những cơ hội giao thương, kinh doanh mới trên nền tảng số, xóa khoảng cách về địa lý lẫn công nghệ để người dân từ thành phố đến nông thôn mua bán, trao đổi hàng hóa thuận tiện. Phấn đấu đến năm 2024, 100% chợ trung tâm tại 11 huyện, thành phố phát triển mô hình chợ 4.0; 90% tiểu thương, hộ kinh doanh tại chợ trang bị mã QR Code thanh toán không dùng tiền mặt…”
Ý kiến ()