Nhân rộng mô hình “3 cộng”
LSO-“3 cộng” là mô hình thôn xanh – sạch – đẹp có sự kết hợp của 3 tổ chức đoàn thể, trong đó lực lượng đoàn viên thanh niên là chủ công. Với mô hình này, các thành viên cùng nhau đảm nhận nhiệm vụ vệ sinh đường làng, ngõ xóm và tuyên truyền hướng dẫn người dân giữ gìn vệ sinh môi trường.
Thanh niên xã Xuân Mai, huyện Văn Quan vệ sinh đường làng ngõ xóm |
Anh La Mạnh Hải, Trưởng Ban Công tác thanh niên, Tỉnh đoàn Lạng Sơn cho biết: Mô hình làng, xã xanh – sạch – đẹp trước đây đã được tổ chức đoàn triển khai tại các xã, thị trấn. Mô hình phát huy hiệu quả tích trong việc cải thiện môi trường sống của các hộ dân, tuy nhiên, sự thay đổi về người đứng đầu tổ chức đoàn cũng như biến động về số lượng đoàn viên thanh niên nên việc duy trì còn gặp khó khăn. Vì vậy, mô hình “3 cộng” được triển khai có sự thay đổi về thành phần tham gia. Trong đó, mỗi mô hình có 2 tổ chức hội như: phụ nữ, nông dân, cựu chiến binh… kết hợp với đoàn thanh niên thực hiện.
Triển khai mô hình này, Tỉnh đoàn rà soát, thăm dò nhu cầu tại các khu dân cư và cùng với cấp ủy, chính quyền xã triển khai mô hình. Năm 2015, Tỉnh đoàn thí điểm mô hình tại 3 xã của các huyện: Văn Quan, Chi Lăng, Văn Lãng và đạt được hiệu quả tích cực. Tại xã Xuân Mai, huyện Văn Quan, mô hình được triển khai từ cuối năm 2015, lúc đầu chỉ những thành viên trong tổ chức đoàn, hội viên phụ nữ, nông dân có nhà gần đường triển khai vệ sinh môi trường 2 đến 3 lần/tháng. Sau 1 năm mô hình được triển khai, đến nay, mỗi buổi vệ sinh đường làng ngõ xóm không chỉ có hội viên tham gia mà còn thêm nhiều hộ xung quanh. Những hộ không gần đường lớn đã tự ý thức vệ sinh khuôn viên nhà mình, thu gom, xử lý rác không làm ảnh hưởng đến môi trường.
Hiệu quả từ những mô hình điểm, năm 2016, Tỉnh đoàn nhân rộng mô hình ra 11 huyện, thành phố. Đến nay có thêm 4 mô hình tại các huyện: Đình Lập, Bình Gia, Bắc Sơn, Chi Lăng đi vào hoạt động. Để phát huy hiệu quả và đảm bảo bền vững, ngoài việc vận động 3 tổ chức cùng tham gia, Tỉnh đoàn huy động các nguồn kinh phí xã hội hóa từ Chi cục Bảo vệ môi trường, Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới để hỗ trợ dụng cụ bước đầu và mua sắm dụng cụ trong những năm tiếp theo. Theo đó, ngay khi thành lập, mỗi mô hình đều được cấp phát xe thu gom rác, thùng đựng rác, cuốc, xẻng, dao, chổi, găng tay, quần áo bảo hộ… cùng đó là tiền mặt để bổ sung dụng cụ khi cũ, hỏng.
Với các tiêu chí: xanh nhà, xanh đường làng ngõ xóm, xanh nơi công cộng, bên cạnh việc tổ chức vệ sinh môi trường hằng tuần, hằng tháng, nhiệm vụ chính của hội viên tham gia mô hình là tuyên truyền cho các hộ trong khu vực cùng hiểu rõ và thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường nhằm xây dựng diện mạo nông thôn mới sạch, đẹp và hơn hết là cải thiện môi trường sống. Vì vậy, mỗi mô hình đều được trang bị loa, đài, băng đĩa tuyên truyền. Ông Nguyễn Văn Dương, xã Cường Lợi, huyện Đình Lập (một trong những xã đang triển khai mô hình 3 cộng) cho biết: Sau mỗi đợt tổng vệ sinh, đường làng phong quang, sạch sẽ, mỗi người sẽ thấy yêu làng, yêu xóm hơn, từ đó tự nâng cao ý thức bảo vệ môi trường.
Anh Hải cho biết thêm: Chúng tôi đang tích cực làm việc với cấp ủy, chính quyền xã để nhân rộng mô hình, cùng đó cũng tìm kiếm nguồn tài trợ mua sắm, bổ sung dụng cụ. Hiện nay, nhiều huyện đã có các công ty, hợp tác xã vệ sinh môi trường nhưng tại các xã thì họ vẫn chưa đến được. Xác định việc bảo vệ môi trường muốn lâu bền thì cách tốt nhất là huy động chính những hộ dân trong khu dân cư cùng tham gia, cùng chung tay giữ gìn môi trường sống. Thời gian tới, Tỉnh đoàn Lạng Sơn sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình này.
HOÀNG VƯƠNG
Ý kiến ()