Nhân rộng chương trình quốc gia “Mỗi xã một sản phẩm”
Toàn cầu hoá và việc hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng đặt ra yêu cầu các sản phẩm của Việt Nam ngày càng phải nâng cao tiêu chuẩn và nâng cao tính cạnh tranh, nhất là sản phẩm nông nghiệp và sản phẩm thủ công, các doanh nghiệp phải nâng cao trình độ về quản lý, về ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất và quản lý.
Hơn nữa, theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), cả nước hiện có 5.411 làng nghề (1.864 làng nghề truyền thống, 115 nghề truyền thống đã được công nhận) tập trung chủ yếu vào lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ (2.886 làng nghề, chiếm 53,3%), thu hút khoảng 11 triệu lao động phi nông nghiệp. Số lượng hộ và cơ sở ngành nghề ở nông thôn tăng bình quân 8,8% – 9,8%/năm, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân của làng nghề khoảng 15%/năm. Mặt hàng thủ công mỹ nghệ là mặt hàng chủ lực của làng nghề, kim ngạch xuất khẩu đạt tốc độ tăng trưởng trên 12%/năm.
Tuy nhiên, theo đánh giá chung phần lớn thị trường tiêu thụ chính của các sản phẩm này vẫn chủ yếu chỉ là nội tỉnh, một số không nhiều sản phẩm được phân phối bên ngoài tỉnh, chỉ có một số ít được xuất khẩu (chủ yếu hàng thủ công, mỹ nghệ), sản phẩm sản xuất ra còn tồn tại một số hạn chế như: sản xuất ở quy mô nhỏ lẻ; sản xuất thủ công; tổ chức bộ máy quản trị, trình độ lao động còn yếu; thị trường tiêu thụ không ổn định; chưa hoàn thiện về mẫu mã, bao bì, tiêu chuẩn chất lượng….
Bởi thế, việc triển khai chương trình quốc gia “mỗi xã một sản phẩm” được xem là hướng đi đúng, phù hợp với bối cảnh hiện tại.
Hành trình của chương trình quốc gia “Mỗi xã một sản phẩm”
Được biết, kể từ ngày 07/7/2006, Chính phủ ban hành Nghị định số 66/2006/NĐ-CP về phát triển ngành nghề nông thôn, tính đến hết 2016, cả nước có 48/63 tỉnh, thành phố thực hiện xây dựng các chính sách khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn; 50/63 tỉnh, thành phố phê duyệt và triển khai thực hiện quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn phù hợp với định hướng phát triển kinh tế – xã hội của địa phương; 38/63 tỉnh, thành phố phê duyệt Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề; (Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Quảng Nam, Bình Thuận, Đồng Tháp, Tiền Giang,…).
Đáng chú ý, kể từ năm 2008, Bộ NN&PTNT đã triển khai thí điểm Đề án “Mỗi làng một nghề” theo mô hình Mỗi làng một sản phẩm OVOP của Nhật Bản với sự hỗ trợ của JICA tại 8 tỉnh, thành trên cả nước (Điện Biên, Hòa Bình, Quảng Nam, Bắc Ninh, An Giang, Nam Định, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh). Chương trình đã tạo ra một số sản phẩm có triển vọng như Thổ vảm tại bản Na Sang II (xã Núa Ngam, tỉnh Điện Biên), ấp Srây Skốt (xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang), đúc đồng tại xã Đại Bái (huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh), thị trấn Lâm (huyện Ý Yên, Nam Định), điêu khắc đá, gỗ tại các làng ở xã Hiền Giang (Thường Tín, Hà Nội)… tạo ra những sản phẩm sơn mài, chạm khắc gỗ, đá, đúc đồng với mẫu mã cải tiến. Nhiều sản phẩm được chuyên gia nước ngoài đánh giá cao, phục vụ tốt cho nhiều thị trường trong nước và quốc tế, đồng thời, trở thành nơi thu hút khách du lịch đến tham quan và mua đồ lưu niệm.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Văn phòng điều phối Nông thôn mới Trung ương, quá trình triển khai Nghị định số 66/2006/NĐ-CP và Đề án “Mỗi làng một nghề” còn một số vấn đề hạn chế. Đó là, các chính sách phát triển ngành nghề nông thôn chưa khuyến khích mạnh mẽ các thành phần kinh tế tham gia đồng thời sự phân công trách nhiệm giữa các bộ, ngành và cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương chưa rõ ràng. Thêm vào đó, việc phát triển làng nghề thiếu sự quản lý tập trung, ô nhiễm môi trường tăng cao do sự phát triển nóng của các làng nghề. Đặc biệt, mới chủ yếu tập trung vào nhóm sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống tại các làng nghề, chưa thúc đẩy trở thành phong trào có sức ảnh hưởng lan tỏa đến cộng đồng dân cư, đặc biệt là khu vực nông thôn.
Sang năm 2012, Chương trình OCOP (Mỗi xã, phường Một sản phẩm) tại Quảng Ninh đã được khởi xướng và chính thức triển khai từ 2013. So với Đề án Mỗi làng một nghề, Chương trình OCOP Quảng Ninh có sự khác biệt quan trọng là: Lần đầu tiên được triển khai theo cách có hệ thống, với sự tham gia của cả hệ thống chính trị, lấy trọng tâm là Chu trình OCOP thường niên; trung tâm là sản phẩm, không chỉ giới hạn ở thủ công mỹ nghệ mà được mở rộng thành 5 ngành hàng sản phẩm và dịch vụ. Tính đến 2016, toàn tỉnh đã có 198 sản phẩm mới, trong đó có 99 sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên (mục tiêu đề ra là phát triển 40 – 60 sản phẩm), tổng doanh số bán hàng trong 03 năm đạt 672.296 triệu đồng (Đề án đề ra 200.000 triệu đồng), đã xây dựng quy hoạch 17 vùng sản xuất tập trung cấp tỉnh và trên 50 vùng sản xuất tập trung cấp huyện, xã, đưa tiềm năng, lợi thế của mỗi địa phương (làng, xã) được đầu tư, khai thác có hệ thống. Kết quả của Chương trình OCOP đã đóng góp tích cực vào xây dựng nông thôn mới và thực hiện cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Trên cơ sở kinh nghiệm quốc tế và thành công bước đầu của tỉnh Quảng Ninh trong việc triển khai chương trình OCOP sau Hội nghị toàn quốc Phát triển Mỗi xã một sản phẩm (tháng 3/2017 tại Quảng Ninh), Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tham mưu xây dựng Chương trình Mỗi xã một sản phẩm để nhân rộng, triển khai trên phạm vi toàn quốc.
Sau hơn 6 tháng tích cực thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng triển khai lập Đề án Chương trình OCOP trong xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, hiện nay, cả nước đang đồng loạt triển khai lập Đề án Chương trình OCOP, theo thống kê báo cáo của 63 tỉnh, thành phố, hiện nay cả nước có 6.010 doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình (có đăng ký kinh doanh) tổ chức sản xuất 4.823 sản phẩm lợi thế thuộc 06 nhóm sản phẩm, trong đó, nhóm Thực phẩm có 2.584 sản phẩm; nhóm Đồ uống có 1.041 sản phẩm; nhóm Thảo dược có 231 sản phẩm; nhóm Vải và may mặc có 186 sản phẩm; nhóm Lưu niệm – nội thất – trang trí có 580 sản phẩm; nhóm Dịch vụ du lịch nông thôn có 201 sản phẩm. Tuy nhiên, mới có 1.086 sản phẩm có đăng ký/công bố tiêu chuẩn chất lượng, chiếm 22,52% tổng số sản phẩm hiện có; 695 sản phẩm có đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ, chiếm 14,4% tổng số sản phẩm hiện có. Trên cơ sở phân tích, đánh giá, cho thấy hầu hết các sản phẩm, dịch vụ trên đều có khả năng, dư địa để phát triển và thương mại hóa nếu được chú trọng đầu tư và được chỉ đạo tổ chức thực hiện cụ thể một cách bài bản, thống nhất, góp phần tạo chuyển biến căn bản trong phát triển kinh tế nông thôn để nâng cao thu nhập người dân một cách bền vững.
Đồng bộ giải pháp, nhân rộng hiệu quả chương trình trong thời gian tới
Với tinh thần, chủ trương “quốc gia khởi nghiệp” theo phát động của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, với chỉ tiêu 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020, cần có sự hưởng ứng của cộng đồng ở cả thành thị và nông thôn. Theo đó, cần có sự tổ chức khoa học và sự chỉ đạo, hỗ trợ, dẫn dắt của Nhà nước để nông dân đứng trong tổ chức kinh tế của chính họ (là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các Hợp tác xã), từ đó thực sự làm chủ, phát huy sự chủ động, sáng tạo trong phát triển kinh tế từ những lợi thế của mỗi địa phương trong cả nước.
Dựa trên kinh nghiệm triển khai OVOP Nhật Bản và áp dụng ở các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là Chương trình OTOP của Chính phủ Thái Lan và bài học triển khai một cách có hệ thống của tỉnh Quảng Ninh, theo kiến nghị của Văn phòng điều phối quốc gia Nông thôn mới Trung ương, việc triển khai OCOP ở Việt Nam cần có tổ chức thực hiện là một Chương trình kinh tế nông nghiệp nông thôn, trong đó, Nhà nước kiến tạo nhằm tạo nền tảng, động lực phát triển kinh tế – xã hội tại cộng đồng thông qua Chương trình OCOP với trung tâm/đối tượng phục vụ là các tổ chức kinh tế của cộng đồng: Việc triển khai Chương trình OCOP cần có sự lãnh đạo thực sự của các cấp ủy Đảng, chính quyền, từ Tung ương đến cơ sở, từ đó huy động sự tham gia của các ngành, bao gồm: Nông nghiệp – Phát triển nông thôn, Khoa học – Công nghệ, Y tế, Công – Thương, Kế hoạch – Đầu Tư, Văn hóa – Thông tin, Thể thao – Du lịch, và các tổ chức chính trị – xã hội – nghề nghiệp, gồm Liên minh HTX Việt Nam, Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Hội Nông dân Việt Nam.
Trọng tâm của Chương trình là sản phẩm, bao gồm nghiên cứu phát triển, hoàn thiện sản phẩm, xây dựng mẫu mã, tiêu chuẩn chất lượng, tổ chức sản xuất và xúc tiến thương mại. Sản phẩm bao gồm cả sản phẩm hàng hóa và sản phẩm dịch vụ. Kết quả phát triển và thương mại hóa sản phẩm phải được đánh giá hằng năm, từ đó phân hạng để hỗ trợ xúc tiến thương mại và/hoặc cải tiến sản phẩm.
Chương trình gồm nhiều hợp phần, trong đó các hợp phần quan trọng là hình thành và tái cơ cấu các tổ chức kinh tế tại cộng đồng, dưới dạng HTX và doanh nghiệp; nghiên cứu và phát triển sản phẩm; xúc tiến thương mại và đào tạo nguồn nhân lực tại cộng đồng tham gia OCOP. Các nội dung này nhìn chung đều mới mẻ trong lĩnh vực phát triển nông thôn ở Việt Nam. Bởi vậy, cần thiết phải tổ chức đào tạo, huấn luyện cho đội ngũ cán bộ OCOP từ trung ương đến cơ sở.
Đặc biệt, chương trình OCOP cần được thiết kế vào triển khai theo hướng tuân thủ 3 nguyên tắc của OVOP toàn cầu, bao gồm:
Thứ nhất, địa phương hướng đến toàn cầu theo hướng các sản phẩm cần được thiết kế mới hoặc cải tiến phù hợp thị hiếu của người tiêu dùng ở thị trường đích, bao gồm cả xuất khẩu tại chỗ, thông qua các địa điểm du lịch và xuất khẩu qua biên giới.
Thứ hai, độc lập và sáng tạo, tạo môi trường cho nông dân có cách hành động phù hợp trong lựa chọn sản phẩm của địa phương mình và tổ chức sản xuất chúng một cách hiệu quả nhất.
Thứ ba, phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là lớp trẻ, là chìa khoá quan trọng để phát triển nông thôn. Khi lớp trẻ địa phương có động lực, được trang bị kiến thức và kỹ năng cần thiết, thì việc phát triển nông thôn của khu vực đó sẽ đem lại hiệu quả.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã từng đề nghị việc phát triển sản phẩm, ngành nghề mỗi xã, mỗi phường trước hết là phải bảo tồn và phát huy được giá trị văn hóa truyền thống có thương hiệu, có sức cạnh tranh trên thị trường. Theo đó, các Bộ, ngành, địa phương cùng các doanh nghiệp cần phải xây dựng cơ chế, chính sách để hỗ trợ, phát triển. Đồng thời trên cơ sở quy hoạch cần xây dựng kế hoạch thực hiện, trong đó phải nêu rõ các nguồn lực đáp ứng như vốn, lao động, khoa học công nghệ để từ đó đề xuất các giải pháp để thực hiện, vấn đề này yêu cầu các địa phương phải làm.
Thiết nghĩ, việc nhân rộng mô hình này là cách làm thiết thực để các sản phẩm chủ lực của địa phương có chỗ đứng trong thị trường không chỉ nội địa mà cả xuất khẩu./.
Theo Dangcongsan
Ý kiến ()