Nhân rộng cách làm từ vụ vải thiều bội thu
Vải thiều Bắc Giang năm nay được mùa, được giá.
Vụ vải thiều năm 2018 vừa khép lại với một cái kết đẹp khi đã thắng lợi toàn diện và lập nhiều kỷ lục về năng suất, chất lượng, doanh thu. Thành công này cần được “soi chiếu” để tiếp lửa vào những mặt hàng nông sản khác.
Chỉ tính riêng tại ‘thủ phủ vải thiều” Bắc Giang, tổng sản lượng vải thiều tiêu thụ năm nay đạt hơn 215 nghìn tấn (tăng 124 nghìn tấn so với năm 2017); giá bình quân 16.000 đồng/kg, tổng doanh thu đạt 5.755 tỷ đồng, tăng 448 tỷ đồng so với năm 2017. Vải thiều đã được xuất đi hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ với số lượng 97,1 nghìn tấn, chiếm 45% so với tổng sản lượng tiêu thụ, kim ngạch đạt 170,5 triệu USD.
Có được kết quả trên, trước hết là nhờ sự chú trọng trong khâu tổ chức sản xuất, áp dụng quy trình an toàn, giúp cho quả vải thiều khẳng định được thương hiệu. Chất lượng quả vải năm nay cũng cao hơn, ngoài yếu tố thuận lợi của thời tiết, người trồng vải ở Bắc Giang đã có sự thay đổi rất lớn về tư duy sản xuất, đến việc hình thành các chuỗi liên kết. Huyện Lục Ngạn duy trì hơn 15.200 ha trồng vải; trong đó, diện tích trồng theo các tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP lên tới hơn 70%. Việc sản xuất theo quy trình an toàn được thực hiện thống nhất và có sự liên kết, giám sát chặt chẽ.
Cùng với đó, công tác xúc tiến thương mại, tiếp cận thị trường một cách chủ động, có nhiều điểm mới. Ðó là hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều tổ chức tại Bằng Tường (Trung Quốc), thu hút nhiều hiệp hội hoa quả, hội doanh nghiệp nước bạn tham gia. Tiếp đó, diễn đàn kinh tế về sản xuất và tiêu thụ vải thiều gắn với các sản phẩm chủ lực, đặc trưng của địa phương đã tạo sức hấp dẫn, thu hút nhiều doanh nghiệp, tập đoàn thương mại lớn cả trong nước và quốc tế. Kết hợp với các cấp, ngành trung ương như Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) đưa thương hiệu quả vải thiều đến với nhiều thị trường trong và ngoài nước.
Nhìn rộng ra, ngay trong năm 2018, không phải mặt hàng nông sản nào cũng có vụ mùa bội thu như vải thiều. Tình trạng nông sản “được mùa mất giá” vẫn diễn ra khá phổ biến. Ngay từ đầu năm, hàng loạt nông sản từ thịt lợn, dưa hấu, đến hành, tỏi và giờ là củ cải, su hào vẫn tụt giá thê thảm, không tiêu thụ nổi… Vì vậy, từ thắng lợi của vụ vải thiều năm nay (cũng như mấy năm qua), có thể rút ra được bài học kinh nghiệm trong sản xuất, tiêu thụ nông sản gắn với thị trường.
Một là, do nông dân thiếu thông tin về thị trường, sản xuất theo lối cũ, chạy theo giá cả đắt đỏ tức thì, không lường trước được việc thị trường sẽ bão hòa, thậm chí thừa cung. Ðã đến lúc nhiều địa phương phải nghiêm túc tính đến việc cơ cấu cây trồng phù hợp với thời tiết và thị trường, không tập trung chỉ nuôi, trồng nông sản với diện tích và sản lượng lớn.
Hai là, cần đẩy mạnh việc nông dân tham gia vào chuỗi sản xuất, cùng liên kết với nhau thành tổ hợp tác, hợp tác xã. Việc này giúp họ chủ động sản xuất, chủ động được đầu ra. Bởi nếu liên kết sản xuất, nông dân sẽ không rơi vào tình cảnh bấp bênh về giá, sản xuất không biết bán cho ai. Hơn thế, hiện nay tỷ lệ chế biến sản phẩm chăn nuôi, trồng trọt trong nước còn rất thấp, rau quả tươi chủ yếu tiêu thụ nội địa, vì vậy áp lực tiêu thụ trong nước rất lớn. Nhận thấy yếu điểm này, Bộ NN và PTNT đã tích cực tạo điều kiện, thúc đẩy phát triển vùng sản xuất tập trung, hỗ trợ cho doanh nghiệp xây dựng các nhà máy chế biến. Theo dự kiến, năm nay chúng ta sẽ có tám nhà máy chế biến được xây dựng, với công suất từ 1 đến 1,2 triệu tấn, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực rau quả.
Cuối cùng, những kinh nghiệm quý giá trong khâu xúc tiến thương mại, tìm kiếm mở rộng thị trường trong và ngoài nước mà mặt hàng vải thiều đã làm rất tốt trong mấy năm gần đây rất ít được phát huy trong các ngành sản xuất nông nghiệp khác. Ðây là một lỗ hổng mà các sản phẩm nông sản cần lấp đầy trong nỗ lực tìm kiếm thị trường.
Tuy nhiên, chỉ ra được những phương pháp ưu việt mà mặt hàng vải thiều đã làm được là một chuyện, điều quan trọng hơn, những địa phương, những mặt hàng nông sản đặc thù khác phải kết nối được với nhau bằng sự tận tâm, tận lực và có phương pháp, để tạo ra một hiệu ứng tích cực lâu dài. Nếu làm được điều đó, không chỉ vải thiều mà những dưa hấu, khoai tây, lợn, gà… chắc chắn cũng sẽ có những vụ mùa thắng lợi.
Theo Nhandan
Ý kiến ()