Nhân rộng các mô hình đám cưới văn minh
– Những năm qua, việc thực hiện nếp sống văn minh (NSVM) trong việc cưới, việc tang và lễ hội đã được các cấp, ngành và các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn tỉnh quan tâm chú trọng thực hiện với nhiều giải pháp đồng bộ, tiêu biểu trong đó là xây dựng và nhân rộng các mô hình NSVM trong việc cưới.
Lễ xin dâu tại đám cưới trên địa bàn xã Hải Yến, huyện Cao Lộc
Ông Dương Minh Tuệ, Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch – Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo (BCĐ) Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” tỉnh cho biết: Ngày 13/11/2019, BCĐ phong trào đã ban hành Kế hoạch số 97 về xây dựng mô hình điểm thực hiện NSVM trong việc cưới, việc tang trên địa bàn tỉnh, trong đó lựa chọn 4 khu dân cư triển khai điểm của tỉnh gồm: Khối 9, phường Tam Thanh; thôn Hoàng Thanh, xã Hoàng Đồng, thành phố Lạng Sơn; khối 7, thị trấn Cao Lộc; thôn Bó Khuông, xã Hải Yến, huyện Cao Lộc.
Để đảm bảo các mô hình hoạt động tuyên truyền có hiệu quả, BCĐ phong trào cấp tỉnh hỗ trợ mỗi khu dân cư 1 bộ tăng âm loa đài và hỗ trợ kinh phí tuyên truyền 300.000 đồng/tháng; hướng dẫn BCĐ phong trào cấp cơ sở thực hiện tốt công tác tuyên truyền; hằng năm, mở từ 2 đến 5 lớp tập huấn tuyên truyền lồng ghép về thực hiện NSVM trong việc cưới cho hàng nghìn học viên là các trưởng thôn, khối phố.
Sau 5 năm triển khai, các mô hình điểm trong thực hiện NSVM trong việc cưới của tỉnh đã đạt nhiều hiệu quả thiết thực. Ông Nguyễn Đình Chiến, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Hoàng Thanh cho biết: Được lựa chọn là mô hình điểm của tỉnh trong thực hiện NSVM trong việc cưới, thời gian qua, chúng tôi đã tích cực tuyên truyền, phát huy vai trò gương mẫu đi đầu của đảng viên, đồng thời vận động các hộ dân trên địa bàn ký cam kết thực hiện NSVM trong việc cưới như: không bắc rạp lấn chiếm lòng, lề đường, tổ chức gọn nhẹ, không bật loa đài quá 22 giờ. Đến nay gần 100% đám cưới trên địa bàn đều thực hiện theo NSVM.
Từ hiệu của mô hình điểm thôn Hoàng Thanh và khối 7, phường Tam Thanh, hiện nay 8 xã, phường trên địa bàn thành phố đều đã nhân rộng được các mô hình này. Ông Trần Lệnh Trưởng, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin thành phố Lạng Sơn cho biết: Thực hiện những mô hình điểm, nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân đã được nâng lên, việc cưới tại các khu dân cư đã có nhiều chuyển biến rõ nét, giai đoạn 2020 – 2023, tổng số đám cưới thực hiện theo NSVM trên địa bàn thành phố là: 1.800/1.862 đám cưới, đạt 96,6% (tăng hơn 2% so với giai đoạn 2017 – 2019).
Cùng với thành phố, mô hình điểm trong thực hiện việc cưới trên địa bàn huyện Cao Lộc cũng được triển khai hiệu quả. Được biết, trước kia, người dân nơi đây có tục “thách cưới”, có thể quy ra bằng tiền, rượu, thịt…; đám cưới được tổ chức linh đình nhiều ngày, tốn kém và lãng phí. Ông Mã Văn Nhân, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Tồng Riền cho biết: Qua công tác vận động tuyên truyền, lệ “thách cưới” không nặng nề như xưa mà chỉ giữ lại phong tục truyền thống. Nếu như ngày trước đám cưới phải tổ chức mấy bữa liền, thịt lợn càng nhiều càng tốt thì bây giờ vận động bà con chỉ làm một bữa thôi. Hiện nay hầu hết các hộ trong thôn đều hiểu và thực hiện tốt.
Từ mô hình điểm tại thôn Tồng Riền, xã Hải Yến và khối 7 thị trấn Cao Lộc, đến nay 22 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Cao Lộc đã học tập xây dựng 22 mô hình điểm trong thực hiện hoạt động này. Các hoạt động đã thu hút đông đảo cán bộ, hội viên, đoàn viên, nhân dân tham gia và trở thành thói quen, ý thực tự giác của mỗi người dân. Nhờ đó, giai đoạn 2020 – 2023, trên địa bàn huyện Cao Lộc có tổng 3.277/3.352 đám cưới thực hiện theo nếp sống văn minh, đạt 96%, tăng 3% so với giai đoạn 2017 – 2019.
Sau 5 năm thực hiện các mô hình điểm thực hiện NSVM trong việc cưới, đến nay, UBND các huyện, thành phố cũng tiến hành xây dựng và nhân rộng được 60 mô hình, trong đó có 10 mô hình điểm cấp huyện và 50 mô hình cấp xã. Giai đoạn 2020 – 2023, toàn tỉnh có 16.910/17.144 đám cưới được tổ chức thực hiện theo nếp sống văn minh đạt 98,6%, tăng 2% so với giai đoạn 2017 – 2019. Qua việc triển khai các mô hình điểm đã góp phần nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi của cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong việc thực hiện NSVM trong việc cưới. Đến nay, việc cưới trên địa bàn tỉnh đều giữ được nét đẹp truyền thống, phù hợp với điều kiện của từng gia đình và phong tục tập quán của từng dân tộc. Đám cưới của bà con vùng dân tộc thiểu số đã loại bỏ được tình trạng ăn uống dài ngày và những hủ tục như thách cưới, đòi của hồi môn…
Ông Hoàng Văn Bảy, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn cho biết: Đầu tháng 1/2024, gia đình tôi đã tổ chức đám cưới cho con gái. Được tuyên truyền về việc thực hiện đám cưới văn minh, nên tôi đã vận động để các thành viên của gia đình hiểu rõ được nội dung cũng như lợi ích của việc thực hiện mô hình này. Sau khi nhận được sự đồng thuận, ủng hộ, đám cưới của con gái chúng tôi đã được tổ chức gọn nhẹ với hơn 30 mâm cỗ, khách mời chỉ là những người trong họ hàng hai bên và một số bạn bè thân thiết nhưng vẫn diễn ra ấm cúng, trang trọng.
Phát huy kết quả đạt được, thời gian tới, BCĐ tỉnh tiếp tục hướng dẫn cơ sở duy trì, phát huy hiệu quả hoạt động mô hình điểm cũng như tăng cường phát huy vai trò và đẩy mạnh hoạt động gắn kết cộng đồng, góp phần nâng cao chất lượng đời sống văn hoá, văn minh cho người dân trên địa bàn.
Lan tỏa nét đẹp trong tổ chức tiệc cưới văn minh Để lan tỏa việc thực hiện nếp sống văn minh (NSVM) trong việc cưới, thời gian qua, các cấp, ngành, tổ chức hội, đoàn thể trên địa bàn tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp thiết thực trong việc tuyên truyền nâng cao nhận thức, thay đổi hành động của người dân, qua đó, từng bước tạo chuyển biến tích cực trong thực hiện NSVM trong việc cưới . Bà Dương Mai Khoa, Phó Chủ tịch Công đoàn Viên chức tỉnh: “Đẩy mạnh tuyên truyền về thực hiện NSVM trong việc cưới”. Hiện nay Công đoàn viên chức tỉnh có 61 công đoàn cơ sở (CĐCS) trực thuộc, 22 thành viên và 12 CĐCS bộ phận với tổng số 4.143 cán bộ, viên chức, người lao động (CNVCLĐ). Từ năm 2019 đến nay, hằng năm, Ban Chấp hành Công đoàn viên chức tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về thực hiện NSVM trong việc cưới, việc tang và lễ hội gắn kết với hoạt động xây dựng đời sống văn hóa trong CNVCLĐ, đồng thời chỉ đạo các CĐCS vận động CNVCLĐ chấp hành tốt các văn bản, chỉ thị, nghị quyết của Trung ương và địa phương về thực hiện NSVM trong việc cưới. Đến nay, gần 100% CNVCLĐ chấp hành tốt Luật Hôn nhân và Gia đình trong việc tổ chức kết hôn; không có con CNVCLĐ và bản thân CNVCLĐ cưới tảo hôn; trước khi cưới đã đi đăng ký kết hôn đúng thủ tục hành chính; lễ cưới được tổ chức trang trọng… Bà Trương Thị Hảo – Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh: “Đổi mới hoạt động tuyên truyền phù hợp với thực tiễn”. Để việc thực hiện NSVM trong việc cưới, việc tang lan tỏa sâu rộng, từ năm 2018 đến nay, ngoài tuyên truyền trong các buổi sinh hoạt chi hội thường kỳ, các cấp hội đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền sáng tạo, phù hợp như: biên soạn tin, bài, ảnh minh họa đăng trên hệ thống trang Facebook, Zalo của hội, tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh của tổ truyền thông cộng đồng… Bên cạnh đó, các chi hội còn tổ chức in và phát tài liệu tuyên truyền đến từng gia đình hội viên. Kết quả, hội đã tuyên truyền, vận động đến 100% cán bộ hội các cấp với trên 90% gia đình hội viên phụ nữ tham gia, cùng với đó, 100% hội liên hiệp phụ nữ cơ sở đăng ký thực hiện các mô hình “Dân vận khéo” gắn với triển khai các mô hình công tác hội tại cơ sở với 146 mô hình phù hợp tại địa phương, qua triển khai, nhiều mô hình thực hiện có hiệu quả việc thực hiến NSVM trong việc cưới, tạo sức lan tỏa sâu rộng. Nhờ đó, hơn 95% hội viên phụ nữ các cấp thực hiện tốt NSVM trong việc cưới. Chị Đinh Thị Linh Chi – Phó trưởng ban phụ trách Ban Tuyên giáo Tỉnh đoàn: “Tích cực tuyên truyền, vận động các đoàn viên thanh niên thực hiện NSVM” Trong năm 2023, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã ban hành Công văn 755 về việc tuyên truyền, nắm bắt tình hình, định hướng dư luận xã hội về thực hiện NSVM trong việc cưới, việc tang. Theo đó, các cấp bộ đoàn đã thành lập các đội thanh niên tình nguyện, thanh niên xung kích tại các xã, đặc biệt đi tuyên truyền tại những vùng khó khăn. Tiêu biểu, năm 2023, đội thanh niên xung kích trên địa bàn các xã, phường, thị trấn đã thực hiện hơn 100 buổi tuyên truyền vận động nhân dân chấp hành Luật Hôn nhân và Gia đình, hỗ trợ hướng dẫn đoàn viên thanh niên đăng ký kết hôn; phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức trao giấy chứng nhận kết hôn cho đoàn viên thanh niên đảm bảo nghiêm túc, trang trọng, đúng quy định của pháp luật. Đến nay, gần 100% đám cưới cưới của đoàn viên thanh niên trên địa bàn tỉnh đã hạn chế hoạt động tổ chức ăn uống linh đình, không phô trương, lãng phí, vui tươi lành mạnh đúng quy định, phù hợp với phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc. |
TUYẾT MAI
Ý kiến ()