LSO- Từ khi thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, cứ mỗi dịp tết đến xuân về ,cùng với quất đào ngày tết, đồng bào cả nước lại háo hức chờ đón lắng nghe thơ chúc tết của Hồ Chủ tịch và coi đó là niềm hạnh phúc thiêng liêng…Bình sinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh không bao giờ tự nhận mình là nhà thơ. Đối với Bác, thơ chỉ là phương tiện để tuyên truyền cách mạng. Thơ chúc tết cũng vậy, Bác chỉ coi là “ Mấy câu thành thật nôm na/ Vừa là kêu gọi, vừa là mừng xuân” ( Thơ chúc tết Nhâm Thìn 1952) hoặc “Mấy lời thân ái nôm na/ Vừa là kêu gọi, vừa là mừng xuân” (Thơ chúc tết Giáp Thìn 1964). Nhưng đọc thơ Bác nói chung, từ tập Nhật ký trong tù đến các bài thơ sáng tác trong kháng chiến chống thực dân Pháp và thơ chúc tết nói riêng, mỗi chúng ta có thể cảm nhận được thiên tài thơ Hồ Chí Minh.Theo thống kê, từ năm 1945- khi làm Chủ tịch nước Bác đã viết 21 bài thơ chúc tết, cộng cả bài thơ chúc...
LSO- Từ khi thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, cứ mỗi dịp tết đến xuân về ,cùng với quất đào ngày tết, đồng bào cả nước lại háo hức chờ đón lắng nghe thơ chúc tết của Hồ Chủ tịch và coi đó là niềm hạnh phúc thiêng liêng…
Bình sinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh không bao giờ tự nhận mình là nhà thơ. Đối với Bác, thơ chỉ là phương tiện để tuyên truyền cách mạng. Thơ chúc tết cũng vậy, Bác chỉ coi là “ Mấy câu thành thật nôm na/ Vừa là kêu gọi, vừa là mừng xuân” ( Thơ chúc tết Nhâm Thìn 1952) hoặc “Mấy lời thân ái nôm na/ Vừa là kêu gọi, vừa là mừng xuân” (Thơ chúc tết Giáp Thìn 1964). Nhưng đọc thơ Bác nói chung, từ tập Nhật ký trong tù đến các bài thơ sáng tác trong kháng chiến chống thực dân Pháp và thơ chúc tết nói riêng, mỗi chúng ta có thể cảm nhận được thiên tài thơ Hồ Chí Minh.
Theo thống kê, từ năm 1945- khi làm Chủ tịch nước Bác đã viết 21 bài thơ chúc tết, cộng cả bài thơ chúc tết năm 1942 là 22 bài. Thông thường, lời chúc tết của vị Chủ tịch nước bao giờ cũng rất trang trọng, nhưng Người lại chúc tết bằng thơ và coi đó như tấm lòng của mình gửi tới đồng bào và chiến sĩ mỗi độ xuân sang. Và cũng như lời chúc tết nói chung, thơ chúc tết của Người bao giờ cũng gồm 3 phần chính: tổng kết những thắng lợi mà dân tộc ta đã giành được trong năm qua, đề ra những nhiệm vụ trong năm tới và cuối cùng vừa là lời kêu gọi, động viên vừa là lời chúc tết. Tất cả chỉ gói gọn trong một bài thơ ngắn.
Xuân Bính Tuất 1946 là mùa xuân đầu tiên của nước nhà độc lập, mùa xuân của những sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc: Cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội. Trong cái tết đặc biệt này, Bác đã viết “Tết này mới thực tết dân ta…Mọi nhà vui đón Xuân dân chủ/ Cả nước hoan nghênh phúc cộng hòa”. Trong năm đầu tiên của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Bác dành trọn tình cảm cho chiến sĩ, động viên, hẹn cùng chiến sĩ phương xa:
“ Hỡi các chiến sĩ yêu quý!
Bao giờ kháng chiến thành công
Chúng ta cùng uống một chung rượu đào
Tết này ta tạm xa nhau
Chắc rằng ta sẽ tết sau sum vầy”
Với tinh thần lạc quan cách mạng, thơ chúc tết của Người “ đứng” trên “ nền” hiện thực của đất nước mà hướng về tương lai, truyền cho toàn dân tộc niềm tin tất thắng trong mỗi mùa xuân. Thơ chúc tết Xuân Kỷ Sửu 1949, Bác hô hào “…Người người thi đua/ Ngành ngành thi đua/ Ngày ngày thi đua/ Ta nhất định thắng/ Địch nhất định thua”. Xuân Nhâm Thìn 1952 Bác khẳng định “ Trường kỳ và gian khổ/ Chắc thắng trăm phần trăm”. Xuân Giáp Ngọ, để chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ, thơ chúc tết của Bác đề ra nhiệm vụ cho toàn Đảng toàn dân:
Năm mới, quân dân ta có hai nhiệm vụ rành rành
– Đẩy mạnh kháng chiến để giành độc lập tự do
– Cải cách ruộng đất là công việc rất to
…………………………………………………
Kháng chiến kiến quốc nhất định hoàn toàn thành công
Hòa bình dân chủ thế giới khắp Nam, Bắc, Tây, Đông.
Và đúng như vậy, chiến thắng Điện Biên phủ đã mở đầu cho sự sụp đổ hoàn toàn của chủ nghĩa thực dân, là sự “khởi động” cho phong trào dân chủ hoà bình trên khắp thế giới.
Trong những năm tháng chống đế quốc Mỹ xâm lược, nghe vần thơ chúc tết của Người, nhân dân ta có thể “đoán định” được thắng lợi mỗi ngày một tới gần. Chúc tết Xuân Đinh Mùi 1967, Bác rất vui mừng:
Chống Mỹ hai miền đều đánh giỏi
Tin mừng thắng lợi nở như hoa.
Xuân Mậu Thân 1968, Bác khẳng định:
Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua
Thắng trận tin vui khắp nước nhà
Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ
Tiến lên, toàn thắng ắt về ta.
Xuân Kỷ Dậu 1969, mùa xuân cuối cùng mà nhân dân ta được nghe thơ Người- vần thơ dự báo tương lai của dân tộc và trở thành phương châm hành động của cách mạng Việt Nam:
Vì độc lập, vì tự do
Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào
Tiến lên! Chiến sĩ đồng bào.
Bắc Nam sum họp Xuân nào vui hơn.
Và đúng như dự báo thiên tài đó, với chiến thắng lịch sử Xuân 1975, chúng ta đã có trọn vẹn những mùa xuân hòa bình độc lập thống nhất, cả nước vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Được Người gọi là “ nôm na”, song sáng tạo về nghệ thuật trong thơ Bác rất đa dạng phong phú. Sự “phá cách” về niêm luật đối với thơ tứ tuyệt, hoặc ngắt nhịp, gieo vần đối với thơ lục bát, song thất lục bát, khiến thơ Người giàu vần điệu; lời thơ giản dị, mộc mạc như chính tiếng nói của dân tộc. Đó cũng là “ chủ ý” của tác giả: Đồng bào và chiến sĩ dễ thuộc, dễ nhớ và dễ làm theo. Năm tháng qua đi, thơ Hồ Chí Minh nói chung và thơ chúc tết của Người nói riêng sống mãi trong lòng nhân dân và trở thành di sản tinh thần quý giá của dân tộc.
Bác ơi, tết đến giao thừa đó
Vẫn đón nghe thơ Bác mọi lần…
( Tố Hữu)
Minh Hồng
Ý kiến ()