Nhân Ngày thế giới phòng chống bom mìn 4/4: Phục hồi những "vùng đất chết"
Hà Tĩnh là tỉnh đứng thứ 3 (sau Quảng Trị và Quảng Nam) về mức độ ô nhiễm bom, mìn còn sót lại sau chiến tranh. Thực hiện Quyết định số 504/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ về chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom, mìn sau chiến tranh giai đoạn 2010 - 2025, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hà Tĩnh đã lập dự án rà phá bom, mìn, phục hồi những "vùng đất chết", phát triển kinh tế - xã hội.
Theo kết quả điều tra, khảo sát được thực hiện từ năm 2004 đến năm 2008, Hà Tĩnh có 681 khu vực bị ô nhiễm bom mìn với diện tích ô nhiễm trên 234.000 ha; tỷ lệ ô nhiễm bom, mìn sau chiến tranh là 38,8% (đứng thứ ba sau Quảng Trị 83,8% và Quảng Ngãi 57%). Tất cả các xã, phường của 12 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh đều bị ô nhiễm bom, mìn. Chương trình hành động quốc gia về rà phá bom, mìn, vật nổ sau chiến tranh được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn một từ năm 2010 đến năm 2015 và giai đoạn hai từ năm 2015 đến năm 2025. Tại tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn một tiến hành điều tra khảo sát, rà phá với diện tích 34.353 ha thuộc các khu vực của 10 huyện, thành thị, gồm: Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Lộc Hà, Can Lộc, Nghi Xuân, Đức Thọ, Vũ Quang, Hương Sơn và Hương Khê. Kinh phí thực hiện dự án trên 500 tỷ đồng, nguồn vốn từ Chính phủ, các tổ chức phi Chính phủ và các nguồn vốn khác.
Trong ba năm thực hiện giai đoạn một của dự án (từ năm 2010 đến 2013), Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hà Tĩnh đã hợp đồng với các đơn vị, nhà thầu thi công rà phá bom mìn trên diện tích hàng ngàn ha. Đến nay, các nhà thầu đã cơ bản thực hiện xong giá trị hợp đồng và bàn giao mặt bằng sạch cho các dự án, các huyện, thị.
Ông Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Ban công binh (Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hà Tĩnh) cho biết: Mức độ ô nhiễm bom mìn rất lớn. Hầu hết các công trình khi được rà phá đều phát hiện bom, mìn. Mức độ ô nhiễm bom, mìn ở độ sâu từ 0,5 đến 3 mét là rất lớn. Một khó khăn hiện Ban công binh gặp phải là phương tiện rà phá còn ít và không hiện đại nên thu nhận tín hiệu kém. Tuy vậy, lực lượng công binh có nhiều kinh nghiệm và được trau dồi nghiệp vụ nên không có trường hợp rủi ro khi thực hiện rà phá bom, mìn.
Nhiều mảnh đất trong chiến tranh phải hứng chịu hàng trăm tấn bom, đạn các loại giờ đã hồi sinh nhờ các công trình kinh tế, công trình tâm linh được Nhà nước và nhân dân đầu tư xây dựng, điển hình là ngã ba Đồng Lộc. Trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước, Đồng Lộc đã bị bom đạn cày xới, hàng vạn quả bom đã rải xuống. Sau chiến tranh, Đồng Lộc trở thành địa chỉ đỏ và từng bước được Nhà nước đầu tư xây dựng. Nhiều công trình, dự án được triển khai, nhiều mô hình kinh tế được xây dựng, đời sống nhân dân ngày càng khởi sắc.
Nhiều địa phương vùng biển ngang của Hà Tĩnh hiện còn sót lại rất nhiều bom bi, tiềm ẩn nguy hiểm. Năm 2013, tại Công ty ti tan khai thác khoáng sản ở xã Cẩm Hòa (huyện Cẩm Xuyên), khi công nhân vận hành máy sàng khoáng sản đã nghe tiếng nhiều vật liệu cứng lăn trong sàng máy. Công nhân cho dừng lại và phát hiện hàng chục quả bom bi trong sàng. Khi lực lượng rà phá bom mìn đến khu vực này rà phá đã thu được hơn 300 quả bom bi.
Chiến tranh đã đi qua nhưng hệ quả để lại là bom mìn, vật nổ còn sót lại làm ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân. Diện tích được giải phóng sạch bom, mìn vật nổ còn quá nhỏ so với diện tích bị ô nhiễm. Tỉnh Hà Tĩnh kiến nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm đầu tư, phân bổ nguồn vốn và phân cấp cho địa phương trong việc sử dụng nguồn vốn cho các hoạt động rà, phá bom, mìn, vật nổ.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()