Nhân ngày Giỗ Tổ Hùng Vương - nhớ về Thủy tổ nước Nam
Nằm bên triền sông Đuống, tại làng cổ Á Lữ (nay thuộc xã Đại Đồng Thành, thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) có một khu di tích cổ gồm đền thờ, Lăng Kinh Dương Vương - người được tôn là bậc Thủy tổ nước Nam, mở ra thời đại các vua Hùng. Đây là một trong những di tích mang dấu ấn vị vua đầu tiên của nước Việt và kinh thành cổ Luy Lâu nhưng vẫn còn ít người biết đến.
Trong tâm thức người Việt, Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân và Âu Cơ được coi như những vị Thủy tổ mở nước, nguồn cội của dân tộc. Và làng Á Lữ chính là nơi duy nhất của cả nước có lăng mộ và đền thờ Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân, Âu Cơ.
Hướng về nguồn cội
Chúng tôi về Á Lữ vào một ngày lất phất mưa bay khi chỉ còn chưa đầy 24 giờ nữa là đến ngày Giỗ Tổ Hùng Vương. Không gian tĩnh lặng, trang nghiêm tại Lăng Kinh Dương Vương như rộn ràng hơn khi đoàn cháu nhỏ của Trường mầm non Đại Đồng Thành 2 đến viếng lăng và chụp ảnh kỷ yếu.
Cô giáo Nguyễn Thị Hoa, giáo viên trong trường chia sẻ: Tháng 9 này các con vào lớp 1, cho nên nhà trường và phụ huynh đưa các con đến Lăng Kinh Dương Vương - người được tôn là bậc Thủy tổ nước Nam để dâng hương. Không gian rộng rãi với nhiều bóng mát của cây xanh cùng ý nghĩa lịch sử, văn hóa của khu di tích trên mảnh đất quê hương là địa điểm lý tưởng để các con lưu lại những khoảnh khắc ý nghĩa.
Theo truyền thuyết lịch sử và các tài liệu, thư tịch cổ, vào năm 2.879 trước Công nguyên, Kinh Dương Vương lên ngôi lập nên nhà nước Xích Quỷ (tên một vì sao sáng đỏ rực bầu trời phương Nam trong dải Ngân Hà) - nhà nước sơ khai, độc lập có chủ quyền đầu tiên của dân tộc ta.
Kinh Dương Vương đóng lỵ sở ở Luy Lâu, Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh ngày nay rồi dời đô về Việt Trì, Phú Thọ và xây dựng kinh thành.
Kinh Dương Vương lấy Thần Long, sinh ra Sùng Lãm (nối vua cha, xưng là Lạc Long Quân). Lạc Long Quân lấy Âu Cơ, mở ra các thời đại vua Hùng, cai quản đất nước kéo dài đến 18 đời...
Khu di tích Lăng và Đền thờ Kinh Dương Vương thờ Thủy tổ dân tộc Việt Nam từ lâu được các triều đại phong kiến coi là chốn linh thiêng bậc nhất, xếp vào loại miếu thờ Đế vương.
Quần thể di tích được xây dựng lâu đời trên bãi đất cao bên bờ nam sông Đuống, đến năm Minh Mệnh thứ 21 (1.840) được trùng tu và đặt văn bia.
Trải qua thăng trầm của thời gian, điều vô cùng quý giá của quần thể di tích là còn bảo lưu được kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể như: thần phả, sắc phong, bia đá, hoành phi, câu đối, tín ngưỡng, lễ hội.
Hiện nay, khu quần thể Lăng và Đền Kinh Dương Vương còn lưu lại những dấu tích xưa với bia, mộ và hoành phi, câu đối: "Nam Bang Thủy Tổ” (Thủy tổ nước Nam), "Nam tổ miếu” (miếu thờ ông Tổ nước Nam), "Bách Việt Tổ” (Vua tổ nước Nam)… Đặc biệt là 15 đạo sắc phong của các triều vua phong cho người được thờ là Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân và Âu Cơ với các niên đại khác nhau.
Với những giá trị lịch sử, văn hóa to lớn, Khu di tích Lăng và Đền thờ Kinh Dương Vương đã được công nhận là Di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia vào năm 1993.
Trở về vấn tổ, tầm tông
Theo truyền thuyết và các tư liệu cổ, Kinh Dương Vương tạ thế vào ngày 18 tháng Giêng tại Khúc Khang, bộ Vũ Ninh (thuộc Bắc Ninh ngày nay).
Nhân dân địa phương đã lấy ngày giỗ Vua Thủy tổ để tổ chức lễ hội (từ ngày 16 đến 18 tháng Giêng).
Hằng năm, nhân dân và chính quyền địa phương đều long trọng tổ chức lễ hội Kinh Dương Vương. Ngoài việc cầu mong Quốc thái, dân an, mưa thuận gió hòa, đất nước yên vui, thịnh vượng, lễ hội còn thể hiện lòng tự tôn dân tộc, gìn giữ đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, hướng về nguồn cội của con Lạc, cháu Hồng khắp cả nước.
Tại vùng Kinh Bắc xưa vẫn có câu:
“Nhớ ngày mười tám tháng Giêng
Giỗ vua Thủy tổ thiêng liêng nước nhà
Dù ai xuôi ngược gần xa
Tìm về bái tổ xứng là đạo con”.
Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị xã Thuận Thành Nguyễn Xuân Đương: Trở về vấn tổ, tầm tông là trở về với tiếng gọi tổ tiên, là hồn thiêng sông núi, là khát vọng ngàn đời của những người con đất Việt, thể hiện bản sắc văn hóa truyền thống, đạo lý cao đẹp của dân tộc Việt Nam “uống nước nhớ nguồn”.
Việc dâng hương tưởng niệm Kinh Dương Vương vào dịp giỗ Đức Thủy Tổ là dịp để các thế hệ con cháu tưởng nhớ và tri ân người đã có công khai thiên, lập quốc. Đồng thời, kính cáo với tổ tiên về những thành quả mà các thế hệ con Lạc, cháu Hồng đã cùng nhau đoàn kết, nỗ lực phấn đấu vượt qua mọi gian lao, thử thách, giữ vững độc lập, chủ quyền quốc gia, dân tộc và dựng xây quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Ông Ngô Đức Lơ, người trông nom Đền thờ Kinh Dương Vương, cho biết: Giai đoạn 1949-1952, giặc Pháp kéo đến thôn Á Lữ, đóng đồn bốt ở đây, phá hoại đền, đình chùa, nhưng dân làng đã kịp cất giữ một số đồ thờ tự cổ quý như: ngai, kiệu, sắc phong… của đền và đình.
Trải qua nhiều lần tôn tạo, năm 2000, một ngôi đền chung thờ các bậc thủy tổ được phục dựng theo kiểu thức truyền thống. Trong tháng Giêng, đặc biệt những ngày lễ hội, quần thể khu di tích đón hàng chục nghìn du khách thập phương trong và ngoài nước.
Những ngày còn lại trong năm, lượng khách thưa hơn. Nhiều người vẫn chọn đến dâng hương tại cụm di tích đền thờ và Lăng Kinh Dương Vương trước khi hành hương về đền Hùng, Phú Thọ.
Đền thờ và Lăng Kinh Dương Vương là quần thể di tích lịch sử văn hóa quốc gia có giá trị văn hóa tâm linh của nhân dân trong vùng nói riêng và nhân dân cả nước nói chung.
Trước đây, đường đến với quần thể di tích khó khăn khi phải đi đò qua sông hoặc đi từ hướng Thuận Thành vào. Từ tháng 10/2023, cung đường đến với quần thể di tích vô cùng thuận lợi khi tỉnh Bắc Ninh đã khánh thành cầu Kinh Dương Vương kết nối các khu di tích lịch sử khu vực phía nam sông Đuống như: Lăng Kinh Dương Vương, chùa Dâu, chùa Bút Tháp, thành cổ Luy Lâu... với các di tích phía bắc sông Đuống như chùa Phật Tích, Đền Đô, đình Đình Bảng, chùa Tiêu...
Hiện, nhiều bạn trẻ yêu thiên nhiên đã chọn khu vực Lăng Kinh Dương Vương là điểm cắm trại và ngắm hoàng hôn. Tuy nhiên, để khai thác các giá trị văn hóa lịch sử gắn với quần thể di tích thì đến nay vẫn chưa được lan tỏa và quan tâm đúng tầm. Quần thể di tích mang dấu ấn Đức Thủy tổ khai thiên lập quốc bên dòng Thiên Đức xưa vẫn âm trầm đứng đó, chứng kiến bao thăng trầm của lịch sử.
Ý kiến ()