Nhân ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6: Tâm sự nhà báo trẻ
LSO- Cách đây 6 năm, khi còn ngồi ở giảng đường đại học, một thầy giáo trường tôi đã nói: "Nghề nào càng vất vả thì càng được tôn vinh và ngược lại". Đến nay tôi ngẫm câu nói của thầy vẫn đúng. Và tôi thấy báo chí là một trong những nghề như thế; một nghề đầy sự khám phá nhưng cũng đầy vất vả, hiểm nguy, song cũng rất đỗi vinh quang. Vào nghề chưa lâu nhưng cũng đọng lại trong tôi biết bao điều; chứa đựng những xúc cảm, những tâm sự đầu đời với nghề, với nghiệp của một nhà báo trẻ.
Sinh viên báo chí tác nghiệp trong ngày hội xã Hải Yến, huyện Cao Lộc.
TỪ MỘT BÀI GƯƠNG NGƯỜI TỐT, VIỆC TỐT
Đối với nhà báo, nhất là nhà báo trẻ, có lẽ kỷ niệm đáng nhớ nhất là tác phẩm đầu tay của mình trên trang báo. Tác phẩm dù nhỏ thôi nhưng nhận được lời khen, lời động viên, sự hưởng ứng tích cực từ phía dư luận thì vui lắm, hạnh phúc lắm, như được tiếp thêm sức chiến đấu, giúp họ vững tin với nghề. Đó là niềm vui cộng hưởng trong nghề báo mà không phải nghề nào cũng có được. Tác phẩm đầu tay của tôi có tít: “Chị Hiền làm kinh tế giỏi”, viết về chị Nguyễn Thị Hiền, thôn Than Muội, xã Quang Lang, huyện Chi Lăng. Gia đình chị phát triển kinh tế qua mô hình cây ăn quả, nấu rượu và chăn nuôi lợn. Hồi ấy, việc đầu tư xây được bể biogas trong chăn nuôi như gia đình chị là việc làm tiên phong, thể hiện tư tưởng dám nghĩ, dám làm để vươn lên làm giàu. Ngoài đảm việc nhà, chị còn nhiệt tình trong công tác xã hội, là một trong những hội viên phụ nữ tiêu biểu trong các hoạt động, phong trào tại địa phương.
Như ai đó đã nói, bài báo đầu tiên được đăng vui lắm, hạnh phúc lắm và có thể ép plastic trang báo đó để giữ mãi làm kỷ niệm. Tôi chưa làm việc đấy nhưng cả ngày ngồi đọc đi đọc lại bài báo đầu đời thì đã làm và đó là kỷ niệm sẽ mãi không thể quên. Nhưng nếu đơn thuần chỉ là tác phẩm đầu tay được đăng báo thì chắc có lẽ tác giả sẽ không nhớ nhiều đến như thế. Cái quan trọng là nhân vật trong bài lại rất ấn tượng với tác giả, về những điều viết chân thật, kèm theo sự động viên trong bài viết. Và có lẽ hạnh phúc nhất của một phóng viên trẻ là sau nhiều năm trôi qua, tác giả vẫn được nhân vật nhớ đến, thường xuyên gọi điện hỏi thăm sức khỏe, hỏi thăm công việc, thậm chí là hỏi thăm về cuộc sống riêng tư; rồi mời đến nhà chơi khi nào rảnh rỗi… Đó là động lực đầu tiên để tôi vượt qua nhiều khó khăn, từng bước trưởng thành và gắn bó với nghề.
Ảnh chụp tại chuyến tác nghiệp trong mùa nước lũ ở xã Lục Thôn, huyện Lộc Bình.
ĐẾN NHỮNG TÁC PHẨM LỚN HƠN
Từ tác phẩm đầu tay, sau này tôi còn viết nhiều bài gương người tốt, việc tốt khác; rồi dần dần viết về những mảng, lĩnh vực được cơ quan phân công. Quá trình đó như một đứa trẻ tập đi những bước đầu và lớn dần theo ngày tháng. Kết quả đó là nhờ sự tạo điều kiện của cơ quan, sự giúp đỡ của các anh chị đồng nghiệp. Đồng thời bản thân cũng đã tự giác, nỗ lực hết mình trong công việc. Theo tôi, để có thể trụ vững và sống được với nghề, đòi hỏi bản thân không chỉ cần có tư tưởng chính trị vững vàng mà còn phải tỉnh táo, biết cách bảo vệ mình, bảo vệ nhân vật và không được hiếu thắng. Điều quan trọng nhất với người làm báo chính là cái tâm. Tâm không sáng thì lòng khó trong. Bên cạnh đó, cũng phải tự trang bị kiến thức, hiểu biết công nghệ và luôn biết mình đang làm gì để không bị sa ngã. Thêm vào đó là tình yêu nghề. Nếu không yêu nghề thì khó có thể lặn lội để săn tin, viết bài dưới trời nắng cháy hay mưa gió bão bùng… Mặc dù vậy, trong quá trình tác nghiệp, không phải lúc nào và đến nơi đâu cũng được hợp tác. Ngược lại, có khi còn là mối nguy hiểm rình rập, nhất là viết về những mặt trái, mặt tiêu cực trong xã hội.
Như vậy, người làm báo, nhất là nhà báo trẻ như chúng tôi cần nêu cao tinh thần rèn luyện, học hỏi và nhất là phải biết dấn thân trong nghề. Việc dấn thân này không phải theo kiểu liều lĩnh, mà là việc thâm nhập thực tế có kế hoạch, có chủ đích, trên cơ sở bản lĩnh chính trị vững vàng. Nhiều khi là sự quên mình, sự hy sinh trong nghề nghiệp.
Những tâm sự của một nhà báo trẻ chắc chắn chưa thể nhiều và chưa thể sâu như những nhà báo lão thành. Nhưng những nhà báo trẻ họ cũng đang phấn đấu trưởng thành hơn qua từng ngày. Hẳn đó cũng là suy nghĩ chung của nhiều nhà báo trẻ khác. Qua đây cũng nhằm để độc giả hiểu và cảm thông trước những khó khăn, gian khổ của nghề báo; mong muốn được tạo điều kiện để những nhà báo trẻ như chúng tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Thiết nghĩ, đó cũng là nhằm thực hiện nhiệm vụ chính trị chung của tỉnh; góp phần tuyên truyền, quảng bá hình ảnh về đất và người xứ Lạng.
Bài, ảnh: XA LINH TIẾN
Ý kiến ()