Nhân lực AI tại Việt Nam mới chỉ đáp ứng 10% nhu cầu
Những năm qua, trí tuệ nhân tạo (AI) đã có sự phát triển vượt bậc và trở thành một trong những công nghệ then chốt góp phần thay đổi và thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển kinh tế-xã hội của các quốc gia.
Tại Việt Nam, AI đã và đang được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực, như: Y tế, giáo dục, tài chính… Tuy nhiên, các chuyên gia đánh giá, việc ứng dụng AI tại Việt Nam vẫn còn chậm bởi nguồn nhân lực trong lĩnh vực này còn thiếu và yếu.
Nhân lực AI mới chỉ đáp ứng 10% nhu cầu
Theo TS Đinh Ngọc Minh, Chủ nhiệm cấp cao Chương trình thạc sĩ AI, Đại học RMIT Việt Nam: Số lượng nhân lực AI tại Việt Nam hiện nay chỉ đáp ứng khoảng 10% nhu cầu tuyển dụng. Nhiều doanh nghiệp có nguồn dữ liệu lớn từ khách hàng, thị trường song lại gặp khó khăn trong việc tìm kiếm đội ngũ nhân lực chuyên sâu về AI, đồng thời hiểu vấn đề của doanh nghiệp và phù hợp với môi trường của họ. Các lĩnh vực đang thiếu nhân lực về AI tập trung ở nhóm ngành tự động hóa, sản xuất, nông nghiệp, công nghiệp nhẹ, xây dựng và bất động sản…
Khách hàng trải nghiệm hệ thống phần mềm trí tuệ nhân tạo nhận diện khuôn mặt của Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam – Hàn Quốc. |
Thực tế nhân lực đang làm việc trong lĩnh vực AI tại Việt Nam đã ít, trong khi hiện nay, lượng sinh viên đăng ký đào tạo AI và khoa học dữ liệu cũng thấp nhất trong ngành khoa học công nghệ thông tin dẫn đến việc thiếu hụt nguồn nhân lực AI ở Việt Nam không chỉ ở hiện tại mà trong tương lai là rất lớn. Nguyên nhân là phần lớn phụ huynh, học sinh vẫn chưa hiểu rõ về tiềm năng và cơ hội của lĩnh vực AI nên không lựa chọn. Mặt khác, để có thể theo đuổi lĩnh vực này, đòi hỏi người học cần có nền tảng cứng về toán, khoa học, kỹ thuật, máy tính lập trình, thống kê… Tiếp theo đó là trình độ tiếng Anh và các kỹ năng mềm, như: Tư duy phân tích phản biện, giải quyết vấn đề, kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm… mà những điều đó thì không nhiều người có thể đáp ứng được.
Tuy vậy, theo các chuyên gia, việc phát triển nguồn nhân lực AI tại Việt Nam cũng có những điểm thuận lợi, bởi người Việt Nam có tinh thần hiếu học, vượt khó; phong trào đổi mới sáng tạo đã được lan tỏa mạnh mẽ. Sinh viên hiện nay có khả năng thích ứng và đáp ứng yêu cầu của chương trình đào tạo rất nhanh, có khả năng tự học, tìm nguồn dữ liệu và vấn đề trong thực tiễn. Ngoài ra, khả năng giao tiếp của sinh viên Việt Nam cũng là thế mạnh thể hiện qua việc thuyết trình và làm việc nhóm, dám nghĩ, dám đưa ra những ý tưởng, giải pháp thông minh.
Phổ cập AI tới mọi người, mọi lĩnh vực
PGS, TS Nguyễn Xuân Hoài, Viện trưởng Viện Trí tuệ nhân tạo Việt Nam cho rằng: “Để thu hút được các bạn trẻ tài năng tham gia vào khoa học dữ liệu và AI, cần nhìn nhận được bức tranh rõ ràng về tương lai thị trường, khi AI trong lĩnh vực công nghệ thông tin (IT) luôn nằm trong top 3 về thu nhập. Bên cạnh đó, cần truyền thông đúng cách để phụ huynh, học sinh hiểu rõ về ngành, cũng như nhu cầu tuyển dụng lớn nguồn nhân lực trong ngành; đồng thời, tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng, “bắt tay” với doanh nghiệp đào tạo nhân lực AI”.
Các chuyên gia đề xuất, cần tăng cường sự liên kết giữa nhà trường, Nhà nước và nhà tuyển dụng. Trong đó, Nhà nước xây dựng hành lang pháp lý, ban hành chính sách, xây dựng chiến lược ở tầm vĩ mô và cấp thêm ngân sách. Nhà trường cải tiến chương trình đào tạo, áp dụng các mô hình sư phạm tiên tiến, tuyển dụng thêm giảng viên, xây thêm phòng học và phòng thực hành, mở rộng thêm quy mô đào tạo. Doanh nghiệp hỗ trợ các trường đại học, như: Tài trợ xây dựng thêm cơ sở vật chất phục vụ đào tạo và nghiên cứu; bổ sung thêm nhiều học bổng; nhận sinh viên thực tập; phối hợp cùng thực hiện các dự án thực tiễn.
Mới đây, tại Ngày hội Trí tuệ nhân tạo Việt Nam năm 2022, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, cần phải nỗ lực rất nhiều trong quá trình ứng dụng AI vào cuộc sống, bởi nguồn nhân lực còn thiếu; việc đào tạo chưa thực sự đáp ứng nhu cầu của các công ty công nghệ trong nước và nước ngoài tại Việt Nam. Cần đào tạo nguồn nhân lực AI mở rộng, nghĩa là không chỉ dành cho những nhân tài, người giỏi, người làm trong lĩnh vực AI, công nghệ thông tin… mà dành cho tất cả mọi người, ở mọi lĩnh vực. Phó thủ tướng mong muốn đưa AI vào trong trường học để các em nhỏ có thể tiếp cận sớm.
Chính phủ Việt Nam đã ban hành Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI đến năm 2030, với mục tiêu từng bước đưa Việt Nam trở thành một trung tâm đổi mới sáng tạo và AI nằm trong top 4 của khu vực ASEAN và top 50 của thế giới. Trong định hướng chiến lược xác định phát triển nguồn nhân lực AI bằng cách triển khai phổ cập kỹ năng cơ bản về ứng dụng AI và khoa học dữ liệu. Triển khai các hình thức đào tạo chứng chỉ ngắn hạn và trung hạn về AI cho sinh viên thuộc các ngành nghề khác nhau, người lao động có nhu cầu chuyển đổi nghề nghiệp. Thu hút các nguồn lực trong và ngoài nước xây dựng các trung tâm đào tạo, phát triển và ứng dụng AI. Nhà nước đầu tư xây dựng một số trung tâm trọng điểm nghiên cứu, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về AI tại một số trường đại học, viện nghiên cứu hàng đầu.
Ý kiến ()