Nông dân Lê Minh Liêu chăm sóc lúa giống. Xuất ngũ với những vết thương trong những tháng ngày chiến đấu, thỉnh thoảng đau buốt từng cơn, thế nhưng thương binh 4/4 Lê Minh Liêu quyết tâm vươn lên trở thành một trong những nông dân đi đầu trong công tác nhân giống lúa trên vùng đất phèn nặng Tri Tôn - Bảy Núi (An Giang).Những năm 90 của thế kỷ trước, đồng đất vùng Tri Tôn (An Giang) phèn nặng cho nên làm lúa mùa còn trầy trật, huống hồ chuyện nhân lúa giống. Thế nhưng, cái khó không thể bó cái khôn, anh thương binh Lê Minh Liêu đã làm được chuyện mà phần lớn nông dân ở đây chưa bao giờ dám nghĩ đến "làm lúa giống trên đất phèn Bảy Núi".Anh Liêu còn nhớ như in những tháng ngày đầu vất vả bắt tay làm lúa giống. Năm 2004, tại huyện Tri Tôn mở lớp dạy nghề kỹ thuật lai tạo lúa giống FFS - Kỹ năng lai tạo giống lúa cộng đồng, anh đứng đơn đầu tiên xin Trung tâm Khuyến nông huyện được dự lớp. Sau khóa tập huấn, anh được Trung tâm khuyến...
Nông dân Lê Minh Liêu chăm sóc lúa giống. |
Xuất ngũ với những vết thương trong những tháng ngày chiến đấu, thỉnh thoảng đau buốt từng cơn, thế nhưng thương binh 4/4 Lê Minh Liêu quyết tâm vươn lên trở thành một trong những nông dân đi đầu trong công tác nhân giống lúa trên vùng đất phèn nặng Tri Tôn – Bảy Núi (An Giang).
Những năm 90 của thế kỷ trước, đồng đất vùng Tri Tôn (An Giang) phèn nặng cho nên làm lúa mùa còn trầy trật, huống hồ chuyện nhân lúa giống. Thế nhưng, cái khó không thể bó cái khôn, anh thương binh Lê Minh Liêu đã làm được chuyện mà phần lớn nông dân ở đây chưa bao giờ dám nghĩ đến “làm lúa giống trên đất phèn Bảy Núi”.
Anh Liêu còn nhớ như in những tháng ngày đầu vất vả bắt tay làm lúa giống. Năm 2004, tại huyện Tri Tôn mở lớp dạy nghề kỹ thuật lai tạo lúa giống FFS – Kỹ năng lai tạo giống lúa cộng đồng, anh đứng đơn đầu tiên xin Trung tâm Khuyến nông huyện được dự lớp. Sau khóa tập huấn, anh được Trung tâm khuyến nông huyện cấp năm kg lúa giống OM 2514. Hồ hởi với giống lúa mới, anh gieo vài mẻ mạ trên vườn nhà. Chỉ gieo vài ngày, gặp trời mưa dầm, mạ chết gần hết, gom góp còn non 1,5 kg giống phát triển tốt… Sau hơn ba tháng canh tác mẻ lúa giống đầu tiên, anh Liêu thu được non tấn lúa giống xác nhận. Mừng rơi nước mắt. Lúa giống thu hoạch về, bà con trong xóm chia nhau gần hết… Đó là câu chuyện gần 10 năm về trước của chủ nhân “Trang trại lúa giống Tư Liêu”, ở ấp An Ninh, xã Lương Phi, huyện Tri Tôn (An Giang). Ngày hôm nay, cơ ngơi trang trại rộng khoảng 80 ha, hơn 30 ha diện tích nhân giống vệ tinh với các chủng lúa OM 5451, OM 4900, OM 4218, OM 6976… cung ứng ra thị trường khoảng 500 tấn/năm! Đây được xem là một trong những trang trại nhân lúa giống quy mô tiêu biểu đầu tiên của tỉnh An Giang.
Trò chuyện cùng anh Liêu ngay tại mảnh ruộng lúa giống đang kỳ cấy dặm, anh trăn trở: Người ta nói trồng lúa ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đứng, còn mình cũng làm lúa mà là lúa giống thì lại cực gấp nghìn lần nuôi tằm, chú ạ! Dẫu đã thành lập trang trại giống ngót nghét năm, sáu năm rồi, nhưng có bao giờ tui với bà nhà rời cái ruộng đâu. Anh Liêu nói, làm lúa giống điều quan trọng nhất là phải bảo đảm đúng quy trình kỹ thuật. Vì, nếu sơ sảy là lúa không đạt chất lượng, lẫn lúa tạp coi như lúa giống thành “lúa thịt” (lúa hàng hóa). Có lẽ vậy cho nên số lượng người làm lúa giống hiện rất ít, lượng giống hàng hóa trôi nổi, không bảo đảm chất lượng cũng từ đó mà ra, dẫn đến sản lượng gạo dẫu rất cao nhưng giá trị lại thấp hơn các nước trong khu vực.
Không chỉ trăn trở với chất lượng hạt gạo, ngay vấn đề nhân giống phục vụ cộng đồng, chủ nhân trang trại lúa giống Tư Liêu vẫn còn nhiều băn khoăn. Anh Liêu cho biết, hiện nay, các biện pháp canh tác, lai tạo, nhân giống được chuyển giao, tập huấn, khuyến khích ứng dụng khá nhiều nhưng số lượng nông dân tham gia vẫn còn ít. Nguyên nhân cũng do yêu cầu kỹ thuật, chi phí đầu tư, thu hoạch, bảo quản… lẫn thời gian dành cho ruộng lúa giống cao gấp nhiều lần so với lúa hàng hóa. Song song với chất lượng hạt gạo, thương hiệu lúa giống của người nhân giống là vấn đề hỗ trợ đồng vốn cho công tác nhân giống, nghiên cứu lai tạo giống lúa hiện còn rất hạn chế. Theo anh Liêu, hiện nay, hầu hết những trang trại nhân giống lúa quy mô vừa như anh cần nguồn vốn khá lớn, thế nhưng, hầu như phần lớn đều không thể hoặc ít tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng bởi hai nguyên nhân: Không có tài sản để thế chấp (do phần lớn đất canh tác lúa giống là đất hợp tác giữa trang trại với nông dân hoặc thuê) và hạn mức tín dụng rất thấp. Chính hai nguyên nhân nêu trên khiến việc mở rộng quy mô cũng như đầu tư trang thiết bị cho phát triển các trang trại lúa giống vẫn còn rất nhiều trở ngại. Chưa kể, còn nhiều khó khăn khác như nguồn nhân lực, trang thiết bị, công nghệ… phục vụ cho nhân giống lúa cộng đồng vẫn chưa theo kịp với tốc độ phát triển.
Từ chuyện nhân lúa giống và phát triển cây lúa vùng ĐBSCL của chủ nhân trang trại giống trên vùng đất phèn Tri Tôn – Bảy Núi, có thể nói, để hạt gạo Việt Nam vươn xa trên thị trường quốc tế, công tác nhân giống lúa từ cộng đồng mang ý nghĩa to lớn, cần được quan tâm xứng tầm chiến lược trong phát triển cây lúa, hạt gạo nước nhà nhiều năm tới.
Theo Nhandan
Ý kiến ()