Nhân lên ý nghĩa nhân văn của Tết ông Công, ông Táo
LSO-Theo truyền thống của người Việt, Tết ông Công, ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp hằng năm luôn là cái tết quan trọng và có thể nói là chỉ sau tết Nguyên đán. Đây là cái tết mang nhiều ý nghĩa nhân văn sâu sắc với những nghi lễ đang được nhân dân duy trì, trong đó có tục thả cá chép tiễn ông Công, ông Táo…
Người dân đến thực hiện nghi lễ thả cá và hóa giải đồ thờ cúng tại Chùa Thành đảm bảo nếp sống văn minh |
Theo các tài liệu nghiên cứu về văn hóa truyền thống Việt Nam, năm mới bắt đầu bằng Tết Nguyên đán, kết thúc bằng Tết ông Công, ông Táo vào cuối năm ngày 23 tháng Chạp. Trong gia đình người Việt, ngoài thờ tổ tiên còn có tục thờ Thổ công. Đây là vị thần trông coi gia cư, định đoạt phúc họa cho một gia đình. Thổ công là một hình tượng bộ ba, trong đó người chồng mới là Thổ Công trông nom việc trong bếp, chồng cũ là Thổ Địa trông coi việc trong nhà và vợ là Thổ Kì trông coi việc chợ búa. Do đó, các gia đình thường sắm 2 mũ ông, 1 mũ bà để cúng cùng với cá chép để ông lên chầu trời.
Ngày hôm nay, do nhu cầu của xã hội và sự phát triển của các loại dịch vụ, hàng hóa nên cùng với hóa hình cá chép giấy tượng trưng, nhiều gia đình đã cúng lễ bằng cá chép thật và sau đó ra sông, suối để thả cá. Nếu xét kỹ ra, việc thả cá về sống với môi trường tự nhiên là việc làm mang ý nghĩa hết sức sâu sắc, đó là “phóng sinh”, làm việc thiện, việc nhân đức, thể hiện lòng từ bi rất đáng ngợi khen.
Tại Lạng Sơn, thật đáng mừng là nhiều năm trở lại đây, nhờ công tác tuyên truyền được đẩy mạnh cùng sự vào cuộc tích cực của các cơ quan, đoàn thể, các tổ chức, trong đó xung kích là đoàn thanh niên nên nếp sống văn minh trong ngày tết này được thực hiện tốt, làm chuyển biến nhận thức của nhiều người, môi trường dòng sông được giữ gìn… Đặc biệt, với sự chủ động, tích cực của Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) tỉnh Lạng Sơn trong tuyên truyền, vận động, hướng dẫn bà con nhân dân, phật tử nên nếp sống văn minh trong ngày tết này đã được nêu cao, thực hiện tốt.
Nhiều năm qua, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Lạng Sơn phối hợp với UBND thành phố tổ chức nghi lễ cho bà con nhân dân đến thả cá ở chân cầu Kỳ Cùng và hóa giải đồ thờ cúng từ ngày 23 tháng Chạp đến 30 tháng Chạp rất thuận tiện, an toàn, đảm bảo nếp sống văn minh, ý nghĩa văn hóa.
Thượng tọa Thích Quảng Truyền, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Lạng Sơn cho biết: Năm nay, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh tiếp tục phối hợp với UBND thành phố Lạng Sơn thực hiện tốt hoạt động trên. Qua đó, góp phần tuyên truyền, nâng cao ý thức trong bảo vệ môi trường sinh thái, chung tay bảo vệ dòng sông quê hương. Nhưng điều quan trọng và ý nghĩa sâu sắc hơn cả đó là để làm sao mọi người hiểu và ứng xử văn hóa với ngày tết ông Công, ông Táo. Thượng tọa Thích Quảng Truyền cho biết thêm: Trong năm 2018 và những năm tiếp theo, cứ vào chiều ngày 1 âm lịch hằng tháng sẽ tổ chức các buổi lễ phóng sinh tại khu vực bến đá Kỳ Cùng nhằm góp phần nâng cao ý thức bảo vệ sinh cảnh, hình thành nếp văn hóa, giáo dục lòng từ bi cho mọi người…
Bà Lê Thị Hồng (phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn) cho biết: Kể từ khi có địa điểm thực hiện nghi lễ thả cá và hóa giải đồ thờ cúng tại Chùa Thành, tôi đều đến đó để thực hiện nghi lễ. Cách làm trên đã nhân lên ý nghĩa của ngày tết, đảm bảo nếp sống văn minh, góp phần bảo vệ môi trường cảnh quan.
Anh Vũ Lê Dũng, Phó Bí thư Thành đoàn Lạng Sơn cho biết: Đơn vị đã tham mưu cho UBND thành phố Lạng Sơn ban hành kế hoạch, triển khai đến các phường, xã trên địa bàn về hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện nếp sống văn minh, đến thả cá tại các địa điểm trên sông Kỳ Cùng. Theo đó, ngày 23 tháng Chạp sẽ có hoạt động diễu hành tuyên truyền và Thành đoàn bố trí đoàn viên thanh niên trực tại 5 địa điểm mà người dân hay đến thả cá để tuyên truyền, hướng dẫn, đảm bảo an toàn khi thả cá, giữ gìn vệ sinh môi trường,… Từ ngày 2/2/2018 (17 tháng Chạp) đã có xe tuyên truyền lưu động về thực hiện nếp sống văn minh trong ngày tết này trên địa bàn.
Thiết nghĩ, để Tết ông Công, ông Táo hằng năm thêm ý nghĩa, mỗi người cần tiếp tục nêu cao tinh thần tự giác chấp hành các quy định, hướng dẫn chung “thả cá, không thả túi nilon”; thả cá “phóng sinh” một cách nhân văn, ý nghĩa nhất… Qua đó góp phần vào việc gìn giữ, phát huy, nhân lên những giá trị, ý nghĩa cao đẹp trong lễ tết truyền thống của dân tộc.
HOÀNG THỊNH
Ý kiến ()