Nhân lên sức mạnh từ những tấm gương bình dị mà cao quý
Năm thứ 10 được tổ chức, Triển lãm “Những tấm gương bình dị mà cao quý” đang diễn ra tại Bảo tàng Hồ Chí Minh (Hà Nội) vẫn khơi lên nguyên vẹn xúc cảm tự hào, cảm động nơi người xem. Bởi không chỉ đơn thuần giới thiệu những tấm gương người tốt, việc tốt, triển lãm còn mang đến những câu chuyện lay động lòng người về những giá trị tốt đẹp cho cộng đồng và đất nước.
Từ hơn 200 tài liệu, bài viết và hiện vật liên quan, triển lãm đưa người xem đến với không gian trưng bày được liên kết chặt chẽ theo hai phần. Nếu phần một “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là việc làm thường xuyên của toàn Đảng, toàn dân ta” tựa lời khẳng định về ý chí quyết tâm của cả nước gắn liền phong trào thi đua “Sống, chiến đấu lao động và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại!”, thì phần hai “Những tấm gương bình dị mà cao quý” chính là những minh chứng cụ thể gắn liền các câu chuyện chân thực, sinh động của 43 tập thể, 89 cá nhân tiêu biểu ở các lĩnh vực: Kinh tế, văn hóa, xã hội, xây dựng Đảng và chính quyền, quốc phòng-an ninh. Đây là 132 điển hình tiên tiến được lựa chọn từ hàng trăm tấm gương học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong năm 2021-2022.
Ở đó, người xem được truyền cảm hứng bởi tấm gương tuổi trẻ sống đẹp của anh Nguyễn Văn Cường (Khánh Hòa), một kỹ thuật viên xét nghiệm dù bại liệt cả hai chân, đi lại hạn chế nhưng vẫn luôn tích cực tham gia các hoạt động tình nguyện hỗ trợ các bệnh nhân nghèo; được ngưỡng mộ, tự hào cùng hành trình bảo tồn, phục dựng những nét văn hóa truyền thống đồng bào Thổ nơi miền Tây xứ Nghệ của nghệ nhân Trương Thanh Hải (Nghệ An); được cảm phục, rung động trước hành trình lặng lẽ kéo dài suốt hơn 20 năm qua của cựu chiến binh Nguyễn Tiến Dân (Đà Nẵng) khi đến với các vùng sâu, vùng xa để trao áo ấm, sách vở cho học sinh, giúp đỡ những hoàn cảnh khốn khó; hay được hòa cùng niềm vui của anh Giàng A Dê (Yên Bái) khi đã nỗ lực tìm ra hướng đi mới cho du lịch Mù Cang Chải bằng loại hình homestay…
Năm 2021-2022 cũng là khoảng thời gian cả nước đồng lòng chống dịch. Vì thế, đến với triển lãm, người xem còn được lan truyền cảm giác ấm áp từ ngọn lửa của tình đồng bào, sự sẻ chia, nhất là khi biết tới bếp ăn của “Nụ cười buổi sáng” vẫn luôn được chị em phụ nữ thôn Lập Thuận, xã Đại Hồng (Quảng Nam) duy trì suốt thời gian qua vào ngày rằm, mồng một âm lịch hằng tháng để đem đến những suất ăn ý nghĩa cho người già neo đơn, trẻ em khuyết tật, người có hoàn cảnh khó khăn tại các thôn của xã; hay khi biết đến sự cống hiến quên mình của PGS, TS Phạm Thị Dung-Trưởng Bộ môn Dinh dưỡng và An toàn thực phẩm Trường đại học Y dược Thái Bình, người đã cùng hàng trăm tình nguyện viên lên đường vào nam chống dịch sau khoảng thời gian ngắn ngủi trở về từ tâm dịch Bắc Giang…
Bằng những hành động thiết thực xuất phát từ trái tim, họ đã giúp lan tỏa những năng lượng tích cực của tình yêu thương, lòng nhân ái, sự quả cảm, để người với người thêm gần gũi, gắn bó, để cuộc sống thêm tươi đẹp, ý nghĩa hơn.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Một năm khởi đầu từ mùa Xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa Xuân của xã hội”. Người luôn dành tình cảm và sự quan tâm đặc biệt dành cho thế hệ trẻ Việt Nam-những người chủ tương lai của đất nước. Việc chăm lo, giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng và phát triển thanh niên luôn được Người xác định vừa là mục tiêu, vừa là động lực bảo đảm sự phát triển ổn định, bền vững của đất nước.
Đó là lý do cùng với triển lãm “Những tấm gương bình dị mà cao quý”, trong dịp này, Bảo tàng Hồ Chí Minh còn dành một phần không gian để trưng bày chuyên đề “Tuổi trẻ-Mùa xuân đất nước”. Với gần 300 tư liệu ảnh, tài liệu, hiện vật được kết cấu theo ba phần: “Hồ Chí Minh-Thời thanh niên sôi nổi”, “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau”, “Tuổi xanh nhịp bước theo chân Bác”, trưng bày đã góp phần thể hiện khái quát tư tưởng Hồ Chí Minh trong việc bồi dưỡng thế hệ trẻ, đồng thời giới thiệu những tấm gương tiêu biểu, những đóng góp nổi bật của thế hệ trẻ Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tham quan trưng bày, câu chuyện của “thần đồng” piano trẻ Võ Minh Quang (sinh năm 2006) với hàng loạt giải thưởng danh giá tại các cuộc thi âm nhạc quốc tế; câu chuyện của “bàn tay vàng” nghề phay công nghệ cao thế giới Trương Thế Diệu (sinh năm 1997); hay câu chuyện của “vua sáng chế” Hồ Xuân Vinh (sinh năm 1987) với hàng loạt dây chuyền công nghệ hiệu quả cao… đã khơi dậy niềm kiêu hãnh, tự hào về một thế hệ trẻ Việt Nam giàu tri thức, tài năng và bản lĩnh, luôn sẵn sàng tiến lên phía trước bằng tinh thần xung kích để góp sức xây dựng quê hương, đất nước ngày càng đàng hoàng, to đẹp hơn.
Là một trong những gương mặt được vinh danh, đồng thời trực tiếp có mặt tham gia giới thiệu sản phẩm tại trưng bày, anh Phạm Thành Nam (sinh năm 1984), nhà khoa học trẻ đi đầu trong chế tạo robot trí tuệ nhân tạo ở Việt Nam chia sẻ, anh cảm thấy rất vinh dự và tự hào khi những đóng góp của bản thân được ghi nhận. Đây sẽ là động lực để anh tiếp tục nỗ lực nghiên cứu, sáng tạo, cho ra mắt những sản phẩm công nghệ với nhiều tính năng có tính ứng dụng cao hơn.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Vì thế, việc tổ chức đồng thời hai trưng bày “Những tấm gương bình dị mà cao quý” và “Tuổi trẻ-Mùa xuân đất nước” không chỉ là hoạt động thiết thực kỷ niệm 132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, góp phần phản ánh sinh động kết quả triển khai, thực hiện Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị khóa XIII về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, mà còn truyền cảm hứng, khơi dậy tiềm năng, sức sáng tạo của đồng bào, chiến sĩ cả nước, đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trở thành công việc thường xuyên của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Các trưng bày diễn ra tại Bảo tàng Hồ Chí Minh đến hết tháng 9/2022.
Ý kiến ()