Nhân lên niềm tin bước vào năm học mới
– Năm học 2022 – 2023 kết thúc, ngành giáo dục tỉnh đã hoàn thành đúng thời gian, tiến độ chương trình giáo dục theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT). Năm học mới 2023 – 2024 đã bắt đầu, hơn 200.000 học sinh trên toàn tỉnh với tâm thế hân hoan, phấn khởi và tràn đầy niềm tin bước vào năm học mới.
Các cá nhân xuất sắc ngành giáo dục được tặng danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp tỉnh
Nhìn lại một năm học nhiều điểm sáng
Năm học 2022 – 2023 diễn ra trong bối cảnh đại dịch COVID-19 cơ bản được không chế. Tuy nhiên, những tác động của dịch bệnh đối với ngành giáo dục chưa phải đã hết. Song, với quyết tâm, nỗ lực cao ngành giáo dục tỉnh đã triển khai hiệu quả các nhiệm vụ giáo dục năm học đã đề ra, nổi bật là việc triển khai tốt Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đối với các khối lớp 3, lớp 7 và lớp 10.
Theo đó, đối với cấp tiểu học, trước khi năm học diễn ra, sở đã chỉ đạo các đơn vị, trường học chuẩn bị về cơ sở vật chất; tổ chức biên soạn, thẩm định, hoàn thiện tài liệu giáo dục địa phương lớp 3 và được Bộ GD&ĐT phê duyệt; chỉ đạo các cơ sở giáo dục triển khai, đưa tài liệu vào giảng dạy tích hợp trong hoạt động trải nghiệm và các môn học khác đảm bảo phù hợp với điều kiện, tình hình thực tiễn tại đơn vị… Nhờ đó, khi triển khai, các trường đã đảm bảo nội dung cốt lõi của chương trình đối với học sinh học chương trình, sách giáo khoa mới.
Tại Trường Tiểu học thị trấn Thất Khê, huyện Tràng Định, năm học 2022 – 2023, trường có 22 lớp với hơn 700 học sinh theo học. Năm học vừa qua, việc chuẩn bị các điều kiện để triển khai dạy học chương trình mới ở khối lớp 3 được nhà trường thực hiện đảm bảo yêu cầu. Cô Nguyễn Thị Hiếu, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trước khi triển khai chương trình mới, nhà trường đã rà soát và chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất đáp ứng chương trình, gồm các phòng học, phòng bộ môn, phòng chức năng, phòng làm việc theo quy chuẩn và phòng tin học có kết nối internet; việc dạy, học, quản lý đều được nhà trường triển khai hiệu quả.
Đối với giáo dục trung học, 100% trường THCS, THPT đã xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục nhà trường đảm bảo các yêu cầu đặt ra. Các trường THPT đã xây dựng các tổ hợp môn học lựa chọn lớp 10 phù hợp với tình hình đặc điểm của nhà trường và nhu cầu của học sinh.
Là trường có 2 cấp học (THCS và THPT), trước khi bước vào năm học 2022 – 2023, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS – THPT huyện Cao Lộc đã chủ động xây dựng kế hoạch triển khai chương trình sách giáo khoa mới đối với lớp 7 và lớp 10. Cô Nguyễn Tuyết Chinh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Năm học vừa qua, trường có 58 học sinh ở khối lớp 7 và 60 học sinh khối lớp 10. Để việc dạy học đạt hiệu quả, nhà trường đã ưu tiên lựa chọn giáo viên có chuyên môn, kỹ năng tốt, ứng dụng thành thạo công nghệ thông tin, tiếp thu và áp dụng tốt các phương pháp dạy học mới để áp dụng vào giảng dạy. Nhờ đó, chất lượng giáo dục ở các khối lớp học chương trình mới được đảm bảo, với trên 98% học sinh xếp loại từ khá trở lên.
Việc triển khai hiệu quả các mặt giáo dục đã mang lại kết quả tích cực. Cụ thể, ở cấp tiểu học, lớp 1, 2, 3 thực hiện chương trình mới, môn Toán có 99,5% học sinh xếp loại hoàn thành trở lên (tăng 0,3% so với cùng kỳ năm trước); môn Tiếng Việt có 99,3% học sinh được xếp loại từ hoàn thành trở lên (tăng 0,5%); ở khối lớp 4, 5 có trên 97% học sinh được xếp loại từ hoàn thành trở lên (tăng hơn 0,5%). Kết quả giáo dục THCS: Khối lớp 6, 7, tỷ lệ học sinh được đánh giá học tập khá và tốt đạt trên 50%; lớp 8, 9 tỷ lệ học sinh đạt học tập khá và giỏi là trên 70%. Ở khối lớp 10 THPT, tỷ lệ hoc sinh đạt học tập khá và tốt chiếm trên 58%; lớp 11, 12, tỷ lệ học tập đạt khá và giỏi trên 80%.
Không chỉ duy trì, đảm bảo chất lượng giáo dục đại trà, mà nổi bật trong năm học 2022 – 2023 đó là việc bồi dưỡng học sinh giỏi đã đạt được nhiều thành tích quan trọng. Tại kỳ thi chọn học sinh giỏi lớp 9 cấp tỉnh có 292/584 thí sinh dự thi đoạt giải, đạt 50,2%(tăng 3% so với năm học 2021 – 2022); số đoạt giải của lớp 11 là 668/1.413 em, đạt 47,3% (tăng 4,3%); số đoạt giải của lớp 12 là 605/1.240 em, đạt 48,8% (tăng 1,5%). Cùng đó, tại kỳ thi chọn học sinh giỏi các môn văn hóa cấp quốc gia có 16/54 thí sinh của tỉnh dự thi đạt giải, tăng 4 giải so với năm học 2021 – 2022.
Kết quả đó tạo nên động lực để thầy và trò các trường hiện thực hóa những nhiệm vụ, giải pháp cơ bản, nỗ lực hoàn thành xuất sắc các mục tiêu đã đề ra trong năm học mới.
Năm học mới 2023 – 2024, toàn tỉnh có 670 trường học, với trên 200.000 học sinh, sinh viên và trên 20.000 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. Qua khảo sát của ngành giáo dục, tổng số phòng học hiện có là 8.091 phòng, trong đó có 6.430 phòng kiên cố, chiếm 79,47%; 1.580 phòng bán kiên cố, chiếm 19,52%. So với quy mô giáo dục, hiện tại số phòng học cơ bản đáp ứng đủ 1 phòng/lớp để học 2 buổi/ngày. |
Vững tin vào năm học mới
Bộ GD&ĐT đã ban hành khung kế hoạch thời gian năm học 2023 – 2024, theo đó, lễ khai giảng năm học mới sẽ tổ chức vào ngày 5/9/2023; thời gian tựu trường sớm nhất trước 1 tuần so với ngày tổ chức khai giảng. Riêng đối với khối lớp 1, tựu trường sớm nhất trước 2 tuần so với ngày tổ chức khai giảng. Đến tháng 7/2023, việc tuyển sinh đầu cấp đã được các nhà trường hoàn thành; đảm bảo về biên chế, sắp xếp lớp học thuận lợi, đúng tiến độ.
Ông Hoàng Quốc Tuấn, Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Cùng với sự chuẩn bị các điều kiện cho năm học mới, để nâng cao chất lượng các cấp học, sở đã chỉ đạo các phòng chuyên môn tập trung rà soát và có giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục ngay từ đầu năm học. Đồng thời, yêu cầu các nhà trường, giáo viên đoàn kết, sáng tạo, ra sức phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ và mục tiêu đổi mới GD&ĐT; chú trọng thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên; nâng cao kết quả phổ cập và đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục. Cùng đó, các đơn vị tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các phong trào thi đua trong toàn ngành…
Năm học mới này, ngành xác định chú trọng đổi mới công tác quản lý, quản trị trường học theo hướng phát huy tính chủ động, linh hoạt của nhà trường và năng lực tự chủ, sáng tạo của tổ chuyên môn, giáo viên; tăng cường phối hợp giữa nhà trường, cha mẹ học sinh và các cơ quan, tổ chức có liên quan tại địa phương trong quá trình thực hiện kế hoạch giáo dục; tiếp tục phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; triển khai đào tạo và bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên đáp ứng trình độ đào tạo theo Luật Giáo dục 2019 và thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo kế hoạch. Cùng đó, đa dạng hóa các loại hình đào tạo, đẩy mạnh định hướng nghề nghiệp và phân luồng học sinh sau THCS; nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục, xóa mù chữ và xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia.
Đồng thời, làm tốt công tác rà soát, quy hoạch, sắp xếp trường lớp học; tạo điều kiện thuận lợi cho việc tập trung đầu tư cơ sở vật chất và bố trí đội ngũ thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông và thay sách giáo khoa, song song với việc đảm bảo duy trì ổn định tỉ lệ huy động học sinh ra lớp.
Năm học mới 2023 – 2024, toàn ngành vẫn duy trì 670 trường học, với trên 200.000 học sinh, sinh viên và trên 20.000 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. Qua khảo sát của ngành giáo dục, tổng số phòng học hiện có là 8.091 phòng, trong đó có 6.430 phòng kiên cố, chiếm 79,47%; 1.580 phòng bán kiên cố, chiếm 19,52% (phòng tạm chiếm 1,01%). So với quy mô giáo dục hiện tại số phòng học cơ bản đáp ứng đủ 1 phòng/lớp để học 2 buổi/ngày.
Với những thành công trong năm học 2022 – 2023, năm học mới 2023 – 2024 ngành giáo dục tỉnh đã và đang thực hiện tốt các khâu chuẩn bị cho năm học mới, quyết tâm hoàn thành các nhiệm vụ và mục tiêu đổi mới giáo dục, trong đó tổ chức thực hiện đúng hướng chương trình giáo dục phổ thông 2018, đặc biệt với lớp 4, lớp 8 và lớp 11; không ngừng nâng cao chất lượng dạy và học ở các cấp, xây dựng môi trường giáo dục hiện đại, văn minh hơn… nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đại trà và giáo dục toàn diện.
HOÀNG TÙNG
Ý kiến ()