Nhân lên nghĩa cử cao đẹp trong chiến dịch "Tôi nhóm máu O"
900 đơn vị máu thu được trong một tuần, trong đó 65% là nhóm máu O đã phần nào gạt bớt đi sự lo toan của các bác sĩ tại Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương về một đợt khan hiếm máu trên toàn quốc, đặc biệt là nhóm máu O.
Những dòng người đổ về Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương
Không khí một tuần qua (từ ngày 17-8 đến 25-8) tại Viện Huyết học – Truyền máu T.Ư sôi động như Lễ hội Xuân Hồng. Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu T.Ư Bạch Quốc Khánh hồ hởi cho biết, những ngày qua, đông đảo người hiến máu, các CLB, đội, nhóm tình nguyện, các tổ chức xã hội, công ty, doanh nghiệp… đã tham gia hiến máu để cùng chung tay khắc phục tình trạng khan hiếm nhóm máu O.
Các bác sĩ tham gia hiến máu.
Trung bình mỗi ngày, Viện Huyết học – Truyền máu T.Ư đã đón tiếp hơn 300 lượt người đến đăng kí tham gia hiến máu tình nguyện. Chỉ trong 7 ngày kêu gọi, đã có hơn 900 đơn vị máu tình nguyện đã được tiếp nhận tại điểm hiến máu cố định Viện Huyết học – Truyền máu T.Ư, trong đó, nhóm máu O chiếm 65% tổng lượng máu tiếp nhận.
Không chỉ riêng tại điểm hiến máu cố định, nhiều điểm hiến máu lưu động trên địa bàn thành phố Hà Nội và các tỉnh lân cận cũng đã tích cực kêu gọi nhóm máu O để cứu chữa người bệnh.
“Chúng tôi đã tích cực triển khai các hoạt động nhằm kêu gọi người có nhóm máu O tham gia hiến máu nhắc lại như: gửi tin nhắn điện thoại tới những người có nhóm máu O đã đủ điều kiện tham gia hiến máu, gửi thư mời, thông tin và cập nhật các điểm hiến máu trên địa bàn thành phố Hà Nội để người hiến máu có thể thuận tiện di chuyển, phối hợp với các cơ quan, đơn vị phát động chiến dịch hiến máu “Tôi nhóm máu O” tại điểm hiến máu cố định”, BS Khánh cho hay.
Điểm hiến máu lưu động tại Báo Kinh tế – Đô thị thu hút nhiều người tham gia.
Theo đó, nhiều điểm hiến máu có tỷ lệ người hiến máu nhóm O cao như: Showroom Ô tô Trường Hải Giải Phóng (Thanh Trì) tiếp nhận dược 55/117 người hiến máu nhắc lại nhóm O, điểm hiến máu của Hội Thanh niên vận động hiến máu Hà Nội tiếp nhận được khoảng 140/159 đơn vị nhóm máu O. Đây thực sự là tín hiệu tích cực trong việc huy động khẩn cấp người có nhóm máu O tham gia hiến máu cấp cứu cho người bệnh.
Tiếp tục hiến máu vì người bệnh
TS Bạch Quốc Khánh cho biết, tới đây, Viện Huyết học – Truyền máu T.Ư tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị, Hội Thanh niên vận động hiến máu Hà Nội, Ban Chỉ đạo vận động hiến máu các tỉnh/thành phố khu vực phía Bắc tổ chức các chương trình hiến máu để kịp thời phục vụ nhu cầu cấp cứu và điều trị cho người bệnh.
Bác sĩ Lê Thanh Tâm bày tỏ hy vọng, đợt thiếu máu này sẽ không kéo dài như dịp Tết năm 2016. “Năm 2016, có 250 bệnh nhân nội trú đang chờ truyền máu. Hằng ngày, các bác sĩ phải đi từng bệnh nhân đo huyết sắc tố để ưu tiên bệnh nhân bị giảm huyết sắc tố mạnh được truyền máu trước. Có những bệnh nhân phải nằm viện 2 tuần để chờ máu, tốn thêm tiền ăn ở, nhiều bệnh nhân kêu than, bác sĩ cũng sốt ruột, nhưng chẳng còn cách nào ngoài chờ nguồn máu từ người hiến”, BS Tâm nói.
Thiếu máu, bệnh nhân mắc Thalassemia thể nặng sẽ đứng trước nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, suy tim, thậm chí gây tử vong. “Một giọt máu cho đi – Một cuộc đời ở lại”, thấu hiểu nỗi đau của người bệnh, chính những bác sĩ đang công tác tại Viện Huyết học – Truyền máu T.Ư đã chia sẻ dòng máu của mình.
Đã có 51 lần hiến máu và trực tiếp tham gia hiến máu trong đợt khan hiếm này, TS.BS Trần Ngọc Quế, Phó Giám đốc Trung tâm Máu Quốc gia bộc bạch “việc hiến máu cứu người là trách nhiệm và nghĩa vụ của những người làm công tác Huyết học – Truyền máu như chúng tôi”.
TS.BS Trần Ngọc Quế truyền đi thông điệp về hiến máu cứu người.
Mỗi ngày, trung bình Viện cần tối thiểu 500 – 700 đơn vị nhóm máu O để cung cấp cho nhu cầu cấp cứu và điều trị tại 180 bệnh viện ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc. Mặc dù lượng đơn vị nhóm máu O đã phần nào được khắc phục sự khan hiếm, nhưng trước nhu cầu chữa bệnh của người bệnh, Viện Huyết học – Truyền máu T.Ư vẫn truyền đi thông điệp kêu gọi mọi người tích cực tham gia hiến máu. “Chúng tôi mong muốn những nghĩa cử cao đẹp này tiếp tục được sẻ chia, nhân lên trong cộng đồng, để người bệnh bớt đi sự chờ đợi mỏi mòn được truyền máu”, BS Khánh chia sẻ.
Theo Nhandan
Ý kiến ()