Nhân lên cái tốt, cái đẹp
Thông qua công tác tuyên truyền tấm gương đạo đức của Bác Hồ trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhiều địa phương, đơn vị đã có những việc làm sâu sắc như sửa đổi lề lối làm việc, tiết kiệm chi tiêu ở công sở; sống trung thực, khiêm tốn, giản dị; phát huy tinh thần đấu tranh chống mọi biểu hiện tiêu cực… Gương người tốt, việc tốt xuất hiện ngày càng nhiều, có tác dụng nhân lên cái tốt, cái đẹp trong cuộc sống. Nhiều cấp ủy Đảng đã xây dựng tiêu chí đánh giá cán bộ, đảng viên, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, tăng cường đoàn kết, tinh thần đấu tranh tự phê bình và phê bình, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức Đảng; từ đó thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện cuộc vận động, ban chỉ đạo ở một số địa phương, đơn vị đôi khi còn lúng túng trong việc biểu dương, khen thưởng và nhân rộng điển hình. Bên cạnh đó, một số cấp ủy Đảng và đảng viên, công chức, viên chức, kể cả cán bộ lãnh đạo do nhận thức chưa đầy đủ ý nghĩa và tầm quan trọng của cuộc vận động, cho nên chưa tự giác học tập, thiếu gương mẫu trong thực hiện nội dung cuộc vận động. Vẫn còn trường hợp đảng viên, cán bộ, công chức vi phạm pháp luật, vi phạm phẩm chất cán bộ, đạo đức, lối sống, làm ảnh hưởng uy tín, gây bất bình trong quần chúng nhân dân.
ĐỂ tiếp tục phát huy kết quả đạt được của cuộc vận động, mỗi cấp ủy Đảng, chính quyền, địa phương, đơn vị cần tiếp tục triển khai sâu rộng, khơi dậy tính tự giác của mỗi cán bộ, đảng viên, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, trọng tâm là làm theo tấm gương đạo đức của Bác. Tiếp tục phát hiện, nhân rộng các điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác; nêu cao ý chí cách mạng, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trước Đảng bộ và nhân dân; rèn luyện cán bộ, đảng viên trở thành tấm gương sáng cho quần chúng noi theo.
Ý kiến ()