Nhân giống cây trà hoa vàng: Lưu giữ nguồn gen dược liệu quý
Ông Hoàng Văn Tấn, xã Đình Lập, huyện Đình Lập chia sẻ: Trước đây, cây trà hoa vàng mọc tự nhiên rất nhiều ở Đình Lập, thương lái Trung Quốc thu mua với giá rẻ. Khi đó, thấy loại cây này có nhiều, chúng tôi lại chưa biết về giá trị của nó nên cứ thế nhổ đi bán. Đến nay, tuy vẫn có người thu mua với giá rất cao nhưng cây chè hoa vàng gần như tuyệt chủng. Qua sách báo, giờ tôi mới biết đây là loại cây dược liệu quý nên thấy rất tiếc.
Cán bộ Trung tâm Ứng dụng, phát triển khoa học công nghệ và Đo lường chất lượng sản phẩm kiểm tra sự phát triển của những gốc trà hoa vàng mới được nhân giống
Theo các nghiên cứu của giới khoa học, trà hoa vàng là loài thực vật chứa thành phần dinh dưỡng phong phú nhất trong giới tự nhiên với hơn 400 chất. Trà hoa vàng có công dụng điều chỉnh các chất béo trong cơ thể, lượng đường trong máu, giải độc gan, thận, chống sự hình thành huyết khối gây tắc nghẽn mạch máu… Đặc biệt, trà hoa vàng còn có tác dụng tích cực trong điều trị một số bệnh mãn tính như: đột quỵ, trụy tim và ung thư. Thời gian qua, cây trà hoa vàng bị khai thác ồ ạt, vùng phân bố bị tàn phá nghiêm trọng cộng với thương lái Trung Quốc thu mua tất cả các bộ phận từ lá, hoa đến thân, rễ với giá cao khiến cây trà hoa vàng đứng trước nguy cơ tận diệt. Tại một số địa phương như: Quảng Ninh, Nghệ An…, cây trà hoa vàng đã được người dân đưa vào trồng thử nghiệm và mang lại hiệu quả kinh tế rất cao – khoảng 15 triệu đồng/kg hoa trà khô, 4 – 5 triệu đồng/kg trà lá khô.
Bà Lâm Mai Tùng, cán bộ Trung tâm Ứng dụng, phát triển khoa học công nghệ và Đo lường chất lượng sản phẩm cho biết: Giá trị kinh tế mang lại rất cao nhưng việc phát triển và sản xuất cây trà hoa vàng trên địa bàn tỉnh chưa được quan tâm. Chính vì vậy, trung tâm xây dựng và triển khai nhiệm vụ xây dựng mô hình nhân giống cây trà hoa vàng. Với ưu điểm cây sớm ra hoa, cây con giữ được đặc tính của cây bố mẹ, có thể nhân giống số lượng lớn và thời gian thành cây sớm, do đó, phương pháp giâm hom được chọn để nhân giống cây dược liệu quý này. Tuy nhiên, đây là phương pháp nhân giống khó nhất đối với cây trà hoa vàng. Do cây đòi hỏi những điều kiện khắt khe về thổ nhưỡng, độ ẩm, chất đất nên khi nhân giống phải có giàn che đảm bảo đủ sáng, có hệ thống tưới nhỏ giọt…
Triển khai phương pháp này, cán bộ trung tâm sử dụng cành tách từ cây bố mẹ tốt, không sâu bệnh, tán lá rộng, chọn cành bánh tẻ, chiều dài cành từ 10 đến15 cm, để 2 – 4 lá là thích hợp. Sau khi chọn được hom tiến hành làm luống đảm bảo luống cao, không ngập úng và được xử lý chống nấm, khuẩn. Cành chọn làm hom phải được cắt phẳng, không dập nát, vỏ cành không sát, góc cắt vát. Sau khi nhúng gốc hom vào dung dịch đặc biệt kích thích mọc rễ, tiến hành cắm vào bầu đã đóng sẵn, xếp bầu lên luống và thường xuyên kiểm tra quá trình phát triển. Bắt đầu được triển khai từ tháng 1/2018, đến nay, hơn 100 bầu trà hoa vàng đang phát triển ổn định, có thể đưa ra vườn trồng thử nghiệm. Trước đó, trung tâm đã phối hợp trồng, chăm sóc 3 sào cây trà hoa vàng tại huyện Đình Lập, đang sinh trưởng và phát triển ổn định.
Trà hoa vàng là cây dược liệu đã có từ rất lâu tại Lạng Sơn, vì vậy, nhân giống và phát triển cây dược liệu này không chỉ giúp bảo tồn nguồn gen mà còn là hướng đi mới giúp nông dân thoát nghèo, làm giàu chính đáng.
Ý kiến ()