Nhân dịp lễ hội Thiên Chúa giáng sinh năm 2012: Suy nghĩ về Văn hóa Ki-tô giáo
Văn hóa có nghĩa rộng và nghĩa hẹp. Về nghĩa rộng, Bác Hồ đã viết: "Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn hóa, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hằng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng.Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa. Văn hóa là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn"(1).Văn hóa có nghĩa hẹp là những gì phục vụ cho đời sống tinh thần, thuộc về đời sống tinh thần của con người, kể cả đời sống tâm linh, là nơi thể hiện ý thức và những phương thức tiếp nhận những giá trị về đời sống tinh thần trong quan hệ giao lưu với các dân tộc khác. Trong văn hóa tinh thần, có văn hóa vật thể và phi vật thể.Nền văn hóa Việt Nam theo nghĩa...
Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa. Văn hóa là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn”(1).
Văn hóa có nghĩa hẹp là những gì phục vụ cho đời sống tinh thần, thuộc về đời sống tinh thần của con người, kể cả đời sống tâm linh, là nơi thể hiện ý thức và những phương thức tiếp nhận những giá trị về đời sống tinh thần trong quan hệ giao lưu với các dân tộc khác. Trong văn hóa tinh thần, có văn hóa vật thể và phi vật thể.
Nền văn hóa Việt Nam theo nghĩa hẹp, phát triển cho đến ngày nay đã được hun đúc từ nhiều nguồn. Các công trình nghiên cứu về văn hóa thường đề cập đến nguồn văn hóa cổ truyền, chủ yếu là văn hóa truyền thuyết trong thời các Vua Hùng dựng nước. Nổi bật là đạo yêu nước trong truyền thuyết Thánh Gióng, nghĩa đồng bào trong truyền thuyết trăm con ra đời từ một bào thai, vợ chồng bình đẳng trong trách nhiệm dựng nước theo truyền thuyết Âu Cơ và Lạc Long Quân, chia mỗi người 50 con lên núi, 50 con xuống biển. Kế đó là nguồn văn hóa của các dân tộc thiểu số anh em, nguồn văn hóa phương Tây thông qua cái gọi là “khai hóa văn minh” của chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa đế quốc và nguồn văn hóa các tôn giáo. Nguồn văn hóa các tôn giáo thường được nhìn nhận là văn hóa Nho giáo, Phật giáo, Lão giáo. Đối với Công giáo thường được nghiên cứu về mặt lịch sử. Ví như các giáo sĩ Pháp và Bồ Đào Nha vào Đàng trong, Đàng ngoài của Việt Nam như thế nào, nhằm mục đích gì? Từ đâu mà Vua Gia Long bị lịch sử lên án là cõng rắn cắn gà nhà, tại sao thời Vua Minh Mạng cấm đoán quyết liệt việc truyền bá đạo Công giáo, coi Công giáo là tả đạo, chống Pháp gọi là bình Tây, cùng với bình Tây phải sát tả… Nhưng dường như chưa ai nêu vấn đề văn hóa Ki-tô giáo là một trong những dòng văn hóa các tôn giáo đã góp phần vào việc xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam.
Về nguồn văn hóa Ki-tô giáo, nổi lên hàng đầu là đã góp phần thay đổi chữ viết theo mẫu tự La-tinh từ giữa thế kỷ thứ 17 với sự đóng góp quan trọng của giáo sĩ A.Đơ Rốt (Alexandre de Rhodes). Nếu so với việc dùng chữ Hán hay chữ Nôm trước đó thì việc đổi mới chữ viết theo mẫu tự La-tinh thành quốc ngữ là một bước phát triển nhảy vọt mang tính cách mạng. Dù mục đích cụ thể của việc làm đó thời bấy giờ là thế nào đi chăng nữa thì bản thân sự thay đổi chữ viết theo mẫu tự La-tinh đã có tác động lớn trên nhiều mặt đến sự phát triển của văn hóa Việt Nam. Chẳng những về văn hóa mà cả về văn hiến, nếu hiểu lịch sử nền văn hiến Việt Nam bắt đầu từ khi có chữ viết (chữ Hán, chữ Nôm, chữ Quốc ngữ) và có các nhà trí thức biết sử dụng chữ viết đó để chuyển từ văn hóa truyền miệng qua văn hóa thành văn. Từ truyền thuyết về A Đam và Ê Va nêu trong kinh thánh ở phần cựu ước, trong văn hóa Ki-tô giáo, chế độ gia đình một vợ, một chồng được quy định thành giáo luật. Đó là một sự tiến bộ lớn nếu so với chế độ gia đình đa phu thời mẫu hệ và đa thê thời phụ hệ. Sự ra đời của Đảng Cộng sản có đường lối cứu nước đúng đắn, với uy tín lớn của Bác Hồ, cùng với nền độc lập tự chủ, mà nhân dân ta giành được, và sau khi linh mục Thiên chúa giáo người nước ngoài được thay thế bằng người Việt Nam thì nghĩa vụ và quyền lợi của giáo dân được xác định, không chỉ là kính chúa mà còn gắn với yêu nước. Trong tập sách “Thiên chúa và Tổ quốc của người Công giáo Nam Bộ” do Ô Simon Lại Văn Miên khảo biên, còn chứng minh về lòng yêu nước của một số linh mục trước họa giặc Tây dương xâm chiếm như Linh mục Đăng Đức Tuấn trong bản điều trần gửi Vua Tự Đức cho rằng phải coi bọn Tây dương (giặc Pháp) là thù địch, phải xông ra chiến trường, sửa soạn giáo mác, súng đạn, thề cùng bọn đó không đội trời chung”.
Nguyễn Trường Tộ đã gửi cho Vua Tự Đức bản điều trần về canh tân đất nước. Năm 1870 xin đi đánh giặc Pháp, khi sáu tỉnh Nam Bộ bị mất. Một số Linh mục đã tham gia phong trào Đông Du do Phan Bội Châu khởi xướng. Một số Linh mục bị giặc Pháp bắt đày ra Côn Đảo. Đến Cách mạng Tháng Tám thành công, các tổ chức yêu nước của người Công giáo được thành lập, nổi lên có 24 tấm gương yêu nước tiêu biểu… Thuộc văn hóa Ki-tô giáo còn có nhiều công trình kiến trúc về nhà thờ, tu viện… được xây dựng trên đất nước ta, cả mấy trăm năm nay, Bộ Kinh thánh (Tân ước và Cựu ước) được dịch ra tiếng Việt, những tác phẩm văn học nghệ thuật, kho tàng sách báo, những nhân tài văn hóa thuộc dòng văn hóa Ki-tô giáo… Văn hóa Ki-tô giáo trên thực tế đã là thành tố của nền văn hóa Việt Nam. Lễ hội Thiên Chúa giáng sinh đêm Nô-en, đã dần dần trở thành sinh hoạt văn hóa chung của nhân dân ở một số vùng đô thị…
Tôi nghĩ rằng dòng văn hóa Ki-tô giáo là đề tài đáng được nghiên cứu. Làm sáng tỏ về sự đóng góp của nó đối với việc xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam là việc làm rất cần thiết.
(1) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 3, trang 431 (Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia Hà Nội năm 2000).
Theo Nhandan
Ý kiến ()