Nhận định chứng khoán tuần tới: Tìm kiếm cơ hội tối ưu hóa lợi nhuận
Với những diễn biến tích cực như hiện tại, nhiều công ty chứng khoán nhận định mạch tăng của thị trường có thể tiếp diễn trong tuần tới.
Thị trường trải qua tuần giao dịch đầy “cảm xúc” khi VN-Index dễ dàng vượt mốc 800 điểm và thanh khoản tăng mạnh, cùng đó là việc khối ngoại trở lại mua ròng trong phiên cuối tuần. Với những diễn biến tích cực như hiện tại, nhiều công ty chứng khoán nhận định mạch tăng của thị trường có thể tiếp diễn trong tuần tới.
Động lực kéo dài mạch tăng
Theo Công ty cổ phần Chứng khoán MB-MBS, phiên cuối tuần, thanh khoản thị trường bùng nổ với tổng giá trị khớp lệnh đạt hơn 6.292 tỷ đồng, đây là mức thanh khoản cao nhất kể từ ngày 11/10/2018. Thị trường tăng điểm kèm theo dòng tiền tăng mạnh mẽ đang tạo hiệu ứng tâm lý tích cực cho nhà đầu tư. Theo đó, kỳ vọng về thị trường sẽ tăng dần và đó là động lực để thị trường tiếp tục có thể kéo dài mạch tăng liên tiếp như hiện nay.
Nhóm phân tích tới từ MBS cho rằng, thị trường đang đi lên mạnh mẽ và tạo hiệu ứng lan tỏa tốt là nhân tố được kỳ vọng sẽ lôi kéo thêm được nhiều tiền hơn vào thị trường. Vì vậy, MBS nhận định, VN-Index tuần tới có thể hướng tới mục tiêu 850 điểm và ngưỡng hỗ trợ ở mốc 780 điểm.
Trong khi đó, Công ty cổ phần chứng khoán Rồng Việt – VDSC nêu quan điểm, thị trường chứng khoán tiếp tục thăng hoa và đồng loạt các cổ phiếu vốn hóa lớn tăng điểm tích cực. Dòng tiền vẫn đang luân chuyển ở thị trường để tìm kiếm những cơ hội, các nhà đầu tư có thể giải ngân hoặc lướt sóng danh mục của mình để tối ưu hóa lợi nhuận trong giai đoạn tích cực này.
Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHS), thị trường hồi phục mạnh sau hai tuần giảm liên tiếp trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 trong nước được kiểm soát tốt, nhiều ngày liên tiếp không có ca lây nhiễm mới trong cộng đồng.
Bên cạnh đó, tuy khối ngoại bán ròng trên hai sàn với hơn 2.700 tỷ đồng, nhưng nếu bỏ qua phần bán ròng đột biến của cổ phiếu VHM, đạt hơn 2.100 tỷ đồng thì khối ngoại chỉ bán ròng hơn 500 tỷ đồng trên hai sàn trong tuần qua. SHS nhận định, đây là diễn biến có thể coi là tích cực. Đặc biệt hơn, trong phiên cuối tuần, khối ngoại quay trở lại mua ròng gần 55 tỷ đồng trên hai sàn, chấm dứt chuỗi 26 phiên bán ròng liên tiếp.
Tuy nhiên, diễn biến rung lắc mạnh quanh ngưỡng 820 điểm cùng với việc nhà đầu tư bán mạnh cổ phiếu trong cuối phiên thứ 6 là một dấu hiệu đảo chiều nhà đầu tư cần lưu ý, SHS khuyến nghị.
Với những lý lẽ phân tích ở trên, SHS dự báo trong tuần giao dịch tiếp theo (11/5-15/5), VN-Index có thể sẽ giằng co và đi ngang với biên độ khá rộng, trong khoảng 780-860 điểm.
Thực tế, nhìn lại diễn biến tuần qua có thể thấy hầu hết các nhóm, ngành cổ phiếu đang tăng trưởng tích cực. Đặc biệt là những mã đầu ngành có đóng góp lớn cho đà tăng của thị trường.
Theo đó, tại nhóm cổ phiếu họ Vingroup, VIC tăng 6,1%, VHM tăng 11,1%, VRE tăng 9,3%.
Các mã lớn thuộc nhóm thực phẩm – đồ uống cũng tăng trưởng ấn tượng với VNM và SAB đều tăng 6%, MSN tăng 3,7%.
Ngoài ra, mã cổ phiếu đầu ngành thép là HPG tăng 8,8%, cổ phiếu đầu ngành công nghệ là FPT tăng 5,6%, cổ phiếu đầu ngành hàng không là VJC tăng 4,1%, cổ phiếu đầu ngành vàng là PNJ tăng 2,3%, cổ phiếu đầu ngành bảo hiểm BVH tăng 3,8%…
Nhóm cổ phiếu dầu khí cũng tăng trưởng mạnh mẽ trước diễn biến tích cực của giá dầu thế giới và đà tăng của thị trường chung.
Theo đó, GAS tăng 9,4%, OIL tăng 6,7%, PLX tăng 8,7%, PVD tăng 5,9%, PVS tăng 4,3%, PLX tăng 8,4%, BSR tăng 7,1%…
Nhóm cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh với VCB tăng 8,1%, CTG tăng 4,5%, BID tăng 6,7%, VPB tăng 11,2%, MBB tăng 4,1%, ACB tăng 4,4%, SHB tăng 6,9%…
Kết thúc tuần giao dịch (từ 4-8/5), VN-Index tăng 44,62 điểm (5,8%) lên 813,73 điểm; HNX – Index tăng 3,185 điểm (3%) lên 110,023 điểm. Thanh khoản tiếp tục cao hơn mức trung bình 20 tuần với khoảng hơn 5.100 tỷ đồng mỗi phiên trên hai sàn.
Thực tế, những tác động của dịch bệnh COVID-19 khiến kết quả kinh doanh quý I của nhiều doanh nghiệp giảm sút nghiêm trọng, thậm chí nhiều doanh nghiệp báo lỗ hàng trăm đến hàng nghìn tỷ đồng như Công ty Cổ phần Lọc Hóa dầu Bình Sơn (mã chứng khoán: BSR) lỗ tới 2.348 tỷ đồng, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (mã chứng khoán: PLX) lỗ hơn 1.813 tỷ đồng, hay như Công ty cổ phần Hàng không VietJet (mã chứng khoán: VJC) lỗ 989 tỷ đồng. Dù vậy có thể thấy rằng, cổ phiếu của các doanh nghiệp này vẫn có sự hồi phục rất tích cực trong tuần qua.
Việc thị trường chứng khoán tăng mạnh kể từ đầu tháng 4 đến nay đã giúp nhiều nhà đầu tư có lãi, khiến những người cầm tiền hoặc đứng ngoài quan sát đã cảm thấy tiếc, sợ bỏ lỡ cơ hội nên tiếp tục tham gia vào thị trường. Điều này giúp giá cổ phiếu tăng mạnh, dù kết quả kinh doanh quý I của doanh nghiệp kém tích cực.
Thị trường chứng khoán tăng trưởng mạnh trong bối cảnh kết quả kinh doanh của doanh nghiệp không khả quan và tăng trưởng nền kinh tế giảm tốc không chỉ xảy ra tại thị trường Việt Nam. Đều này cũng đang diễn ra tại các thị trường chứng khoán trên thế giới.
Chứng khoán toàn cầu đi lên
Chứng khoán toàn cầu đều đi lên trong phiên cuối tuần 8/5 và chốt lại một tuần “thăng hoa”, khi sự lạc quan về việc các quốc gia nới lỏng biện pháp phong tỏa và mở cửa nền kinh tế trở lại.
Khép phiên cuối tuần qua (8/5), tại Tokyo, chỉ số Nikkei 225 tăng 2,6% lên 20.179,09 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hong Kong tăng 1% lên đóng phiên ở 24.230,17 điểm. Chỉ số Shanghai Composite đóng phiên này tăng 0,8% lên 2.895,34 điểm.
Chứng khoán Mumbai phiên này tăng hơn 1%, chứng khoán Seoul tăng 0,9%, trong khi chứng khoán Seoul và Đài Bắc đều tăng 0,5%. Sắc xanh phiên này còn được ghi nhận tại thị trường Wellington, Bangkok và Jakarta. Trong khi đó, thị trường Manila và Jakarta phiên này giảm điểm.
Trong khi đó, phiên cuối tuần qua, tại thị trường Phố Wall, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 1,9% lên 24.331,32 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 1,7% lên 2.929,8 điểm, còn chỉ số công nghệ Nasdaq đánh dấu phiên tăng thứ năm liên tiếp với mức tăng 1,6% lên 9.121,32 điểm.
Số liệu mới nhất cho thấy thị trường lao động Mỹ đã mất 20,5 triệu việc làm trong tháng Tư. Theo ông Ulas Akincilar, người phụ trách mảng đầu tư tại công ty môi giới Infinox, đây là mức sụt giảm rất lớn và mang tính lịch sử. Nhưng nó lại không hoàn toàn tồi tệ như dự báo của giới quan sát trước đó và không tổn hại nhiều tới lòng tin của nhà đầu tư.
Mức tăng điểm ấn tượng trong phiên 8/5 là ví dụ mới nhất cho thấy các thị trường tuy thừa nhận những báo cáo kinh tế là khá xấu, nhưng chúng không khác biệt đáng kể so với dự kiến. Thay vào đó, họ tập trung vào những tin tức tích cực hơn như hoạt động kinh tế ở một số khu vực của Mỹ và châu Âu đang từng bước khởi động lại.
Nhìn chung cả tuần vừa qua, Phố Wall ghi nhận xu hướng tăng điểm là chủ đạo với 4 phiên tăng đồng loạt và 1 phiên diễn biến trái chiều.
Với mức tăng khá ấn tượng trong phiên cuối tuần 8/5, chỉ số Dow Jones tính chung trên cả tuần đã tăng 2,6%. Chỉ số S&P tiến 3,5% và chỉ số Nasdaq ghi thêm tới 6%.
Ông Art Hogan, chiến lược gia trưởng tại công ty tài chính National Securities cho biết, giới đầu tư tin rằng nền kinh tế Mỹ sẽ chạm đáy trong quý hai và cải thiện trong giai đoạn sau đó. Ngoài ra, các nhà đầu tư không cho rằng làn sóng lây lan dịch COVID-19 lần thứ hai sẽ đủ tồi tệ để dẫn đến tình trạng phong tỏa trên diện rộng ở Mỹ như đợt một này.
Tuy nhiên một số nhà phân tích khuyến cáo thị trường nên thận trọng để không đánh giá thấp mức độ của cuộc khủng hoảng kinh tế. Chuyên gia Michael Hewson tại công ty tư vấn tài chính CMC Markets đưa ra quan sát rằng dường như số liệu kinh tế của Mỹ càng tồi tệ, thị trường chứng khoán lại tăng cao hơn./.
Ý kiến ()