Nhận diện những ưu tiên trong chính sách xã hội của Việt Nam đến 2030
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý, việc tổng kết Nghị quyết số 15-NQ/TW (khóa XI) cần làm rõ mối liên hệ ngày càng chặt chẽ giữa các lĩnh vực xã hội và lĩnh vực khác như an ninh trật tự, quốc phòng…
Sáng 9/3, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp lần nhất Ban Chỉ đạo Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XI về một số vấn đề về chính sách xã hội (Nghị quyết số 15-NQ/TW).
Tại cuộc họp, các thành viên Ban Chỉ đạo đã thảo luận, cho ý kiến về những vấn đề, nội dung quan trọng trong quá trình thực hiện tổng kết Nghị quyết số 15-NQ/TW; nhấn mạnh tinh thần phân công trách nhiệm cụ thể trong những lĩnh vực trọng yếu, nhiều vấn đề được người dân, xã hội quan tâm.
Do đó, công tác tổng kết phải bám sát các nội dung Nghị quyết, nhất là kết quả thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp: chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; bảo đảm an sinh xã hội (việc làm, thu nhập và giảm nghèo; bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, trợ giúp xã hội, bảo đảm mức tối thiểu về một số dịch vụ xã hội cơ bản cho người dân như giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch, thông tin truyền thông, chính sách an sinh xã hội trong đại dịch COVID-19); hợp tác quốc tế và các lĩnh vực khác có liên quan; nguồn lực thực hiện; đánh giá kết quả thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu đến năm 2020 và kết quả thực hiện đến năm 2022; đánh giá hạn chế, tồn tại, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm…
Theo Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, hiện nay, hầu hết các chỉ tiêu chủ yếu của Nghị quyết số 15-NQ/TW ( khóa XI) đều đạt và vượt. Tuy nhiên, vẫn còn một số chỉ tiêu chậm so với mục tiêu đề ra như: tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch, nước sinh hoạt hợp vệ sinh; tỷ lệ trẻ em 5 tuổi suy dinh dưỡng thể nhẹ cân; bảo đảm giáo dục tối thiểu…
Một số ý kiến cho rằng, một số nhóm chỉ tiêu bắt buộc (y tế, giáo dục, an sinh xã hội, nhà ở…) phải do Bộ trưởng bộ chuyên ngành chỉ đạo tổng kết; chú trọng việc tổng kết của các bộ, ngành, địa phương, cơ quan nghiên cứu; đồng thời đề nghị cần huy động tối đa, sử dụng hiệu quả sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước và đóng góp của nhân dân; tăng cường thực hiện khảo sát thực tế, nghiên cứu để phát hiện những khía cạnh, vấn đề xã hội mới nổi trong công nhân, phụ nữ, người cao tuổi…
Các ý kiến thống nhất, việc tổng kết Nghị quyết số 15-NQ/TW tập trung đánh giá nghiêm túc, đúng thực tế, khách quan, rút ra những mặt đạt được, bài học kinh nghiệm; những mặt chưa được và nguyên nhân; đồng thời, nhận diện các vấn đề xã hội mới, những vấn đề cần ưu tiên trong chính sách xã hội của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Việc tổng kết đề xuất những quan điểm, chủ trương, cơ chế, chính sách, nhiệm vụ, giải pháp khả thi cho từng giai đoạn phù hợp với xu thế, thực tiễn của địa phương và đất nước trong thời kỳ mới.
Đây là cơ sở để xây dựng dự thảo nghị quyết mới có nội dung sâu sắc, khách quan, ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu, thiết thực, có tính khả thi, các mục tiêu cụ thể gắn với thời gian, lộ trình phù hợp và các chủ trương, nghị quyết có liên quan của Trung ương.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý, việc tổng kết Nghị quyết số 15-NQ/TW (khóa XI) cần làm rõ mối liên hệ ngày càng nhiều và chặt chẽ giữa các lĩnh vực xã hội và lĩnh vực khác (an ninh trật tự, quốc phòng, đối ngoại…).
Bên cạnh đó, công tác tổng kết cần xem xét, tham khảo trong những xu thế quốc tế đã nhận diện được như Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi số, dịch bệnh, an ninh mạng…
Nguyên tắc đánh giá, tổng kết trung thực, khách quan, bám sát nghị quyết; đồng thời, làm bật lên những ưu tiên, quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với lĩnh vực xã hội, chăm sóc con người so với nguồn lực hiện có, các nước có cùng trình độ phát triển, các nước trong khu vực và trên thế giới. Quá trình tổng kết phải làm rõ hiệu quả sử dụng các nguồn lực, những kinh nghiệm được rút ra.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, công tác tổng kết Nghị quyết của Trung ương không chỉ đánh giá kết quả, tồn tại, hạn chế, bài học kinh nghiệm mà quan trọng là xác định những vấn đề mới về quan điểm, mục tiêu, từ đó đưa ra chủ trương, giải pháp phù hợp, góp phần vào xây dựng lý luận./.
Ý kiến ()