Nhận diện những rào cản
LSO-Trong năm 2017, bảng xếp hạng chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Lạng Sơn đứng vị trí thứ 53/63 tỉnh, thành trên cả nước; trong khu vực các tỉnh Đông Bắc, Lạng Sơn chỉ xếp trên Cao Bằng, Bắc Cạn, Hà Giang và thuộc nhóm tương đối thấp. Vậy những rào cản nào khiến vị trí xếp hạng PCI của tỉnh chậm được cải thiện trong nhiều năm qua?
Cán bộ Hải quan Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị hướng dẫn doanh nghiệp làm thủ tục – Ảnh: TRÍ DŨNG |
Theo bảng số liệu công bố chính thức, kết quả khảo sát trên 10 chỉ số thành phần của PCI do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đưa ra liên tục trong 5 năm qua đối với tỉnh Lạng Sơn cho thấy, có hai chỉ số thành phần có điểm số rất thấp và chậm được cải thiện, đó là chỉ số chi phí không chính thức và chỉ số tính năng động của chính quyền tỉnh (xem biểu). Nếu so sánh với các tỉnh: Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn đối với hai chỉ số này điểm số của tỉnh Lạng Sơn thấp hơn tỉnh Hà Giang và nhỉnh hơn hai tỉnh: Cao Bằng và Bắc Kạn không đáng kể. Tuy nhiên, một số chỉ số khác như: tiếp cận đất đai, tính minh bạch, cạnh tranh bình đẳng, thiết chế pháp lý, chi phí thời gian tính từ năm 2013 đến 2017 được cải thiện rõ rệt.
Chi phí không chính thức được sử dụng để đo lường các khoản chi phí mà doanh nghiệp phải bỏ ra để chi trả các khoản phí không liên quan đến sản xuất, đầu tư và các khoản phí bất thường khác trong điều kiện hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường. Trong hai năm trở lại đây, qua thực tế nghiên cứu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho thấy, xu hướng nổi bật là các khoản chi phí không chính thức có giảm bởi chương trình cải cách hành chính tổng thể nhằm ngăn ngừa hành vi tiêu cực của đội ngũ cán bộ công chức đã được cải thiện. Tính minh bạch thông tin và cải cách dịch vụ công với mục đích nâng cao tính chịu trách nhiệm của các cán bộ công quyền được nâng cao.
Đóng gói mùn cưa xuất khẩu tại Công ty Cổ phần ACC 78 huyện Hữu Lũng |
Đối với Lạng Sơn, chỉ số thành phần chi phí không chính thức được cải thiện rất chậm. Năm 2017 được đánh giá là năm tỉnh Lạng Sơn triển khai nhiều giải pháp để hạn chế mức thấp nhất chi phí không chính thức của doanh nghiệp. Tuy nhiên, điểm số của chỉ số này tại Lạng Sơn được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam công bố vào cuối tháng 3/2018 vừa qua cho thấy vẫn còn 55,2% số doanh nghiệp được khảo sát cho rằng vẫn phải chi trả các khoản chi phí không chính thức trong quá trình đầu tư và sản xuất kinh doanh ở các mức độ khác nhau.
Đối với chỉ số thành phần về tính năng động của chính quyền cũng trong tình trạng tương tự. Đối với Lạng Sơn, trong hai năm trở lại đây, lãnh đạo UBND tỉnh đã rất nỗ lực trong việc lắng nghe, đối thoại và giải quyết các kiến nghị, vấn đề của doanh nghiệp nhưng vẫn chưa thực sự hiệu quả. Số liệu công bố của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với chỉ số này đã chứng minh điều này, thậm chí chỉ số này của năm 2017 còn thấp hơn so với năm 2016.
Theo Công ty nghiên cứu INDOCHINA SURVEY (thực hiện nghiên cứu bộ chỉ số đánh giá năng lực điều hành cấp sở, ban, ngành và địa phương thuộc tỉnh (DDCI) của tỉnh Lạng Sơn năm 2017) thì trong tháng 4 năm 2018, đơn vị tư vấn của công ty sẽ làm việc với UBND tỉnh Lạng Sơn để bàn sâu và đưa ra kế hoạch, giải pháp chi tiết cụ thể nhằm từng bước cải thiện các chỉ số còn rất thấp.
Tỉnh nhận thức sâu sắc vai trò của cộng đồng doanh nghiệp đối với quá trình phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, doanh nghiệp vừa giải quyết việc làm, nộp ngân sách và đóng góp rất lớn vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Do vậy, trong năm 2018 và những năm tiếp theo, với tinh thần chỉ đạo xuyên suốt là “Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao trách nhiệm, hiệu quả phục vụ người dân và doanh nghiệp”, tỉnh đang xây dựng kế hoạch cụ thể để cải thiện môi trường đầu tư.
Về nội dung này, bà Phùng Thị Thanh Nga, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Trong tháng 4/2018, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ tham mưu cho tỉnh xây dựng kế hoạch chi tiết triển khai bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành của tỉnh. Đồng thời, tỉnh cũng ban hành kế hoạch chi tiết khắc phục các chỉ số PCI còn thấp với tinh thần cầu thị nhưng cũng không nóng vội.
Từng bước tháo gỡ các rào cản, nâng cao sức cạnh tranh, tạo dựng hình ảnh môi trường kinh doanh thuận lợi, điều đó không chỉ phụ thuộc vào sự quyết tâm của chính quyền địa phương, tinh thần mẫn cán, chuyên nghiệp của đội ngũ cán bộ thực thi công vụ mà còn rất cần sự vào cuộc của chính cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
CÔNG QUÂN
Ý kiến ()