Nhận diện khó khăn
Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại Trường Cao đẳng nghề Công nghệ và Nông Lâm Đông Bắc (Hữu Lũng) |
Ngay từ đầu năm 2014, cuộc họp Thường trực Ban chỉ đạo tỉnh về xây dựng nông thôn mới do đồng chí Lý Vinh Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì đã nêu ra những khó khăn cơ bản cần phải giải quyết ngay. Không mơ hồ như thời gian đầu mới triển khai, những vướng mắc trong giai đoạn này rất cụ thể. Điều đầu tiên phải nói đến là trách nhiệm tham mưu của các cấp, ngành đối với Ban chỉ đạo tỉnh. Thực chất đây là điều đã được nói đến từ lâu, song đến thời điểm này, những hạn chế về công tác tham mưu mới thực sự gây ảnh hưởng sâu tới việc triển khai thực hiện Chương trình. Để thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới, Trung ương đã ban hành rất nhiều văn bản hướng dẫn. Thế nhưng những hướng dẫn ấy còn nhiều điểm chưa sát với thực tiễn của Lạng Sơn. Bắt tay vào thực hiện từng tiêu chí thì các tiêu chí như: y tế, văn hóa, cơ sở vật chất văn hóa, giao thông…đều cần hướng dẫn cụ thể của các ngành. Thế nhưng ở thời điểm đầu năm 2014, hầu như chưa có ngành nào xây dựng được hướng dẫn phù hợp, sát thực với từng vùng của Lạng Sơn.
Đồng chí Lý Vinh Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo: các cấp, ngành cần phải chủ động nghiên cứu, tham mưu cho Ban chỉ đạo tỉnh hướng dẫn cụ thể, phù hợp điều kiện, tháo gỡ khó khăn cho các xã. Chính từ những chỉ đạo sâu sát, kịp thời ấy, các ngành hữu quan đều đã xây dựng được hướng dẫn thực hiện từng tiêu chí cụ thể. Ông Lê Văn Khoa, Phó chánh Văn phòng điều phối xây dựng nông thôn mới cho biết: hiện nay Văn phòng đang tổng hợp hướng dẫn của các ngành, trình Ban chỉ đạo tỉnh để có thể sớm ban hành.
Nếu như thời gian đầu, nhận thức của người dân, cán bộ cấp xã về nông thôn mới còn hạn chế, thì trong giai đoạn này chính năng lực, trình độ và nhận thức của cán bộ cấp huyện mới là điều đáng ngại. Trong các cuộc kiểm tra trong thời gian vừa qua, lãnh đạo Ban chỉ đạo tỉnh thẳng thắn nhận định: người dân và cấp xã trực tiếp triển khai chương trình, nên kiến thức về nông thôn mới họ nắm rất chắc, chính một số cán bộ cấp huyện lại rất lơ mơ. Đây là một trong những yếu kém, nếu không sớm khắc phục thì sẽ là lực cản rất lớn đối với tiến trình xây dựng nông thôn mới.
Thêm một khó khăn, vướng mắc đã lộ rõ là chất lượng quy hoạch nông thôn mới cấp xã. Trong thời gian đầu, việc triển khai quy hoạch ồ ạt, có những đơn vị tư vấn phụ trách làm quy hoạch cho 3-5 xã. Trong khi đó, ở nhiều nơi lãnh đạo xã cũng phó mặc cho đơn vị tư vấn. Bởi vậy mà hiện nay nhiều quy hoạch, đề án quá chú trọng tới đầu tư cơ sở hạ tầng, trong khi đó phương hướng phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân lại rất mờ nhạt. Trong các cuộc kiểm tra của Ban chỉ đạo tỉnh, các xã rất lúng túng trong việc định hướng sản xuất. Chính vì vậy việc rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, đề án cũng là một trong những giải pháp quan trọng.
Ngoài một số khó khăn do nguyên nhân chủ quan, thì cũng có những vướng mắc do khách quan, những vấn đề mà ngay cả Trung ương cũng chưa có hướng dẫn cụ thể. Chẳng hạn như việc phân bổ nguồn lực cho các chương trình mục tiêu Quốc gia hiện nay rất phân tán, trong khi đó nguồn lực này cũng chưa phải là nhiều, đặc biệt là đối với tỉnh miền núi, biên giới còn nhiều khó khăn như Lạng Sơn. Mặt khác tổ chức, bộ máy thực hiện Chương trình nông thôn mới chưa có sự thống nhất từ Trung ương tới địa phương. Lạng Sơn đã thành lập Văn phòng điều phối xây dựng nông thôn mới, song không có chỉ tiêu biên chế, các cán bộ trong văn phòng đều là cán bộ biệt phái…ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động.
Có thể khẳng định, những khó khăn, vướng mắc này đã được nhận diện từ rất sớm, ngay từ khi phát sinh. Trên thực tế trong thời gian qua Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt để khắc phục những vướng mắc này. Trong đó những khó khăn ở tâm vĩ mô, liên quan đến các bộ, ngành Trung ương, Lạng Sơn cũng đã có những kiến nghị rất cụ thể. Mỗi giai đoạn, mỗi thời điểm xuất hiện những khó khăn khác nhau, nhận diện sớm những khó khăn, vướng mắc là điều kiện tốt để Lạng Sơn tạo đà đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới.
Ý kiến ()