Nhân dân xã Vân Nham: Khắc ghi lời Bác, phát triển kinh tế rừng
– Xã Ðô Lương cũ (nay là xã Vân Nham), huyện Hữu Lũng vinh dự được Bác Hồ gửi thư khen và tặng bộ đồ mộc, rèn vì có thành tích giữ rừng và phát triển rừng. Khắc sâu lời căn dặn của Bác, Nhân dân các dân tộc nơi đây luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, ngày càng gắn bó và vươn lên thoát nghèo từ rừng.
Ngày nay, đến Đô Lương cũ (đã sáp nhập vào xã Vân Nham từ ngày 1/1/2020), dọc hai bên đường là những cánh rừng keo, rừng bạch đàn xanh tươi, ngút ngàn. Rừng ở đây tươi tốt, trải dài trên khắp hẻm núi, triền đồi, được người dân địa phương gọi là “rừng Bác Hồ”. Hơn nửa thế kỷ qua, người dân nơi đây vẫn truyền cho nhau lời kể của cha ông về 26 kỷ vật đặc biệt mà Bác Hồ đã tặng người dân trong xã vào năm 1969 cùng lá thư khen ngợi với hàm ý căn dặn mọi người về tầm quan trọng của rừng đối với đời sống con người. Có lẽ vì thế, từ nhiều năm nay, người dân Đô Lương không chỉ tích cực tham gia bảo vệ rừng mà còn luôn phấn đấu vươn lên làm giàu từ rừng.
Người dân thôn Cốc Lùng, xã Vân Nham (Đô Lương cũ) chăm sóc rừng keo
Theo lời kể của ông Hứa Xuân Thành, trưởng thôn Cốc Lùng (xã Đô Lương cũ): Những năm trước thời kỳ đổi mới, người dân Đô Lương sống nhờ vào sản xuất nông nghiệp là chính. Đời sống kinh tế khi ấy gặp nhiều khó khăn, quanh năm chỉ tập trung vào trồng trọt và chăn nuôi mang tính tự cung, tự cấp. Từ khi các lâm trường chuyển giao rừng cho các hộ dân, bà con trong xã đã tập trung chăm sóc và trồng rừng đạt được những hiệu quả bước đầu. Đến nay, kinh tế rừng là một trong những thế mạnh giúp Nhân dân nơi đây thoát nghèo và làm giàu trên mảnh đất quê hương.
Ông Thành cho biết thêm: Riêng thôn Cốc Lùng hiện có 102 hộ với 495 nhân khẩu thì 100% hộ dân đều trồng rừng kinh tế. Hộ ít cũng có 2 đến 3 ha, hộ nhiều có tới 8 đến 10 ha với các loại cây trồng chính như: bạch đàn, keo,.. Tiêu biểu như các hộ: Hứa Văn Mạnh, Vy Hải Thanh, thôn Cốc Lùng đã có thu nhập trung bình từ 70 đến 100 triệu đồng mỗi năm từ rừng.
Chỉ tay về phía những vạt rừng xanh ngút ngàn, chạy dài, nối nhau từ đồi này qua đồi khác, ông Phạm Trọng Nghĩa, Chủ tịch UBND xã Vân Nham cho biết: Để từng bước thực hiện giảm nghèo bền vững trên địa bàn, UBND xã đã triển khai nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế – xã hội, trong đó chú trọng phát huy những tiềm năng tự nhiên sẵn có, tuyên truyền, vận động người dân đẩy mạnh trồng rừng kinh tế.
Riêng trong năm 2021, từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất, UBND xã đã hỗ trợ hơn 32.000 cây keo giống để người dân tiếp tục phát triển rừng. Ngoài ra, mỗi năm người dân được tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây keo và bạch đàn. Từ đầu năm đến nay, người dân trên địa bàn xã đã trồng mới được hơn 40 ha rừng.
Hiện nay, toàn xã Vân Nham có hơn 1.900 ha rừng, trong đó, riêng Đô Lương cũ đã có hơn 1.700 ha. Người dân chủ yếu trồng các loại cây như: keo, bạch đàn,.. Bà Hứa Thị Ánh, thôn Cốc Lùng cho biết: Gia đình tôi đang chăm sóc khoảng 7 ha keo để khai thác gỗ. Đối với cây keo, trung bình 5 hoặc 6 năm là cho thu hoạch, mỗi chu kỳ thu hoạch cho thu từ 300 – 400 triệu đồng. Nhờ đó, gia đình tôi có thu nhập ổn định, xây dựng được nhà cửa khang trang và chăm lo cho con cái ăn học đầy đủ.
Ngoài phát triển rừng từ các chương trình hỗ trợ, người dân trên địa bàn đã mạnh dạn tự đầu tư mở rộng quy mô trồng, vay vốn ngân hàng để chăm sóc rừng. Hiện nay, toàn xã có 52 hộ vay vốn trồng rừng từ Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển Nông thôn huyện với dư nợ trên 3 tỷ đồng. Cùng với trồng rừng, nhiều hộ dân đã mở cơ sở sản xuất gỗ bóc nhằm tận thu nguồn nguyên liệu sẵn có. Việc này không chỉ đem lại doanh thu khá, mà còn giải quyết việc làm cho hàng chục lao động địa phương.
Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hữu Lũng, trên địa bàn toàn huyện hiện nay có trên 39.500 ha diện tích đất lâm nghiệp, trong đó, diện tích rừng trồng đạt trên 17.500 ha chủ yếu là keo và bạch đàn. Trồng tập trung ở các xã: Vân Nham (Đô Lương cũ), Hòa Sơn, Hòa Thắng, Thiện Kỵ, Tân Thành,…
Ông Lăng Văn Lịch, Bí thư Đảng ủy xã Vân Nham cho biết: Khắc sâu lời căn dặn của Bác, hằng năm, xã Vân Nham đều có nghị quyết chuyên đề về trồng rừng, đưa trồng rừng trở thành nhiệm vụ trọng tâm, tiêu chí phấn đấu của từng chi bộ, thôn, xóm, hội, đoàn thể. Qua đó, diện tích rừng tăng hằng năm, người dân có thu nhập cao từ trồng rừng.
Thời gian trôi qua, bộ đồ nghề Bác tặng cho bà con Đô Lương vẫn như lời nhắc nhở mang ý nghĩa lớn lao, đó là trồng cây, gây rừng có lợi ích to lớn cả về quốc phòng và kinh tế. Trồng rừng đã góp phần quan trọng nâng cao thu nhập của người dân trong xã. Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 36 triệu đồng/người/năm, tăng 2 triệu đồng so với năm 2019; số hộ nghèo của xã giảm từ 205 hộ năm 2019 xuống còn 155 hộ năm 2020, chiếm 6,64%.
Năm 1969, Bác Hồ gửi thư khen ngợi và tặng Nhân dân các dân tộc xã Đô Lương (cũ) bộ đồ làm nghề mộc và nghề rèn vì đã có nhiều thành tích xuất sắc trong lao động sản xuất, trong đó, đặc biệt là thành tích trồng rừng. Bộ đồ Bác tặng có 26 món gồm: 2 đe, 1 khoan, 3 lưỡi bào, 5 đục, 5 rũa ba cạnh, 8 lưỡi cưa, 1 quạt gió, 1 ê tô. |
Ý kiến ()