Nhân dân tệ đến hẹn giảm
Hôm 10/10, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBC) ấn định tỉ giá tham chiếu của đồng nhân dân tệ (CNY) ở mức 6,7008 CNY/USD, giảm 0,34% so với tỉ giá tham chiếu trong phiên giao dịch trước đó, mức thấp nhất kể từ ngày 30/9/2016 và cũng là mức thấp nhất trong 6 năm qua.
Động thái điều chỉnh này không nằm ngoài dự báo trước đó của các chuyên gia kinh tế và nhà đầu tư là PBC sẽ cố gắng ổn định giá trị CNY cho đến ngày 1/10/2016, khi CNY chính thức được ghi danh vào rổ tiền SDR (quyền rút vốn đặc biệt) của Quỹ Tiền tệ quốc tế. Sau ngày 1/10, Trung Quốc phải để CNY vận hành theo thị trường. Trước đó, ngày 8/9/2016, PBC cũng đã hạ tỉ giá tham chiếu xuống 6,3639 CNY/USD sau khi cố gắng bình ổn tỉ giá xung quanh thời gian diễn ra Hội nghị thượng đỉnh các nước G20 tổ chức tại Hàng Châu trong hai ngày 4-5/9/2016.
Mặc dù mức độ giảm giá của CNY sau mỗi đợt điều chỉnh không quá sâu, nhưng với một đồng tiền bị kiểm soát quá chặt chẽ như CNY thì đây là biến động khá cao và đáng lo ngại. Dòng vốn lại chảy ra ngoài, mỗi khi CNY giảm giá.
Sau công bố của PBC, tỉ giá giao dịch trong ngày 10/10 tại Thượng Hải có lúc giảm xuống 6,7029 CNY/USD, tỉ giá giao dịch tại Hongkong thậm chí giảm xuống 6,7091 CNY/USD. Trong khi đó, tỉ giá CNY ngày 10/10 trên thị trường tài chính phố Wall đóng cửa ở mức 6,7235 CNY/USD, một mức chênh lệch đáng kể so với tỉ giá trên thị trường trong nước. Chưa dừng lại ở đó, tỉ giá trong ngày 11/10 tiếp tục giảm thêm 0,04% so với phiên giao dịch trước xuống 6,7201 CNY/USD. Như vậy, trong 8 phiên giao dịch gần nhất, CNY liên tục xu hướng giảm và đã mất giá tổng cộng khoảng 0,7%, ghi nhận đợt mất giá dài nhất của đồng tiền này trong vòng hơn 2 năm qua. Từ đầu năm nay, CNY đã giảm 3,3% so với USD.
Bên cạnh động thái phá giá đầy bất ngờ, cách tính mới sẽ sử dụng tỉ giá đóng cửa của phiên hôm trước với biên độ giao dịch hằng ngày là ±2%, thay cho quy trình không rõ ràng trước đây của PBC đã khiến thị trường tiền tệ bị rối loạn và dẫn đến những nhận định về mức độ sụt giảm của đồng tiền này trong tương lai. Phá giá là động thái “cực chẳng đã” do những yếu kém nội tại của nền kinh tế Trung Quốc và là hệ quả tất yếu của tình trạng lệ thuộc quá mức vào vốn đầu tư trong suốt 3 thập kỷ qua, nhất là sau khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009. Tuy nhiên, phá giá hơn nữa sẽ châm ngòi cho làn sóng tháo chạy của dòng vốn, qua đó tác động tiêu cực trở lại đến nền kinh tế.
Trong năm 2015, thị trường chứng khoán Trung Quốc chao đảo đã dẫn đến làn sóng đào thoát dòng vốn ra nước ngoài và gây áp lực giảm giá đối với CNY, buộc Chính phủ Trung Quốc phải tiếp tục bổ sung thanh khoản thông qua các công cụ định lượng, hạn chế chuyển đổi CNY sang USD. Những biện pháp này buộc các doanh nghiệp Trung Quốc phải sử dụng CNY trong giao dịch thanh toán ở nước ngoài. Tuy nhiên, phần lớn doanh nghiệp Trung Quốc lại không muốn nắm giữ CNY mà tìm cách bán ngay cho ngân hàng nước ngoài do lo ngại đồng tiền này sẽ mất giá, gia tăng áp lực lên tỉ giá CNY ở nước ngoài. Xu hướng giảm giá của CNY cũng khiến các doanh nghiệp Trung Quốc phải tìm cách chuyển những khoản vay USD sang trái phiếu CNY ở trong nước, tăng thêm dòng vốn CNY trở lại Trung Quốc.
Theo ước tính của Goldman Sachs, khoảng 56% và 87% lượng vốn chảy ra nước ngoài trong tháng 7 và tháng 8 vừa qua được thực hiện thông qua thị trường CNY ở nước ngoài. Trong khi đó, Bloomberg ước tính dòng vốn chảy ra khỏi Trung Quốc trong tháng 8/2016 đạt trên 550 tỷ USD.
Tính đến tháng 9 vừa qua, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc giảm còn 3.170 tỷ USD, mức thấp nhất kể từ năm 2011. Điều này được các chuyên gia cho là PBC đã bán USD để kiềm chế đà mất giá của CNY và bình ổn thị trường trong nước trước khi đồng tiền này gia nhập giỏ tiền SDR.
Xu hướng giảm giá CNY cho thấy quốc tế hóa CNY là quá trình gian nan và CNY sẽ tiếp tục biến động giảm, việc PBC cố gắng kiềm chế đà giảm giá của đồng tiền này làm dấy lên nghi ngờ về các cam kết mở cửa thị trường của Trung Quốc. CNY trượt dốc đến mức nào, thời gian sẽ trả lời. Trong thời gian qua, một số đồng tiền trong nhóm ngoại tệ chủ chốt đều vận động theo xu hướng mất giá dần so với USD, nhất là bảng Anh và euro, chưa nói đến đồng tiền của các nước mới nổi và càng bỏ qua đồng tiền của các nước phát triển.
Theo baochinhphu.vn
Ý kiến ()