LSO-Phải khẳng định rằng, bản Tuyên ngôn độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc trước quốc dân đồng bào vào ngày 2/9/1945 mang đầy tính nhân văn, nhân đạo sâu sắc. Bởi nó vì con người, vì quyền mưu cầu hạnh phúc của nhân dân. Sự mưu cầu hạnh phúc đó không chỉ có ở dân tộc Việt Nam mà là chung cho cả nhân loại. Tuy nhiên, trên thế giới vẫn có những dân tộc này đặt ách thống trị lên dân tộc khác, giai cấp này xác lập quyền bóc lột lên giai cấp khác. Những điều ấy khi Tuyên ngôn độc lập soi vào nó như một ngọn đuốc vạch đường, xua tan màn đêm u ám không chỉ cho dân tộc Việt Nam mà tất cả các dân tộc bị áp bức trên thế giới.Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945, là tuyên ngôn của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Bản tuyên ngôn ấy được xác lập khi dân tộc ta trải qua ách đô hộ 80 năm của thực dân và hàng nghìn năm dưới chế độ phong kiến. Trong đêm trường nô lệ thì khát vọng sống, khát vọng tự do...
LSO-Phải khẳng định rằng, bản Tuyên ngôn độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc trước quốc dân đồng bào vào ngày 2/9/1945 mang đầy tính nhân văn, nhân đạo sâu sắc. Bởi nó vì con người, vì quyền mưu cầu hạnh phúc của nhân dân. Sự mưu cầu hạnh phúc đó không chỉ có ở dân tộc Việt Nam mà là chung cho cả nhân loại.
Tuy nhiên, trên thế giới vẫn có những dân tộc này đặt ách thống trị lên dân tộc khác, giai cấp này xác lập quyền bóc lột lên giai cấp khác. Những điều ấy khi Tuyên ngôn độc lập soi vào nó như một ngọn đuốc vạch đường, xua tan màn đêm u ám không chỉ cho dân tộc Việt Nam mà tất cả các dân tộc bị áp bức trên thế giới.
|
Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945, là tuyên ngôn của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Bản tuyên ngôn ấy được xác lập khi dân tộc ta trải qua ách đô hộ 80 năm của thực dân và hàng nghìn năm dưới chế độ phong kiến. Trong đêm trường nô lệ thì khát vọng sống, khát vọng tự do độc lập, mưu cầu hạnh phúc, cơm ăn áo mặc, mọi người được học hành là một mơ ước cháy bỏng. Để có mơ ước ấy, Hồ Chí Minh đã khẳng định: “ Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do độc lập ấy”. Vì vậy ngay khi Pháp bị Nhật hất cẳng, Nhật hàng đồng minh, Vua Bảo Đại thoái vị, nhân dân ta đã nhất tề đứng lên dưới ngọn cờ của Đảng – Mặt trận Việt Minh cướp chính quyền từ tay đế quốc. Trong tuyên ngôn, Hồ Chí Minh đã mượn lời trong bản tuyên ngôn dân quyền và nhân quyền của cách mạng Pháp năm 1791 và Tuyên ngôn độc lập của Mỹ năm 1776. Suy rộng ra tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng, như vậy không có lý gì dân tộc này lại đi áp bức dân tộc khác. Khi đã bị áp bức bóc lột thì họ có quyền đứng lên xoá bỏ ách áp bức bóc lột ấy để giành quyền tự do bình đẳng bác ái. Trong bối cảnh bấy giờ, mặc dù đã hai lần bán nước ta cho Nhật nhưng thực dân Pháp vẫn rắp tâm quay lại cướp nước ta một lần nữa. Bản Tuyên ngôn độc lập như một hòn đá tảng đè bẹp ý chí xâm lược của thực dân, thôi thúc đồng bào bảo vệ thành quả cách mạng. Với những lời lẽ giản dị nhưng đanh thép, Hồ Chí Minh đã minh chứng cho toàn thế giới thấy con đường giành độc lập của dân tộc ta. Cho thế giới thấy rõ quyền mưu cầu hạnh phúc là một nhu cầu tất yếu của con người. Như vậy việc giành độc lập cũng là một tất yếu, nhất là thời cơ cách mạng đã đến. Nhất là khi kẻ nói đi khai hoá văn minh đã không còn xác lập quyền thống trị, khi giai cấp phong kiến không còn đủ sức, bạc nhược trước kẻ thù của dân tộc. Giành độc lập, dân tộc Việt Nam đã phải đi suốt một chặng đường dài, máu xương bao thế hệ cha ông đã đổ, vì vậy tuyên ngôn đã khẳng định một chân lý sắt đá: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do và độc lập”. Để có thành quả của Cách mạng Tháng 8, để đi trên con đường tự do độc lập, dân tộc Việt Nam đã phải trải qua hàng trăm năm đấu tranh gian khổ và hy sinh mất mát thật lớn lao của biết bao thế hệ. Vì thế độc lập tự do càng trở nên quý giá, không có gì sánh được, khi Bác Hồ đã từng khẳng định.
66 năm đã trôi qua, nhưng mỗi lần đọc Tuyên ngôn độc lập, hình ảnh và không khí hào hùng của ngày 2/9/1945, Bác cùng quốc dân đồng bào như lại tái hiện về. Và không chỉ 66 năm. Có lẽ ngàn năm sau, Tuyên ngôn độc lập vẫn bước cùng dân tộc bởi nó mang tính nhân đạo sâu sắc, vì con người, vì quyền tự do hạnh phúc toàn nhân loại. Và đấy là điều quan trọng nhất để Tuyên ngôn độc lập mãi trường tồn.
Đông Bắc
Ý kiến ()