“Hình bóng quê nhà” sẽ là một đêm nhạc ấn tượng tái hiện lại con đường âm nhạc của nhạc sĩ Thanh Sơn thông qua 16 ca khúc nổi tiếng của ông trong một đêm duy nhất vào 20h ngày 25/10 tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
Nhạc sĩ Thanh Sơn tên thật là Lê Văn Thiện sinh ngày 1/5/1938 tại Sóc Trăng. Ông bắt đầu theo đuổi sự nghiệp âm nhạc từ năm 1959 khi đoạt giải Nhất cuộc tuyển lựa ca sĩ của Đài phát thanh Sài Gòn và nhanh chóng được mời đi hát trong ban Tiếng tơ đồng của Hoàng Trọng. Nhạc của Thanh Sơn thời kỳ đầuthường nói về tình cảm của tuổi học trò, trong đó nổi tiếng hơn hết là những bài về mùa hè. Ca khúc đầu tiên của ông là “Tình học sinh”, ra đời năm 1962, tuy nhiên chẳng được một ai lưu ý. Đến năm sau, “Nỗi buồn hoa phượng” ra đời, trở thành một trong những ca khúc nổi tiếng nhất viết về mùa hè thời đó. Tiếp theo là những ca khúc viết về đề tài học sinh: Ba tháng tạ từ, Màu áo hoa phượng, Lưu bút ngày xanh, Hạ buồn, Ve sầu mùa phượng..,ngoài ra còn có nhạc trữ tình: Nhật ký đời tôi, Trả lại thời gian, Mùa hoa anh đào…,những ca khúc này được nhiều tầng lớp khán giả đón nhận .
Nhưng ngoài đề tài học trò, ông còn có nhiều tác phẩm ở một số chủ đề khác, như những ca khúc trữ tình ca ngợi thiên nhiên: Màu hoa anh đào, Đoản xuân ca…
Thời gian trước 1973, lời ca của ông chịu ảnh hưởng của nhạc vàng: chân thật, giản dị, ít trau chuốt,.. Đến khi ông chuyển hướng sang nhạc quê hương, lời ca mới được chú trọng – theo chính ông nhìn nhận. Ngoài ra, Thanh Sơn cũng thường đem những địa danh, những đặc sản, những chuyện truyền kỳ của dân gian vào nhạc, như là một cách quảng bá hình ảnh miền quê xứ đó: Hành trình trên đất phù sa, Bạc Liêu hoài cổ…
Ông đã viết nhạc cho hầu khắp các địa danh ở miền Nam, chỉ trừ Tiền Giang, theo ông: “chưa viết được vì hai chữ Tiền Giang đưa vào nhạc khó quá. Tôi sẽ cố gắng tìm cho ra cái tứ để ca ngợi mảnh đất Tiền Giang trong thời gian tới”.
Ngoài nhạc về miền Nam, ông còn viết một số bài ca ngợi các miền khác, như bài “Non nước hữu tình” (miền Bắc), “Trở lại thành phố sương mù”, “Thương về cố đô”, “Đôi lời gửi Huế” (miền Trung), “Quê hương 3 miền” (cả 3 miền). Trong đó có bài rất nổi tiếng, như “Thương về cố đô”.
Sau sự kiện 30/4/1975, nhạc của ông bớt đi thiên hướng trữ tình. Bắt đầu từ thập niên 1990, những ca khúc mang âm hưởng dân ca của ông được đón nhận, gợi mở cho ông một hướng sáng tác mới đó là tiếp tục khai thác chất liệu dân ca Nam Bộ.
|
NSƯT Thanh Thanh Hiền sẽ thể hiện ca khúc chủ đề “Hình bóng quê nhà” |
Trong suốt thời gian từ thập niên 1970 tới thập niên 1990, Thanh Sơn là một trong những nhạc sĩ năng nổ nhất của miền Nam với những bài nhạc ca ngợi quê hương. Nhạc của ông lúc này chú trọng về ca từ, trong bài có nhiều âm sắc, phương ngữ đặc trưng Nam bộ. Nhiều bài hát trong giai đoạn này trở nên rất nổi tiếng như Hình bóng quê nhà, Hành trình trên đất phù sa, Bạc Liêu hoài cổ,…
Âm nhạc của Thanh Sơn gần gũi với đời sống của người dân Việt Nam bởi ca từ, giai điệu giản đơn nhưng rất đỗi thân quen mà bất cứ ai, khi chợt cất lên tiếng hát đều có thế thấy được một phần nào đó những cảm xúc của mình.
Một số câu hát của ông như “Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn…” hay “Nghe xuân sang thấy trong lòng chứa chan…” trở thành câu nói quen thuộc trong cuộc sống. Nhạc sĩ Thanh Sơn là người nặng lòng với quê hương đất nước Việt nam. Ông có khối lượng tác phẩm đồ sộ ngợi ca vẻ đẹp đặc trưng về phong cảnh, ẩm thực hay huyền sử, cùng những giá trị nhân văn đặc biệt của khắp mọi vùng miền trên giải đất hình chữ S.
Cho đến nay, qua nhiều giai đoạn, ông đã viết trên 500 bài hát với nhiều bài trở nên rất quen thuộc trong dân chúng. Trong đó, người “nhạc sĩ của miền Tây” có hơn 200 ca khúc viết về đề tài cảm xúc tuổi học trò, tình yêu quê hương đất nước mang âm hưởng của dân ca Nam bộ.
|
NSƯT Đức Long sẽ gửi tới khán giả ca khúc “Gợi nhớ quê hương” của Thanh Sơn |
Trong một đêm duy nhất tới đây, vào tối ngày 25/10 tại Hà Nội, chương trình Chân dung âm nhạc số 13 “Nhạc sĩ Thanh Sơn – Hình bóng quê nhà” sẽ quy tụ những giọng ca nổi tiếng của dòng nhạc quê hương như NSƯT Thanh Thanh Hiền, NSƯT Đức Long, Đình Văn, Thuỵ Long. Đặc biệt, là sự xuất hiện của Cẩm Ly – Quốc Đại đôi song ca vừa thực hiện thành công album “Tuyệt phẩm Thanh Sơn” đầu năm 2010.
Chương trình sẽ gửi tới khán giả 16 ca khúc nổi tiếng của Thanh Sơn trong quá trình hoạt động nghệ thuật của mình. Trong đó có thể kể đến Lưu bút ngày xanh, Nỗi buồn hoa phượng, Áo mới Cà Mau, Thương về cố đô, Hình bóng quê nhà…
Ý kiến ()