Nhà xe “chở” nặng các loại phí
LSO-Với số lượng xe tương đương nhau nhưng hiện nay so với xe ô tô vận chuyển hành khách hợp đồng thì xe ô tô vận chuyển hành khách tuyến cố định đang phải chi những mức phí cao gấp nhiều lần. Điều này phần nào ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh và chất lượng phục vụ.
Cảnh vắng khách trước khi xuất bến của 1 xe khách tại Bến xe phía Bắc, TP Lạng Sơn |
Hiện tại có nhiều loại hình vận tải hành khách bằng xe ô tô. So sánh mức chi phí giữa xe khách chạy tuyến cố định với các loại hình xe ô tô khác đã có nhiều sự chênh lệch đáng kể. Chỉ so với xe khách chạy hợp đồng đã thấy sự khác biệt rõ rệt. Cụ thể, theo Nghị định 86/2014/NĐ-CP “Về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô” thì xe chạy hợp đồng chỉ mất chi phí xin cấp giấy phép kinh doanh vận tải theo từng chuyến đi, còn xe chạy tuyến cố định thì “gánh” nhiều loại phí.
Trước hết, xe khách tuyến cố định phải tham gia vào 1 doanh nghiệp vận tải. Ở đấy, nhà xe phải đóng thuế hằng tháng, đóng chi phí quản lý của doanh nghiệp với mức trên dưới 1 triệu đồng. Anh Nguyễn T.T, chủ một xe khách thuộc một hợp tác xã vận tải trong tỉnh cho biết: theo quy định thì chúng tôi bắt buộc phải vào một tổ chức và thực tế mỗi tháng mất chi phí hơn 1 triệu đồng là không hề nhỏ. Ngoài những khoản chi theo quy định như thuế, chi quản lý, công đoàn chúng tôi còn phải chịu một số khoản phí khác mà theo chúng tôi là không cần thiết như: phí đồng phục cho lái xe và nhân viên phục vụ (1 chiếc áo hơn 200 nghìn) trong khi đó rất ít khi dùng đến.
Ngoài những chi phí trên cho doanh nghiệp, một xe khách tuyến cố định còn phải “gánh” chi phí bến bãi, trong khi xe khách theo hợp đồng thì không. Do chất lượng dịch vụ của các bến khác nhau nên chi phí dịch vụ của mỗi bến cũng khác. Hiện tại, Bến xe phía Bắc (thành phố Lạng Sơn) là bến xe loại II với chất lượng dịch vụ tương đối tốt, tuy nhiên giá dịch vụ lại cao hơn quá nhiều so với các bến xe của một số tỉnh, thành. Đây cũng là mối quan tâm, lo ngại của nhiều nhà xe kinh doanh tại bến. Anh Trần Văn T, chủ xe khách 50 chỗ chạy tuyến Nam Định – Lạng Sơn cho biết: hiện tại, giá dịch vụ đối với xe của tôi tại Bến xe phía Bắc là hơn 5 triệu đồng/tháng. Mức phí này cao hơn giá dịch vụ xe tôi đóng tại Bến xe Đò Quan (Nam Định). Cùng với chi phí trên, mỗi tháng xe tôi chi hơn 40 triệu đồng cho: hợp tác xã vận tải, nhân viên phục vụ, ăn uống, tiền dầu và các khoản phí không tên trên đường đi nên lợi nhuận chẳng còn là bao. Vì kinh doanh không nhiều lời lãi nên việc đầu tư phương tiện, trang thiết bị trên xe cũng hạn chế. Để tránh lỗ, xe phải vận chuyển thêm hàng hóa, phóng nhanh giành giật khách. Biết như vậy là trái quy định và mất an toàn nhưng chưa có cách nào khác. Mong sao nhà nước, doanh nghiệp kinh doanh bến có chính sách hợp lý để xe chạy tuyến cố định hoạt động ổn định và nâng cao hơn chất lượng phục vụ.
Vì chi phí nhiều, lợi nhuận ít nên chất lượng phương tiện, chất lượng phục vụ của xe khách chạy tuyến cố định thường không bằng xe chạy hợp đồng, xe “dù”. Vì lẽ đó, xe khách hợp đồng (gần 200 xe được quản lý trong toàn tỉnh) chủ yếu là những xe chất lượng cao, phục vụ nhanh, đón trả khách tận nơi nên thu hút đông lượng khách. Trong số 190 xe chạy tuyến cố định của tỉnh quản lý có những xe đã cũ, sắp hết niên hạn sử dụng nên thu hút khách là một vấn đề khó khăn. “Mục sở thị” xe biển kiểm soát 12B – 002.55 chạy tuyến Bình Gia – Lạng Sơn với 29 chỗ ngồi. Mặc dù đã đến giờ xuất bến mà trên xe mới có 4 khách. Trong số này, có khách không đi hết tuyến. Anh Nguyễn Trọng Tiến, chủ xe cho biết, hôm nào cũng vậy, tính cả chuyến đi và về, trung bình xe chỉ có khoảng 10 lượt khách. Hôm nào đông thì có đến 20 khách. Với cước giảm như hiện nay (31.000 đồng/vé) thì thu nhập của xe không được là bao.
Ông Đào Tuấn Anh, Phó trưởng Phòng Quản lý Vận tải, Phương tiện và Người lái, Sở Giao thông – Vận Tải (GTVT) Lạng Sơn cho biết: hiện xe chạy tuyến cố định đang chịu chi phí nhiều hơn so với xe chạy hợp đồng, xe “dù”. Để khắc phục tình trạng này, vừa qua, Sở GTVT đã tổ chức đối thoại với các doanh nghiệp vận tải hành khách để lắng nghe những ý kiến thắc mắc qua đó tìm hướng tháo gỡ khó khăn trong kinh doanh của các nhà xe tuyến cố định. Mới đây, Sở GTVT Lạng Sơn đã đề nghị Sở GTVT Hà Nội tăng cường quản lý xe khách hợp đồng của Lạng Sơn hoạt động trên địa bàn Hà Nội. Thời gian tới, thanh tra Sở sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động của các xe khách chạy hợp đồng, xe “dù” để tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, cân đối với xe khách chạy tuyến cố định.
HÀ MY
Ý kiến ()