Nhà vệ sinh công cộng ở thành phố Lạng Sơn: Người dân không còn “mỏi mắt” đi tìm
– Tại các đô thị hiện nay, bên cạnh xây dựng cơ sở hạ tầng thì nhà vệ sinh công cộng (NVSCC) là vấn đề cần được quan tâm. Thành phố Lạng Sơn (đô thị loại II) cũng không ngoại lệ. Chính vì vậy, thời gian qua, chính quyền thành phố đã quan tâm tới vấn đề NVSCC, đáp ứng nhu cầu của người dân và khách thăm quan du lịch, góp phần kiến tạo văn minh đô thị.
Những ngày đầu tháng 9, phóng viên đã có dịp “mục sở thị” tại hai NVSCC khu vực Công viên Chi Lăng. Khác với hình ảnh thời điểm năm 2017 trở về trước, NVSCC ở đây xuống cấp, ngập rác thải thì nay cơ sở vật chất khang trang, sạch sẽ. Ông Phan Thanh Tuân, Tổ trưởng Tổ bảo vệ Công viên Chi Lăng cho biết: Vào thời điểm dịch bệnh được kiểm soát, mỗi ngày có hàng trăm người đến vui chơi tại đây nên việc có NVSSCC ngay tại các điểm vui chơi là rất cần thiết. Ngoài việc trông nom, chúng tôi thường xuyên quét dọn, lau chùi đảm bảo không gian thông thoáng, sạch sẽ, phục vụ nhu cầu của Nhân dân.
Thành viên Tổ bảo vệ Công viên Chi Lăng, phường Chi Lăng lau dọn nhà vệ sinh công cộng phía dưới chân cầu Đông Kinh
Không riêng khu vực Công viên Chi Lăng, hiện nay, theo thống kê của Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), toàn thành phố có 13 NVSCC được đặt trên địa bàn các phường, xã, các khu vui chơi, giải trí, không thực hiện thu phí. Đơn cử như Khuôn viên lưu niệm đồng chí Hoàng Văn Thụ (phường Chi Lăng); Thành nhà Mạc, Công viên hồ Phai Loạn (phường Tam Thanh)… Mỗi nhà vệ sinh có diện tích từ 15 m2 trở lên với tổng kinh phí đầu tư hơn 50 triệu đồng/ NVSCC. Tại các điểm chợ, khu du lịch đều có nhà vệ sinh đáp ứng nhu cầu cho du khách và Nhân dân. Ngoài ra, UBND thành phố đã lắp đặt 4 NVSCC lưu động tại địa phận thôn Nà Tâm, xã Hoàng Đồng phục vụ các lái xe đường dài khi đi qua khu vực thành phố Lạng Sơn chỉ được dừng, đỗ trên quốc lộ 1A đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19.
Hiện nay, dân số thành phố Lạng Sơn có 203.284 người, mỗi năm, thành phố thu hút hơn 4 triệu lượt khách du lịch. Đặc biệt, thành phố Lạng Sơn là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của tỉnh, đã được công nhận đạt đô thị loại II. Chính vì vậy, thời gian qua, để đảm bảo vệ sinh môi trường, cảnh quan, UBND thành phố đã quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị, trong đó có việc xây dựng, sửa chữa, cải tạo lại các NVSCC. Ông Nguyễn Văn Hạnh, Chủ tịch UBND thành phố Lạng Sơn cho biết: UBND thành phố đã nghiên cứu, xây dựng kế hoạch, giao Phòng TN&MT làm đầu mối khảo sát, lấy ý kiến khu dân cư và đã tiến hành lắp đặt NVSCC cố định tại các địa điểm thuận tiện, hợp lý. Sau khi đưa vào sử dụng, UBND thành phố đã bàn giao cho từng đơn vị có liên quan trực tiếp quản lý, kiểm tra, duy trì công tác vệ sinh, tránh việc gây ô nhiễm môi trường khu vực xung quanh NVSCC.
Song song với đó, UBND thành phố chỉ đạo các đơn vị đang trực tiếp quản lý NVSCC tăng cường tuyên truyền bằng nhiều hình thức như tại các cuộc họp khối phố, qua hệ thống loa truyền thanh… từ đó, nâng cao ý thức người dân trong quá trình sử dụng. Hiện nay, các NVSCC đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu của Nhân dân trên địa bàn và khách du lịch khi đến với thành phố.
Bà Trịnh Thị Hoa, khối Đại Thắng, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn cho biết: Hằng ngày, cứ buổi chiều, tôi lại đưa các cháu ra công viên chơi. Khi các cháu có nhu cầu vệ sinh, tôi thường đưa vào NVSCC mà không cần chạy về nhà như trước nữa. Tôi thấy rất tiện và hài lòng vì tuy là nơi công cộng, phục vụ nhiều người nhưng nhà vệ sinh luôn sạch sẽ.
Có thể nói, bằng sự nỗ lực và giải pháp cụ thể, vấn đề nhà vệ sinh tại các địa điểm công cộng đã có nhiều chuyển biến, đáp ứng nhu cầu của người dân. Thời gian tới, UBND thành phố sẽ đẩy mạnh kêu gọi xã hội hóa đầu tư xây dựng NVSCC tại các khu vực công cộng; quan tâm các dự án đầu tư dịch vụ công cộng bao gồm các hạng mục NVSCC đảm bảo về số lượng và chất lượng.
Ý kiến ()