Nhà vệ sinh cho em: Công trình nhỏ, ý nghĩa lớn
– Các trường, điểm trường trên địa bàn tỉnh hầu hết đều đã có công trình vệ sinh, tuy nhiên ở một số địa bàn khó khăn, nhà vệ sinh trường học chưa được quan tâm đúng mức khiến học sinh có tâm lý e ngại, sợ đi vệ sinh. Dự án 1.000 nhà vệ sinh trường học được triển khai đã giúp các trường, điểm trường giải quyết khó khăn về vệ sinh, đồng thời nâng cao ý thức vệ sinh cá nhân, phòng bệnh cho học sinh.
Các em học sinh Trường Tiểu học Bắc Quỳnh rửa tay tại công trình nhà vệ sinh mới
Trường Tiểu học Bắc Quỳnh, xã Bắc Quỳnh, huyện Bắc Sơn trước đây đã có nhà vệ sinh, tuy nhiên, diện tích công trình còn nhỏ hẹp, chưa đáp ứng được nhu cầu. Trong năm 2023, thông qua Dự án 1.000 nhà vệ sinh trường học, nhà trường được đầu tư thêm 1 công trình vệ sinh, đến nay công trình đã hoàn thành và được đưa vào sử dụng đáp ứng nhu cầu của hơn 300 giáo viên và học sinh nhà trường.
Em Dương Thị Hải Thanh, lớp 5A2, Trường Tiểu học Bắc Quỳnh cho biết: Trước đây, trường chỉ có 1 khu vệ sinh nên mỗi khi có nhu cầu chúng em phải chờ đợi rất lâu và khá bất tiện. Đến nay, trường thêm 1 khu vệ sinh mới, chúng em có thể thoải mái sử dụng.
Thực tế cho thấy, nhà vệ sinh ở không ít trường học bị quá tải, tạm bợ hoặc đã xây dựng nhiều năm nên xuống cấp, thiếu phân khu cho học sinh nam, nữ, cho giáo viên… Hiểu được khó khăn của học sinh cũng như giáo viên tại các trường, điểm trường, từ năm 2021, Tập đoàn TH, Ngân hàng Cổ phần Thương mại Bắc Á và Quỹ Vì tầm vóc Việt đã triển khai Dự án 1.000 nhà vệ sinh trường học với mục tiêu hỗ trợ sửa chữa, xây mới các nhà vệ sinh tiêu chuẩn ở các trường học thuộc khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn. Trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, dự án được triển khai thông qua tổ chức đoàn thành niên. Trong năm 2023, dự án triển khai 30 công trình với tổng trị giá hơn 1,7 tỷ đồng, trong đó, đến nay, 27 công trình đã hoàn thành và đưa vào phục vụ học sinh tại các trường, điểm trường thuộc các huyện: Tràng Định, Văn Quan, Lộc Bình, Đình Lập, Bình Gia, Bắc Sơn. Các công trình còn lại tại huyện Cao Lộc đang tiếp tục được triển khai xây dựng, dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2023.
Chị Lê Thùy Dung, Phó Bí thư Tỉnh đoàn cho biết: Tại Lạng Sơn, các công trình bắt đầu được xây dựng từ tháng 4/2023. Để chương trình được triển khai có hiệu quả, Tỉnh đoàn chỉ đạo các huyện đoàn triển khai xây dựng công trình bảo đảm theo kế hoạch và tiến độ đã đề ra, đồng thời huy động đoàn viên, thanh niên hỗ trợ giải phóng mặt bằng, dọn dẹp vệ sinh sau khi công trình hoàn thành. Trong quá trình triển khai, chúng tôi nhận được sự quan tâm của các huyện trong việc hỗ trợ nguồn kinh phí đối ứng cho nhà trường để xây dựng công trình. Nhờ đó, công trình đã nhanh chóng được triển khai và đưa vào sử dụng.
Theo đó, mỗi công trình nhà vệ sinh tại các trường, điểm trường được hỗ trợ 57 triệu đồng. Các công trình được xây dựng gồm 3 khu vực: khu vệ sinh cho nam, khu vệ sinh cho nữ và khu rửa tay. Các nhà vệ sinh được xây dựng khang trang, sạch sẽ với nền lát gạch hoa, thiết bị vệ sinh hiện đại, có téc nước và hệ thống xả nước, đảm bảo các yêu cầu về vệ sinh theo quy chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trong đó, mỗi khu vệ sinh đều có 2 ngăn, khu vực rửa tay có 4 vòi nước đáp ứng nhu cầu sử dụng của nhiều học sinh cùng lúc. Để nâng cao hiệu quả sử dụng của các công trình, Tỉnh đoàn đã phối hợp với ban điều phối dự án, các trường học tổ chức chương trình truyền thông về nước sạch, vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, phòng bệnh lây truyền trong trường học nhằm nâng cao nhận thức của học sinh về tầm quan trọng của vệ sinh cá nhân. Cùng đó, ban giám hiệu các trường học cũng quan tâm chú trọng công tác bảo vệ, phát huy hiệu quả sử dụng các công trình, phân công các lớp định kỳ vệ sinh đảm bảo công trình luôn sạch đẹp, đáp ứng yêu cầu sử dụng của học sinh và giáo viên.
Việc đưa các công trình nhà vệ sinh của dự án vào sử dụng giúp cho học sinh có cơ hội được sử dụng nhà vệ sinh sạch sẽ, thân thiện và an toàn. Đây cũng là điều kiện để các em cải thiện sức khỏe và yên tâm học tập, đồng thời thu hút sự tham gia của đông đảo các nguồn lực xã hội đầu tư đúng hướng cho trẻ em.
Ý kiến ()