Nhà trưng bày chiến thắng Chi Lăng: Cần được đầu tư xứng tầm
(LSO) – Nhà trưng bày chiến thắng Chi Lăng (huyện Chi Lăng) là điểm đến đầu tiên trong hành trình của du khách khi đến thăm khu di tích lịch sử Chi Lăng. Thế nhưng công trình này hiện nay đã có nhiều hạng mục xuống cấp, hiện vật trưng bày nghèo nàn, không đáp ứng được nhu cầu của du khách.
“Bảo tàng lịch sử ngoài trời” thu nhỏ
Khu di tích lịch sử Chi Lăng được các nhà nghiên cứu văn hóa mệnh danh là “Bảo tàng lịch sử lớn nhất ngoài trời”. Thế nhưng những năm qua, do chưa khai thác được nên tất cả giá trị của khu di tích được thu nhỏ, “gói gọn”, thể hiện trong Nhà trưng bày chiến thắng Chi Lăng được xây dựng từ năm 1982.
Năm 2004, nhà trưng bày được xây dựng lại với quy mô mở rộng trên 1,7 ha, cùng nhiều đơn nguyên chức năng như: nhà trưng bày, nhà kho, xưởng phục chế, nhà thường trực… Đặc biệt, nổi bật và gây ấn tượng với du khách khi đi trên quốc lộ 1A đoạn qua Nhà trưng bày chiến thắng Chi Lăng là Tượng đài chiến thắng Chi Lăng được xây dựng trong khuôn viên nhà trưng bày được coi là một điểm nhấn thể hiện tinh thần đoàn kết dân tộc và khí thế chiến thắng Chi Lăng hào hùng.
Hướng dẫn viên Nhà trưng bày chiến thắng Chi Lăng thuyết minh cho học sinh đến tham quan về giá trị của các hiện vật
Năm 2014, nhà trưng bày thêm một lần nữa được thiết kế lại, sửa chữa, nâng cấp một số hạng mục. Qua nhiều năm đi vào hoạt động, Nhà trưng bày chiến thắng Chi Lăng đã đảm nhiệm được vai trò phát huy giá trị Khu di tích lịch sử Chi Lăng với nhiều đoàn tham quan, nghiên cứu đến học tập, giáo viên và học sinh đến trải nghiệm, tìm hiểu lịch sử dân tộc. Tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2019, lượng khách đến với nhà trưng bày đạt trên 4.610 lượt khách (tăng 22,6% so với cùng kỳ năm 2018).
Chị Nguyễn Thu Thủy (sinh viên Trường Đại học Văn hóa Hà Nội) cho biết: Tôi biết đến di tích lịch sử Chi Lăng từ khi còn ngồi trên ghế trường trung học. Bây giờ được đến vùng đất lịch sử này để tham quan, học tập thực tế, tôi thực sự cảm thấy rất hứng thú.
Không gian trưng bày hẹp, đơn điệu
Có thể nhận định, nhà trưng bày chiến thắng Chi Lăng với diện tích trên 1,7 ha với nhiều đơn nguyên khác nhau không khác là bao so với thiết chế của một bảo tàng. Thế nhưng trên thực tế, phòng trưng bày lại quá nhỏ hẹp, diện tích chỉ 162 m2 với số lượng hiện vật trưng bày nghèo nàn, đơn điệu. Theo số liệu thống kê của Ban Quản lý di tích và danh thắng huyện, hiện nay, nhà trưng bày có tổng số 500 hiện vật, tư liệu, trong đó trên 80% là tranh ảnh, không có hiện vật gốc.
Bên cạnh số lượng tư liệu, hiện vật hạn chế, không gian trưng bày hết sức đơn điệu, không có sự trợ giúp của công nghệ hiện đại. Thậm chí các máy móc, trang thiết bị phục vụ cho công tác trưng bày, bảo quản hiện vật cũng hết sức nghèo nàn. Tủ kính trưng bày hiện vật thường xuyên bị mốc, ố do điều kiện thời tiết và được nhân viên vệ sinh bằng phương pháp thủ công. Phòng phục chế chỉ sử dụng với chức năng một nhà kho chứa đồ không hơn không kém vì không có bất kỳ một máy móc thiết bị nào để thực hiện được chức năng như tên gọi.
Mặt khác, do diện tích phòng trưng bày chật hẹp nên các hiện vật dân tộc học được bố trí ở gầm của nhà sàn, chịu tác động khắc nghiệt của điều kiện thời tiết. Tiến sĩ Phạm Quốc Quân, Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa Việt Nam nhận định: Tôi không nói nhiều về những hạn chế trong công tác bảo tồn, tôn tạo bởi lĩnh vực này phụ thuộc vào kinh phí đầu tư và tầm nhìn quy hoạch. Điều quan tâm của tôi nghiêng nhiều về hạn chế trong công tác phát huy di tích, đặc biệt là Nhà trưng bày chiến thắng Chi Lăng. Đây được coi như một bảo tàng lịch sử thu nhỏ, tọa lạc ở vùng lõi di tích, trên đường quốc lộ huyết mạch, thế nhưng hiện nay, việc khai thác, phát huy chưa thực sự xứng tầm.
Thêm vào đó, các điều kiện phục vụ du khách (điện, nước, nhà chờ, nhà vệ sinh) cũng đang trong tình trạng xuống cấp, nền vỡ, cửa hỏng, chập điện, đèn cháy… Đội ngũ nhân viên phục vụ cũng thiếu. Cả Ban Quản lý di tích và danh thắng huyện có 8 người, trong đó có 2 hướng dẫn viên làm nhiệm vụ giới thiệu, hướng dẫn khách tham quan tất cả các di tích trên địa bàn. Vì thế, vào những dịp cao điểm, ban quản lý phải thuê thêm người. Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng phục vụ du khách.
Cơ sở vật chất, kỹ thuật nghèo nàn, chất lượng phục vụ chưa tốt là nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng thời lượng tham quan nhà trưng bày của phần lớn khách du lịch chỉ gói gọn trong khoảng 1 tiếng. Cũng từ đó, công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống và phát huy giá trị di tích còn khá mờ nhạt, chưa gây được ấn tượng sâu sắc cũng như chuyển tải, thể hiện được cốt lõi, bản chất, tầm vóc của sự kiện lịch sử.
Trao đổi về vấn đề trên, bà Đinh Thị Thao, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Chi Lăng cho biết: Nhà trưng bày chiến thắng Chi Lăng là trung tâm, điểm đến đầu tiên trong hành trình tham quan Khu di tích lịch sử Chi Lăng. Thế nhưng thời điểm hiện tại, nhà trưng bày không đáp ứng được nhu cầu du khách. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tham mưu, huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng mở rộng không gian trưng bày; ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin để tăng tính sinh động cho hoạt động giáo dục truyền thống lịch sử; quy hoạch thêm khu vực biểu diễn trang phục, trò chơi dân gian truyền thống để du khách trải nghiệm, có thêm những ấn tượng sâu sắc về văn hóa và con người Chi Lăng trước khi bắt đầu hành trình tham quan các điểm di tích.
Ý kiến ()