Nhà trắng lại "đau đầu" vì vụ nghe lén
Vụ bê bối Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ (NSA) cài "rệp" và đọc lén thư điện tử ở phạm vi toàn cầu đã phủ bóng đen lên quan hệ của Mỹ với nhiều nước, trong đó có cả các đồng minh phương Tây.
Vụ bê bối Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ (NSA) cài “rệp” và đọc lén thư điện tử ở phạm vi toàn cầu đã phủ bóng đen lên quan hệ của Mỹ với nhiều nước, trong đó có cả các đồng minh phương Tây.
Nay, Nhà trắng lại tiếp tục “đau đầu” khi LHQ tuyên bố sẽ điều tra về cáo buộc NSA do thám tình báo đối với cả cơ quan này.
Người phát ngôn của Tổng Thư ký LHQ Pha-han Hác vừa ra tuyên bố nêu rõ, LHQ sẽ tiến hành điều tra cáo buộc về việc các cơ quan tình báo Mỹ đã gài các thiết bị theo dõi tại Trụ sở LHQ ở Niu Oóc, đồng thời cảnh báo các quốc gia phải tôn trọng luật pháp quốc tế. Theo đó, LHQ đang lên kế hoạch liên lạc với các cơ quan chính phủ Mỹ có liên quan trong vụ bê bối do thám tình báo này. Ông P.Hác nhấn mạnh, hoạt động của LHQ nói riêng và các tổ chức quốc tế nói chung được bảo vệ bởi luật pháp quốc tế, cụ thể là Công ước Viên 1961, mà các quốc gia thành viên có nghĩa vụ phải tuân theo để bảo vệ tính bất khả xâm phạm của hoạt động ngoại giao. Do đó, chính quyền Mỹ có nghĩa vụ trả lời quan ngại của các nước.
Trước đó, tạp chí Tấm gương của Ðức số ra ngày 25-8 vừa qua đã công bố các tài liệu do cựu nhân viên của Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA) E.Xnâu-đơn cung cấp cho biết, NSA đã theo dõi nhiều cơ quan quốc tế, trong đó có trụ sở LHQ ở Niu Oóc. NSA đã xâm nhập hệ thống truyền hình hội nghị nội bộ của LHQ và bẻ khóa mật mã của hệ thống này vào mùa hè năm ngoái. Ngoài ra, NSA còn tiến hành do thám phái bộ Liên hiệp châu Âu (EU) sau khi cơ quan này chuyển đến địa chỉ mới ở Niu Oóc trong tháng 9-2012 cũng như bí mật theo dõi hơn 80 đại sứ quán và lãnh sự quán trên thế giới trong một chương trình mang tên “Dịch vụ thu thập đặc biệt”. Tài liệu của NSA hối thúc phải giữ bí mật về sự tồn tại của chương trình này bằng mọi giá, vì nếu bị rò rỉ thì “quan hệ với các nước sở tại sẽ bị phương hại nghiêm trọng”.
Vụ bê bối nghe lén nói trên đã gây ra khủng hoảng niềm tin giữa Mỹ với các đồng minh EU. Giới chức EU công khai chỉ trích và lên án mạnh mẽ việc NSA cài “rệp” tại văn phòng của các đối tác châu Âu, cũng như xâm nhập hệ thống máy tính nội bộ của EU để thu thập tin tức tình báo. Các nhà lãnh đạo nhiều nước EU nhấn mạnh, “bóng ma” Chiến tranh lạnh này là “không thể chấp nhận” trong bối cảnh Mỹ và EU là đồng minh. Họ cũng cho rằng, việc Mỹ theo dõi các nước đồng minh là vượt quá giới hạn và là hành động “không thể tha thứ”.
Vụ bê bối nghe lén này không chỉ ảnh hưởng quan hệ Mỹ-EU mà còn làm cho quan hệ Nga-Mỹ đang trong quá trình “tái khởi động” trở nên xấu đi sau khi Mát-xcơ-va cung cấp quy chế tị nạn cho E.Xnâu-đơn. Ðể đáp trả, Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma đã quyết định hủy cuộc gặp cấp cao với người đồng cấp Nga V.Pu-tin dự kiến diễn ra vào tháng 9 tới, mặc dù ông vẫn sẽ tham dự Hội nghị cấp cao G-20, gồm các nền kinh tế đang phát triển và phát triển hàng đầu được tổ chức tại Xanh Pê-téc-bua, Nga.
Chương trình “giám sát thông tin” nói trên của Mỹ
cũng bị các nước Mỹ la-tinh, vốn được coi là “sân sau” của Mỹ, lên án mạnh mẽ. Bộ trưởng Ngoại giao Bra-xin A.Pa-tri-ô-ta cảnh báo, hoạt động do thám điện tử và viễn thông của Mỹ tạo sự ngờ vực giữa các nước, dẫn tới làm suy yếu sự hợp tác quốc tế trong cuộc chiến chống khủng bố. Ông Pa-tri-ô-ta nêu rõ, hoạt động gián điệp của NSA vi phạm chủ quyền của các nước bị theo dõi. Theo ông, đấu tranh chống khủng bố là hợp pháp và không ai nghi ngờ điều này, song nếu các hoạt động đó gây phương hại quan hệ giữa các quốc gia thì đó là vấn đề. Thay vì tạo môi trường hợp tác chống khủng bố, hoạt động do thám của Mỹ có thể phủ bóng đen lên quan hệ giữa các nước.
Trong khi đó, Chính quyền Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma tiếp tục chia rẽ về những tiết lộ chung quanh hoạt động của NSA. Tám nghị sĩ Mỹ đã đồng loạt lên tiếng yêu cầu Bộ trưởng Tư pháp E.Hâu-đơ trả lời về thông tin NSA đã cung cấp cho Cơ quan kiểm soát ma túy (DEA) các tin tức tình báo không liên quan hoạt động chống khủng bố do lo ngại cơ quan này đang vượt quá thẩm quyền. Trong yêu cầu gửi Bộ Tư pháp, tám quan chức chính phủ nêu rõ, những cáo buộc mới nhất đã làm gia tăng lo ngại về các lỗ hổng trong chính sách và pháp luật tạo điều kiện cho các cơ quan tình báo chính phủ vượt quá thẩm quyền. Dự kiến, vấn đề này sẽ được thảo luận trong các cuộc họp kín của chính phủ vào tháng 9 tới.
Vụ bê bối về chương trình theo dõi và giám sát thông tin của Mỹ kể trên đã làm uy tín của chính quyền Oa-sinh-tơn giảm mạnh trên trường quốc tế, thậm chí ngay trong “con mắt” của người dân những nước EU vốn “thân thiện” với Mỹ. Kết quả một cuộc khảo sát do Trung tâm nghiên cứu Pew tiến hành mới đây cho thấy, tỷ lệ ủng hộ các chính sách quốc tế của Mỹ giảm mạnh tại hầu hết các quốc gia được thăm dò. Trong đó, tại Anh và Pháp con số sụt giảm lần lượt là 14% và 12% so với thời kỳ cách đây một năm.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()