Vừa về Hà Nội chuẩn bị cho việc ra mắt cuốn Nhật ký Đặng Thùy Trâm bản tiếng Nga mà ông cùng bạn bè tổ chức dịch, nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng hết sức bận rộn. Với ông, đây là một sự kiện văn hóa có ý nghĩa, đồng thời là nhiệm vụ thiêng liêng. Giữa hai cuộc hẹn làm việc, ông đã dành cho chúng tôi cuộc trò chuyện trước ngày ra mắt cuốn sách tại Việt Nam.
– Thưa ông, nhiều năm nay ông sống ở nước Nga, vậy ông đã tiếp xúc với Nhật ký Đặng Thùy Trâm như thế nào?
– Trong một chuyến bay về nước năm 2006, tôi nhìn thấy cô chiêu đãi viên ngồi bật đèn đọc chăm chú một cuốn sách. Thường thì đi đâu tôi đều mang theo sách để đọc, nhưng chuyến bay ấy tôi lại lỡ để mấy cuốn sách trong vali gửi theo hành lý. Khi máy bay ổn định độ cao, mọi người ngủ hết nhưng tôi vẫn không ngủ được. Nhân lúc cô gái gấp sách đi làm nhiệm vụ, tôi lại gần hỏi mượn cuốn sách mà cô ấy đang đọc dở, cô ấy vui vẻ đưa cho tôi. Và tôi đã đọc một mạch Nhật ký Đặng Thùy Trâm như thế, trong gần suốt chặng đường bay từ Mátxcơva về đến Nội Bài.
Về đến Hà Nội, tôi gọi điện cho một người quen của tôi, nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn, để xin điện thoại gia đình liệt sĩ Đặng Thùy Trâm. Ngay buổi tối ngày hôm đó, tôi cùng với thầy giáo cũ của tôi, thầy Phan Huy Tuấn, và nhà thơ Vũ Quần Phương tới thăm bà Doãn Ngọc Trâm- mẹ của chị Thùy Trâm. Và trong khi thắp hương cho liệt sĩ Đặng Thùy Trâm, tôi nói với gia đình: “Cháu sẽ cố gắng tạo điều kiện tổ chức dịch cuốn nhật ký này ra tiếng Nga”. Đó là năm 2006. Và từ đó, tôi như bị mắc một món nợ, cho đến năm 2011, tôi vẫn chưa thực hiện được.
– Thế rồi cuốn Nhật ký đã được dịch ra tiếng Nga như thế nào ạ?
-Suốt từ năm 2006 đến năm 2011, tôi làm bằng mọi cách nhưng vẫn không thực hiện được lời hứa của mình. Để dịch và in ấn một cuốn sách không thể không có kinh phí. Mãi đến tháng 6-2011, trong một cuộc gặp tình cờ với các thành viên CLB May Thăng Long – Mátxcơva, tôi mới biết hóa ra họ cũng có ý tưởng này từ lâu rồi. Thế là họ ủy thác cho tôi đứng ra làm và họ sẵn sàng tài trợ.
Đến đầu tháng 7-2011, tôi bay về Hà Nội gặp bà Doãn Ngọc Trâm xin phép và báo tin cho gia đình biết. Lúc đó tôi mới có thể bắt tay thực hiện lời hứa của mình. Mặc dù đã sống ở Nga 25 năm và cũng thường xuyên đi về Việt Nam, nhưng tôi lượng thấy, việc dịch cuốn sách này nằm ngoài khả năng của mình.
Tôi mời dịch giả dịch giả Tiến sĩ A.Xocolov và Tiến sĩ Lê Văn Nhân cộng tác. Socolov là TS Lịch sử, giảng dạy văn học, tác giả cuốn Từ điển Việt – Nga. TS. Lê Văn Nhân là Chủ nhiệm khoa Tiếng Nga trường ĐH Ngoại ngữ Hà Nội, lúc đó anh Nhân đang dạy ở Vlavostok. Nhân một buổi gặp gỡ ở Đại sứ quán Việt Nam tại LB Nga nhân ngày báo chí cách mạng Việt Nam 21-6, tôi tổ chức lễ ký kết dịch Nhật ký Đặng Thùy Trâm với CLB May mặc Thăng Long với sự chứng kiến của ĐSQ. Sau đó bắt đầu tiến hành dịch.
– Đây là một cuốn nhật ký, vậy khi có ý định chuyển ngữ cuốn sách sang tiếng Nga, các ông có nghĩ đến việc sẽ vượt qua trở ngại về mặt tâm lý tiếp nhận của người Nga không?
– Đúng, đây là một cuốn nhật ký, tức là chỉ viết cho mình, cho một người, cùng lắm thì hai người, chứ không dành cho mọi người. Là nhật ký nên có những tầng ký ức, tầng ngữ nghĩa mà có khi chỉ người viết mới hiểu được. Điều nữa, viết nhật ký là không bao giờ chữa, vì vậy người dịch buộc phải tôn trọng văn phong, từ ngữ và nhiều khi phải chạy theo nó để suy diễn, để hiểu. Hơn nữa, trong tiếng Việt, có những đại từ mà chuyển sang tiếng Nga rất khó, như từ “em”. Em có thể là em trai, có thể là tình nhân…
Cùng với TS. Socolov và TS. Lê Văn Nhân, chúng tôi trao đổi với nhau hằng ngày, chữa từng đoạn một, liên tục suốt một năm qua. Chúng tôi còn được dịch giả Đoàn Tử Huyến, người có nhiều năm kinh nghiệm làm sách, dịch sách và đồng thời cũng am hiểu văn hóa ngôn ngữ Nga chỉnh sửa. Sau đó, khi bản thảo đã hoàn thiện rồi, tôi còn nhờ hai nhà văn Nga hiệu đính. Bà ấy chữa xong lại nhờ thêm một người nữa cùng tôi và anh Socolov ngồi lại rà soát lần cuối. Cuối cùng, tôi nhờ ông Koleznhic Nicolai Nicolaevik- chuyên gia Nga công tác tại Hội Cựu chiến binh Việt Nam viết lời tựa cho cuốn sách. Bài viết của ông rất xúc động, trong đó có một bài thơ…
Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm bản tiếng Nga. |
– Nhưng tại sao, sách không in ở nước Nga, mà ông lại chọn in ở Việt Nam, cũng như tổ chức ra mắt ở Việt Nam trước ?
– In ở Nga, đặc biệt Matxcơva quá đắt, nằm ngoài khả năng kinh phí của chúng tôi. Còn in ở TP Tula cách Mátxcơva 200km thì rẻ hơn một chút nhưng chúng tôi không có điều kiện đi về liên tục trong thời gian dài khi in sách. Cuối cùng, chúng tôi chọn in tại NXB Thế giới, Hà Nội, cùng với sự hợp tác xuất bản của Trung tâm VH Ngôn ngữ Đông Tây. Sách vừa in xong nên chúng tôi tổ chức giới thiệu ở Việt Nam trước, là một cách để kính báo với bạn bè, công chúng trong nước và gia đình liệt sĩ Đặng Thùy Trâm. Sau ngày Quốc khánh 2-9, chúng tôi sẽ tổ chức ra mắt cuốn sách tại Nga. Có một điều tôi muốn nói, cuốn sách này dịch ra hoàn toàn không phải để đánh bóng tuổi tên, không để mua danh và cũng không nhằm mục đích kinh doanh. Chúng tôi dịch, in ra để phát miễn phí cho bạn đọc Nga. Hiện nay tôi đã liên hệ với Hội Cựu chiến binh Nga, Quỹ Hòa Bình Nga, Hội Hữu nghị Nga Việt, các trường phổ thông Nga, các trung tâm giảng dạy tiếng Việt Mát xcơva, và các công ty của Việt Nam có người Nga làm việc để tặng sách miễn phí cho họ.
– Điều đó chứng tỏ sự giúp đỡ của CLB May Thăng Long về mặt kinh phí là rất lớn?
– Đúng, vai trò cực kỳ quan trọng để cuốn sách ra đời chính là sự tài trợ vô tư của CLB May Thăng Long – Mátxcơva, ngay khi bắt đầu dịch những trang đầu tiên cho đến khi ra đời một cuốn sách rất đẹp như bây giờ. Anh Đỗ Quý Dương, chủ nhiệm CLB, rồi thì các anh Ngô Viết Tuấn, Nguyễn Mạnh Cường là ủy viên BCH CLB, họ là những nhà kinh doanh, nhưng qua việc này họ thực sự là những người làm văn hóa.
– Nhật ký của nữ bác sĩ, liệt sĩ Đặng Thùy Trâm, ngay tại thời điểm ra đời, đã gây hiệu ứng mạnh mẽ trong xã hội. Còn đối với riêng ông, một nhà thơ có nhiều năm sống và làm công tác dạy học tại nước Nga, thì điều gì trong cuốn nhật ký đã gây ấn tượng và ám ảnh với ông đến thế?
– Nhật ký của Đặng Thùy Trâm đúng là một hiện tượng. Một cuốn sách mà tôi có thể cảm nhận qua từng trang viết về một con người đầy nghị lực và đức hy sinh. Tấm lòng của chị, tâm hồn của chị thấm đẫm trong từng trang viết. Có thể nói không quá rằng, chỉ là một cuốn nhật ký nhưng phản ánh tâm hồn của dân tộc. Qua một con người hiểu một thế hệ, hiểu được một phần dân tộc. Cái lớn nhất là đức hy sinh. Trong toàn bộ cuốn nhật ký, gần như chị ít nói về mình, nỗi buồn riêng tư cũng là dành cho đất nước, bè bạn. Có lẽ, đó là những điều mà thế hệ chúng tôi được nuôi dưỡng, tạo dựng. Đó là những giá trị tinh thần của xã hội, mà bây giờ phần nào đang bị chìm lấp đi. Cũng chính vì thế mà tôi muốn những người bạn Nga của tôi hãy đọc cuốn sách, để hiểu hơn về thế hệ tôi, về đất nước tôi. Đó cũng là sự thanh lọc cho tâm hồn, cho cuộc sống.
– Có điều gì chung giữa tinh thần Nga, văn hóa Nga mà chúng ta thường thấy trong những tác phẩm văn học với cuốn Nhật ký Đặng Thùy Trâm ? Thực tế thì có thể nói nhiều thế hệ thanh niên Việt Nam ở thế kỷ trước đã ảnh hưởng rất lớn cái tinh thần văn hóa ấy, lý tưởng ấy, mà liệt sĩ Đặng Thùy Trâm có thể nói cũng không nằm ngoài?
– Lý tưởng, sự nhân bản, khát khao cống hiến và đức hy sinh, điều đó thể hiện rất rõ. Tôi không ngạc nhiên khi trong cuốn nhật ký có chép gần như kiểu thuộc lòng những đoạn văn dài trong cuốn Thép đã tôi thế đấy. Tôi chắc rằng người Nga đọc cuốn Nhật ký Đặng Thùy Trâm sẽ cảm thấy sự gần gũi đặc biệt, mặc dù chị Trâm chưa đặt chân đến nước Nga bao giờ.
– Như ông vừa nói, nhật ký là của riêng một người, và chắc nữ bác sĩ Đặng Thùy Trâm cũng không định viết cho ai khác và có lẽ càng không nghĩ nó sẽ trở thành một tác phẩm văn học?
– Cho đến bây giờ, Nhật ký Đặng Thùy Trâm đã được dịch ra 18 thứ tiếng. Trên thế giới có những cuốn sách như Nhật ký Anna Frank, Viết dưới giá treo cổ của Phuxich chẳng hạn, xuất phát điểm không phải là tác phẩm văn học (hư cấu), nhưng khi ra đời sống xã hội thì nó hoàn toàn có giá trị như một tác phẩm văn học. Cuốn nhật ký của liệt sĩ Đặng Thùy Trâm cũng vậy. Bản thân chị Trâm không phải nhà văn, chị là một bác sĩ chiến trường, cuốn nhật ký chỉ là những ghi chép vội vàng trong hoàn cảnh đặc biệt. Nhưng có thể thấy qua cuốn sách hình tượng của nhân vật, của thế hệ, dù không chủ tâm xây dựng nhưng vẫn hiện lên đủ đầy đúng nghĩa. Toàn bộ hiện thực sống của một cuộc chiến tranh được tái hiện rất sinh động. Ngôn ngữ rất tuyệt vời. Đã qua nhiều năm sau khi được viết ra, bây giờ đọc vẫn thấy máu, thấy lửa, thấy nước mắt, thấy cả từng nhịp đập trái tim của người viết. Và bản thân tôi tin rằng, nếu làm được một việc gì đó từ cuốn nhật ký của mình để cho thế hệ sau hiểu về cuộc chiến đấu, về tinh thần của một thế hệ thì đó là việc nên làm. Đó cũng là lý do thôi thúc tôi trong việc tổ chức dịch cuốn sách này ra tiếng Nga. Tôi muốn những người bạn Nga của tôi đọc nó.
– Văn học Việt Nam hiện tại có được biết đến nhiều ở nước Nga không?
– Trước đây thì văn học Việt Nam được dịch khá nhiều. Từ thơ Xuân Quỳnh, Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Anh Thơ, cho đến các tác phẩm văn xuôi như Con trâu của Nguyễn Văn Bổng, rồi Rừng xà nu của Nguyên Ngọc… Nhưng kể từ năm 1992, nghĩa là trong khoảng thời gian 20 năm, không một cuốn sách nào của văn học Việt Nam được dịch ra tiếng Nga. Vì thế, cuốn sách này cũng là mở đầu cho việc trở lại của những tác phẩm văn học Việt Nam khác, để các bạn Nga mới hiểu rằng, Việt Nam là một đất nước có lịch sử và văn hóa lâu đời.
– Vâng, xin cám ơn nhà thơ về cuộc trò chuyện. Chúc ông thành công trong những dự định mới của mình.
Ý kiến ()