Nhà thầu "ngoại", tiến độ thi công "rùa"
Trong thời gian qua tại một số dự án lớn về xây dựng Giao thông Vận tải khối lượng xây lắp do các nhà thầu nước ngoài trúng thầu và thực hiện chiếm gần 90% khối lượng xây lắp của cả dự án. Nhưng do nhiều lý do khác nhau, tiến độ thi công của các dự án này luôn bị chậm, ảnh hưởng đến việc hoàn thành dự án theo kế hoạch đề ra. Đây cũng là vấn đề chính được bàn thảo tại Hội nghị do Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) tổ chức ngày 6/6, tại Hà Nội. * Tiến độ chậm do “trời mưa” ? Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải thăm, kiểm tra tiến độ thi công Dự án tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai Ảnh: dantri.vnTheo báo cáo của Cục quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT), nhiều dự án lớn như: Dự án xây dựng đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai, Dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng mặc dù Bộ GTVT đã có sự kiểm tra, chỉ đạo thường xuyên cùng với sự tháo gỡ...
Trong thời gian qua tại một số dự án lớn về xây dựng Giao thông Vận tải khối lượng xây lắp do các nhà thầu nước ngoài trúng thầu và thực hiện chiếm gần 90% khối lượng xây lắp của cả dự án. Nhưng do nhiều lý do khác nhau, tiến độ thi công của các dự án này luôn bị chậm, ảnh hưởng đến việc hoàn thành dự án theo kế hoạch đề ra. Đây cũng là vấn đề chính được bàn thảo tại Hội nghị do Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) tổ chức ngày 6/6, tại Hà Nội.
* Tiến độ chậm do “trời mưa” ?
Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải thăm, kiểm tra |
Theo báo cáo của Cục quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT), nhiều dự án lớn như: Dự án xây dựng đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai, Dự án đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng mặc dù Bộ GTVT đã có sự kiểm tra, chỉ đạo thường xuyên cùng với sự tháo gỡ khó khăn kịp thời của các chủ đầu tư nhưng các nhà thầu “ngoại” vẫn không thực hiện được tiến độ thi công đề ra như kế hoạch. Thậm chí có những gói thầu chậm tới 48,59% theo kế hoạch (hợp đồng gốc 67,49% nhưng mới đạt 18,9%). Để thanh minh cho vấn đề trên, các nhà thầu “ngoại” đã viện dẫn ra rất nhiều lý do như chậm giải phóng mặt bằng, thiết kế kỹ thuật có vấn đề, năng lực thi công của các nhà thầu phụ hạn chế…và một lý do cũng rất quan trọng là do trời mưa nên không thể triển khai thi công được. Đại diện tư vấn giám sát của Dự án xây dựng đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai đã đưa ra một nhận xét rất “hóm hỉnh” rằng, một số nhà thầu chính của dự án trước khi tham gia đấu thầu đã “quên” nghiên cứu về thời tiết ở Việt Nam. Chính điều này đã đặt ra câu hỏi về năng lực thi công quốc tế của một số nhà thầu “ngoại” dù đã rất có thương hiệu như POSCO, KeangNam. Cụ thể như tại Dự án xây dựng đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai được khởi công từ tháng 9/2009 nhưng đến nay giá trị sản lượng do các nhà thầu nước ngoài thực hiện mới đạt 26,9%, giá trị giải ngân (kể cả tạm ứng) đạt 28,9%.
Đánh giá về tiến độ thi công của Dự án trên, đại diện tư vấn giám sát của dự án phải thừa nhận là quá chậm. Thậm chí, Trưởng tư vấn giám sát đã không giấu được bức xúc khi đưa ra ý kiến: nếu như ở các nước khác, với tiến độ thi công như tại Dự án xây dựng đường cao tốc Hà Nội- Lào Cai, các giám đốc thi công đã bị thay thế từ lâu. Bởi có rất nhiều khu vực không bị vướng mắc về mặt bằng, cơ chế tài chính nhưng các nhà thầu vẫn không triển khai máy móc, công nhân ra công trường. Ngoài ra, đại diện tư vấn giám sát cũng chỉ ra những yếu kém của một số nhà thầu “ngoại” tại các dự án xây lắp công trình giao thông ở Việt Nam. Đầu tiên là sử dụng quá nhiều nhà thầu phụ thiếu năng lực thi công, cá biệt có gói thầu nhà thầu chính ký với 20 nhà thầu phụ dẫn tới thiếu sự kiểm soát chặt chẽ chất lượng và tiến độ thi công. Nhiều nhà thầu chính, thầu phụ khi tham gia đấu thầu có cam kết tài chính rất bài bản nhưng khi trúng thầu và thi công đã không thực hiện được như cam kết. Một số nhà thầu “ngoại” khi trúng thầu đã mất rất nhiều thời gian để triển khai vì còn phải nghiên cứu cơ chế xây lắp, giấy phép thi công, bảo hiểm…tại Việt Nam.
* Nhiều lỗ hổng trong quản lý chất lượng
Do các nhà thầu chính của các dự án là “ngoại”, đa số đều mới lần đầu đảm nhận thi công kết cấu hạ tầng giao thông ở Việt Nam, nên chưa quen với điều kiện và quy trình công nghệ ở Việt Nam (thậm chí cả quy trình công nghệ quốc tế), chưa quen với phong tục, tập quán cũng như các điều kiện tự nhiên của Việt Nam. Chính điều này đã dẫn tới công tác huy động nhân sự và thiết bị của các nhà thầu chính ở hầu hết các gói thầu đều không đạt theo kế hoạch phê duyệt. Một số nhà thầu chính phải thông qua các nhà thầu phụ Việt Nam để huy động thiết bị và nhân sự vận hành dẫn tới không chủ động được tiến độ trong điều hành và bị ảnh hưởng bởi thầu phụ. Tại một số dự án lớn như Dự án Nội Bài – Lào Cai và một số gói thầu của Hà Nội- Hải Phòng các nhà thầu chính chỉ trực tiếp thi công một phần rất nhỏ tại gói thầu còn lại giao cho các nhà thầu phụ. Đánh giá về công tác quản lý chất lượng của Cục quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT) cũng cho thấy, vật liệu đưa vào công trình một số vị trí chưa thực hiện nghiêm túc thí nghiệm theo quy định, có hiện tượng một số gói thầu vẫn sử dụng máy san để rải nên khó kiểm soát được độ ẩm, đồng nhất của cấp phối, cao độ và độ bằng phẳng.
Tư vấn giám sát của các dự án trên còn đưa ra ý kiến nhận xét: một số nhà thầu đã thi công không đúng theo chỉ dẫn kỹ thuật, công tác kiểm soát chất lượng nội bộ của các nhà thầu chưa thực hiện nghiêm túc, cá biệt có gói thầu nhà thầu chính phó mặc cho nhà thầu phụ…dẫn tới chất lượng ở một số hạng mục không đảm bảo. Việc quản lý điều hành của các giám đốc điều hành ở một số gói thầu còn nhiều hạn chế, yếu kém như tại gói thầu A5 của Dự án xây dựng đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai, chủ đầu tư đã phải thay thế giám đốc nhiều lần. Các công ty mẹ chưa có sự hỗ trợ tích cực cho các công ty con trong quá trình thực hiện dự án, đặc biệt là hỗ trợ về vốn và nhân sự chủ chốt nên dẫn đến thiếu vốn để thi công, công tác điều hành lúng túng, thụ động. Công tác tư vấn giám sát cũng còn bộc lộ một số hạn chế như tư vấn nước ngoài đã sử dụng tư vấn trong nước theo phương thức tuyển từ tổ chức tư vấn tư nhân nên trong quá trình thực hiện các tư vấn giám sát không đảm bảo chất lượng và thường xuyên phải thay đổi.
* Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp
Trước thực trạng trên, để đẩy nhanh tiến độ các dự án, Bộ GTVT đã yêu cầu các bên liên quan, đặc biệt là nhà thầu chính của dự án nghiêm túc thực hiện đồng bộ các giải pháp như: thường xuyên kiểm tra hệ thống quản lý chất lượng tại công trường của nhà thầu, tổ chức giám sát chặt chẽ hoạt động của tư vấn giám sát xây dựng trong quá trình thi công công trình. Nâng cao tinh thần trách nhiệm, trình độ nghiệp vụ và kỹ năng quản lý để kiểm soát chặt chẽ về chất lượng trong quá trình thi công xây dựng, nghiệm thu vật tư, vật liệu đưa vào xây lắp , nghiệm thu công trình và hạng mục công trình. Các nhà thầu chính phải kiên quyết xử lý các nhà thầu tư vấn, xây lắp vi phạm về chất lượng, tiến độ thực hiện theo tiêu chuẩn của dự án và các quy định hiện hành; kiểm soát chặt chẽ đối với nhà thầu phụ trong dự án cũng như các nhân sự trong tư vấn giám sát.
Đối với các tổ chức tư vấn giám sát xây dựng cần nghiêm túc thực hiện theo hợp đồng giám sát xây dựng với chủ đầu tư; tuân thủ và thực hiện đầy đủ các nội dung đã được quy định trong hợp đồng và các quy định hiện hành về giám sát xây dựng. Các chủ đầu tư cần kiểm soát và yêu cầu các nhà thầu xây dựng tuân thủ chỉ dẫn kỹ thuật đã được phê duyệt. Kiểm tra sự phù hợp năng lực của nhà thầu thi công xây dựng so với hồ sơ dự thầu và hợp đồng xây dựng bao gồm: nhân lực, thiết bị thi công đưa vào công trường, các cơ sở sản xuất cung cấp vật liệu, cấu kiện, sản phẩm xây dựng phục vụ thi công xây dựng. Chỉ nghiệm thu công trình khi đảm bảo chất lượng, kiên quyết loại trừ những sản phẩm nhà thầu thực hiện không đúng yêu cầu kỹ thuật, không tuân thủ trình tự thi công.
Để đảm bảo tiến độ thi công của dự án, các nhà thầu cần mở rộng thêm nguồn cung ứng vật liệu cho công trình đảm bảo đạt yêu cầu chất lượng. Các nhà thầu cũng cần đề nghị các công ty mẹ (hoặc Văn phòng chính ở nước ngoài) có sự quan tâm, hỗ trợ về năng lực tài chính và nhân lực chủ chốt cho nhà thầu chính tại một số gói thầu chính đang bị chậm tiến độ. Đặc biệt là nhà thầu KeangNam thi công gói thầu A4 và A5 dự án xây dựng đường cao tốc Nội Bài- Lào Cai. Các nhà thầu cũng cần phối hợp chặt chẽ với các Ban GPMB các tỉnh thành tập trung hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng theo đúng quy hoạch; phối hợp với các địa phương, cơ quan, tổ chức để di dời xong các công trình tiện ích trên mặt bằng thi công.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()