LSO-Vấn đề nhà ở đô thị tại Lạng Sơn chưa chịu nhiều sức ép như các thành phố lớn khác, tuy nhiên, với tốc độ đô thị hóa nhanh chóng hiện nay, việc đáp ứng được nhu cầu nhà ở đô thị ngày một tăng cao cũng đòi hỏi những chiến lược phát triển thực sự căn cơ. Một góc thành phố Lạng Sơn thuộc vùng ven xã Mai Pha đang trong quá trình đô thị hóaTheo số liệu của Cục Thống kê Lạng Sơn, toàn tỉnh hiện có gần 180 nghìn ngôi nhà, đến nay, tỉnh đã cơ bản giải quyết vấn đề chỗ ở trong nhân dân, diện tích sàn đạt 13.266.500m2, bình quân đạt 18,6m2/người, bằng mức trung bình của cả nước. Các khu vực đô thị trên địa bàn tỉnh có tổng số 39.677 ngôi nhà, với tổng diện tích khoảng trên 3 triệu m2 (chiếm 23,3%) tương đương với diện tích sàn bình quân đạt khoảng 20m2/người. Thành phố Lạng Sơn có diện tích nhà ở bình quân trên đầu người cao nhất trong tỉnh, vào khoảng 22,5m2. Nhà ở tại các đô thị khác và tại các điểm đô thị cửa khẩu có diện...
LSO-Vấn đề nhà ở đô thị tại Lạng Sơn chưa chịu nhiều sức ép như các thành phố lớn khác, tuy nhiên, với tốc độ đô thị hóa nhanh chóng hiện nay, việc đáp ứng được nhu cầu nhà ở đô thị ngày một tăng cao cũng đòi hỏi những chiến lược phát triển thực sự căn cơ.
Một góc thành phố Lạng Sơn thuộc vùng ven xã Mai Pha đang trong quá trình đô thị hóa
Theo số liệu của Cục Thống kê Lạng Sơn, toàn tỉnh hiện có gần 180 nghìn ngôi nhà, đến nay, tỉnh đã cơ bản giải quyết vấn đề chỗ ở trong nhân dân, diện tích sàn đạt 13.266.500m2, bình quân đạt 18,6m2/người, bằng mức trung bình của cả nước. Các khu vực đô thị trên địa bàn tỉnh có tổng số 39.677 ngôi nhà, với tổng diện tích khoảng trên 3 triệu m2 (chiếm 23,3%) tương đương với diện tích sàn bình quân đạt khoảng 20m2/người. Thành phố Lạng Sơn có diện tích nhà ở bình quân trên đầu người cao nhất trong tỉnh, vào khoảng 22,5m2. Nhà ở tại các đô thị khác và tại các điểm đô thị cửa khẩu có diện tích bình quân đầu người từ 18 – 21,5m2. So với cả nước, Lạng Sơn vẫn là tỉnh có tốc độ đô thị hóa thấp và tốc độ phát triển nhà ở thuộc loại trung bình. Nhìn chung, chất lượng nhà ở tại Lạng Sơn đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu sử dụng và phục vụ tích cực cho sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, những năm gần đây, tốc độ đô thị hóa tại Lạng Sơn đang có xu hướng diễn ra nhanh và mạnh hơn, nhu cầu về nhà ở tại khu vực đô thị ngày càng cao. Đây cũng là sự tất yếu trong quá trình phát triển, nhưng để nhà ở đô thị phát triển đúng định hướng, đúng quy hoạch, đảm bảo chất lượng cuộc sống cho người dân và không tạo nên sức ép về công tác quản lý thì những chiến lược về phát triển nhà ở đô thị cần được xây dựng ngay từ bây giờ. Hiện nay, nhiều địa phương đang bị rơi vào tình trạng “bất lực” trong việc quản lý nhà ở đô thị do thiếu quy hoạch hoặc quy hoạch chậm một bước so với tốc độ phát triển đô thị, đây chính là bài học mà Lạng Sơn đang hết sức tránh và vẫn còn khả năng tránh được nếu công tác quy hoạch và xây dựng chiến lược phát triển nhà ở được thực hiện kịp thời.
Lạng Sơn hiện đang dần bước tới ngưỡng dân số 1 triệu người, trong đó cơ cấu dân số dồn về thành thị sinh sống có xu hướng tăng mạnh. Theo số liệu thống kê về lao động phi nông nghiệp tại khu vực đô thị của Liên đoàn Lao động tỉnh, toàn tỉnh hiện có 14.098 lao động làm trong các doanh nghiệp. Dự ước lao động đã có nhà ở đạt 70%, còn khoảng 4.500 lao động chưa có nhà ở (chiếm 30%), đối tượng chủ yếu là công nhân trẻ tập trung ở khu vực doanh nghiệp tư nhân. Số người làm trong các cơ quan hành chính, sự nghiệp là 31.630 người. Đối tượng chưa có nhà ở trong khối này chiếm khoảng 20%, tương đương 6.300 người. Qua 2 số liệu trên có thể thấy nhu cầu về nhà ở đô thị tại Lạng Sơn hiện đang tăng mạnh, đặc biệt là nhu cầu về nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp, nhà ở học sinh, sinh viên, nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp….Đó là chưa kể việc gia tăng nhu cầu mang tính “đột biến” trong tương lai như nhu cầu nhà ở cho lao động trong Khu KTCK Đồng Đăng – Lạng Sơn khi khu vực này chính thức đi vào hoạt động. Theo ước tính, diện tích nhà ở của tỉnh năm 2015 sẽ là gần 17 triệu m2, số căn hộ cần xây mới là trên 7.200 căn; năm 2020 diện tích nhà ở tăng lên gần 20 triệu m2 (tăng gần 7 triệu m2 so với hiện nay), số căn hộ cần xây mới là gần 6000 căn. Trước sức ép về nhu cầu sử dụng đất xây dựng nhà ở, Lạng Sơn vẫn phấn đấu diện tích bình quân nhà ở toàn tỉnh năm 2015 đạt 22m2 sàn/người (đô thị 26m2); năm 2020 là 25m2 sàn/người (đô thị 29m2). Đây là những con số thể hiện rõ sức ép về nhà ở đô thị trên địa bàn tỉnh những năm tới. Trong quá trình xây dựng Đề án phát triển nhà ở tỉnh Lạng Sơn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, cơ quan soạn thảo đặc biệt lưu ý đến nhu cầu nhà ở đô thị trong tương lai và sức ép của nhu cầu này lên quy hoạch, kế hoạch xây dựng, phát triển đô thị Lạng Sơn. Giải pháp được đưa ra hiện nay là việc tăng cường cơ cấu vốn đầu tư cho nhà ở đô thị, đặc biệt là nhà ở xã hội; đẩy mạnh thu hút đầu tư cho nhà ở đô thị, tập trung vào các dự án khu đô thị mới có quy mô lớn, hiện đại, đạt chuẩn quy hoạch, hạ tầng hoàn chỉnh (Lạng Sơn hiện có 17 dự án khu đô thị mới, khu tái định cư);chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các mục tiêu phát triển và chính sách phát triển nhà ở theo chiến lực của Quốc gia; gắn chặt quy hoạch phát triển nhà ở với các quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội.
Việc phát triển nhà ở đô thị thường gắn chặt với 3 yếu tố: sự phát triển của cơ sở hạ tầng, biến động về giá cả đất đai, việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của nhà nước, đặc biệt là quy hoạch sử dụng đất. Lường trước được sức ép về nhu cầu nhà ở đô thị trong tương lai, đồng thời quản lý, nắm bắt tốt biến động, dự báo chính xác nhu cầu, triển khai nghiêm túc các quy hoạch, kế hoạch phát triển… Lạng Sơn sẽ tránh được tình trạng khó khăn trong quản lý và định hướng phát triển nhà ở như các địa phương khác đã và đang gặp phải hiện nay.
Trúc Lam
Ý kiến ()