Nhà ở cho công nhân - có ưu đãi nhưng vẫn thiếu và khó tiếp cận
Có nhiều chính sách ưu đãi phát triển nhà ở xã hội và hỗ trợ công nhân, người lao động tiếp cận với nhà ở xã hội. Tuy nhiên, công nhân, người lao động vẫn khó tiếp cận và vẫn phải đi thuê nhà trong các khu chật hẹp, ẩm thấp, tạm bợ. Đó là ý kiến của nhiều công nhân, người lao động.
Đại diện các cơ quan, bộ, ngành hữu quan cho biết, vấn đề vẫn đang được giải quyết, sẽ có nhiều chính sách ưu đãi để thúc đẩy phát triển nhà ở cho công nhân, người lao động trong thời gian tới…
Vấn đề công nhân quan tâm, bức xúc nhất
“Ra Hà Nội dự diễn đàn Người lao động với Quốc hội thì nhớ chuyển các vấn đề mà rất nhiều công nhân đang quan tâm, bức xúc, nhất là vấn đề nhà ở cho công nhân nhé!”, chị Đào Thị Loan (công nhân Công ty TNHH Công nghiệp Hài Mỹ, tỉnh Bình Dương) mở đầu phần nêu kiến nghị của mình với Quốc hội bằng những lời nhắn nhủ từ bạn bè, đồng nghiệp như vậy. Chị nói, công nhân từ khắp nơi trên đất nước về Bình Dương hay các khu công nghiệp ở các tỉnh, thành phố khác làm việc hầu hết đều phải thuê nhà trọ với diện tích rất chật hẹp, ẩm thấp, tạm bợ. Vì thế, đội ngũ công nhân lao động rất vui mừng khi biết thông tin Chính phủ đã có đề án xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho công nhân và người có thu nhập thấp, nhưng họ cũng rất buồn khi thấy báo chí loan tin doanh nghiệp chưa mặn mà trong việc xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân.
Nhà ở xã hội tại khu đô thị Đặng Xá, Hà Nội. Ảnh: TUẤN ANH |
Quốc hội đang xem xét dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) có nội dung cho phép Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được tham gia đầu tư nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho công nhân. Cho rằng nếu có quy định như vậy, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ có điều kiện thuận lợi để triển khai các dự án nhà ở xã hội cho công nhân, chị Đào Thị Loan mong Quốc hội sớm thông qua quy định này, đồng thời kiến nghị Chính phủ và chính quyền các địa phương dành kinh phí xứng đáng cho việc xây dựng nhà ở cho công nhân, người có thu nhập thấp.
Thực tế, thời gian qua, các cơ quan hữu quan đã có nhiều nỗ lực để hỗ trợ công nhân, người có thu nhập thấp mua, thuê mua nhà ở xã hội. Gần đây nhất, ngày 1-4-2023, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2023-2030 để đẩy mạnh triển khai chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ.
Theo đó, chủ đầu tư sẽ được tiếp cận khoản vốn tín dụng với lãi suất 8,7%/năm, người mua nhà được vay với lãi suất 8,2%/năm. Tuy nhiên, theo anh Nguyễn Minh Sơn, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH SWCC Showa Việt Nam, công nhân lao động cho rằng mức lãi suất 8,2% vẫn là quá cao, quá sức chịu đựng của người có thu nhập thấp, thời gian ưu đãi trong 5 năm cũng là quá ngắn, gây tâm lý bất an cho công nhân, người lao động khi vay. “Thực tế gần như công nhân lao động chưa tiếp cận được nguồn vốn này”, anh Nguyễn Minh Sơn nói, trước khi nêu đề xuất Quốc hội giám sát và yêu cầu Chính phủ có giải pháp về vấn đề trên.
Góp tiếng nói về vấn đề này, anh Nguyễn Việt Anh (đoàn viên công đoàn Tổng công ty Cổ phần Bưu chính Viettel) nêu thực tế có nhiều gia đình công nhân 4-5 người phải ở trong một căn phòng trọ tồi tàn, chỉ rộng chừng 10m2, bố mẹ phải nằm dưới sàn để nhường giường cho các con. Có trường hợp nữ công nhân sắp đến ngày sinh nhưng vẫn bị chủ đòi nhà. Có trường hợp công nhân bị nợ lương, không có tiền về quê đón Tết nên phải ở lại, nhưng cũng không đủ khả năng thanh toán tiền thuê nhà, bị chủ nhà trọ yêu cầu dọn đi. Những trường hợp như vậy đã rất may mắn vì có tổ chức công đoàn hỗ trợ kịp thời. Đặc biệt, trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, do công nhân phải ở trong khu trọ chật hẹp, bí bách, đông người nên tỷ lệ lây nhiễm và tử vong cũng cao hơn. “Chúng tôi rất mong Quốc hội, Chính phủ quan tâm đặc biệt đến vấn đề này để công nhân an cư lạc nghiệp”, anh Nguyễn Việt Anh nói.
Sẽ có thêm nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ
Theo Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang, những vấn đề mà công nhân, người lao động nêu cũng là mối quan tâm, trăn trở của Đảng, Nhà nước, tổ chức công đoàn trong quá trình thực thi trọng trách được nhân dân giao phó.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, Chính phủ đã có nhiều giải pháp để triển khai đề án đầu tư phát triển 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động; giao cho các địa phương từng chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể. Chẳng hạn như dành quỹ đất để đầu tư phát triển nhà ở xã hội; có chính sách khuyến khích, hỗ trợ nhà đầu tư triển khai đầu tư phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng là gói hỗ trợ thông qua các ngân hàng thương mại, hỗ trợ chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và hỗ trợ đối tượng mua nhà ở xã hội, mua nhà ở công nhân với mức lãi suất giảm hơn so với mức bình thường từ 1,5%-2%. Trong quá trình triển khai gói này cũng phát sinh một số vấn đề và Thủ tướng đã giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có hướng dẫn, giải đáp.
Ngoài gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cũng cho biết thêm, thời gian qua, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển KTXH; Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển KTXH và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình. Trong đó có quy định gói hỗ trợ cho cá nhân, hộ gia đình mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân trị giá 15.000 tỷ đồng với mức lãi suất ưu đãi 4,8%/năm và gói tín dụng hỗ trợ nhà ở trị giá 30.000 tỷ đồng dành cho cả người mua nhà và nhà đầu tư xây dựng nhà ở xã hội…
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng chia sẻ thông tin, hiện nay, Quốc hội đang xem xét dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), trong đó có vấn đề ưu đãi hỗ trợ đầu tư phát triển nhà ở xã hội, nhà ở lưu trú cho công nhân. Ví như quy định địa phương có trách nhiệm bố trí quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội phù hợp với nhu cầu của công nhân, người lao động trên địa bàn; quy định về chính sách miễn giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho chủ đầu tư tiếp cận đất đai phát triển dự án nhà ở xã hội… Dự án luật cũng có chính sách rất mới về chủ trương phát triển xây dựng khu lưu trú cho công nhân thuê với giá ưu đãi và chủ đầu tư xây dựng nhà lưu trú cho công nhân trong các khu công nghiệp cũng được hưởng chính sách ưu đãi tương tự như với chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phân tích, theo quy định của Luật Nhà ở, chúng ta không chỉ thực hiện chủ trương giúp người dân, người lao động được sở hữu nhà mà quan trọng hơn là phải giải quyết được vấn đề có chỗ ở cho người dân, người lao động. Trong đó có 3 hình thức: Công nhân mua đứt để sở hữu nhà ở; thuê nhà lưu trú trong khu công nghiệp và thuê mua (trả góp) nhà ở. Về đề xuất Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là một chủ thể đầu tư xây dựng các dự án nhà ở xã hội, Chủ tịch Quốc hội cho biết vấn đề này đang còn nhiều ý kiến khác nhau và cũng còn liên quan đến nhiều dự án luật khác (như Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công…). Quốc hội đang xem xét, nghiên cứu, làm rõ để quyết định cả mấy dự án luật này trong kỳ họp tháng 10-2023, hy vọng có thể giải quyết được vấn đề mà công nhân và người lao động quan tâm.
Về vấn đề anh Nguyễn Việt Anh nêu, Chủ tịch Quốc hội nêu quan điểm, đó cũng là vấn đề “lệch pha” giữa công nghiệp hóa và hiện đại hóa. Nơi có nhiều khu công nghiệp lại thiếu chung cư nên hầu hết công nhân, người lao động phải đi thuê nhà bên ngoài. “Nếu công nghiệp hóa nhanh hơn đô thị hóa thì thiếu thiết chế về nhà ở, thậm chí thiếu thiết chế về văn hóa, giáo dục, y tế. Ngược lại, nếu công nghiệp hóa chậm hơn đô thị hóa thì sẽ có những khu nhà không có người ở, làm xong không có người mua”, Chủ tịch Quốc hội nói, đồng thời nhấn mạnh thêm đây không chỉ là vấn đề liên quan tới luật pháp mà còn là vấn đề của quy hoạch, kế hoạch…
Nguồn:https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/nha-o-cho-cong-nhan-co-uu-dai-nhung-van-thieu-va-kho-tiep-can-736590
Ý kiến ()