Nhà nước luôn quan tâm công tác bảo hộ công dân Việt Nam
Năm 2014, tình hình thế giới có nhiều biến động. Trong đó, các cuộc xung đột vũ trang đẫm máu không chỉ xảy ra ở khu vực Trung Ðông - Bắc Phi mà còn diễn ra ngay cả ở một nước Ðông Âu là U-crai-na. Hàng triệu người dân ở khu vực Bắc Phi đã bị tác động tiêu cực của xung đột, nhất là lao động nước ngoài ở Li-bi. Bên cạnh đó, nhằm giữ ổn định an ninh trước những thách thức mới, trong đó có những mối đe dọa khủng bố, nhiều nước siết chặt việc quản lý cư trú cũng như cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài và điều này đã tác động trực tiếp đến hàng trăm nghìn lao động di cư, trong đó có lao động Việt Nam ở châu Á và châu Phi. Những biến chuyển mới của tình hình thế giới đã và đang đặt công tác bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài trước những thách thức mới.
Trong khi đó, cùng với quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng của nước ta, nhất là về kinh tế, số lượt công dân Việt Nam ra nước ngoài công tác, lao động, học tập, kết hôn, du lịch… tăng vọt cả về số lượng lẫn số nước đến. Ðây là những tín hiệu đáng mừng, cho thấy không chỉ Nhà nước mà cả các doanh nghiệp và nhất là người dân đã chủ động tham gia tích cực vào quá trình hội nhập quốc tế. Nhưng điều đáng lo ngại là sự chuẩn bị không đầy đủ của nhiều doanh nghiệp và công dân nước ta khi ra nước ngoài đã dẫn đến nhiều chuyện phiền phức không đáng có. Một số doanh nghiệp do thiếu hiểu biết về luật chơi khi tham gia các hoạt động thương mại ở nước ngoài đã để nảy sinh những vụ kiện tụng kéo dài, gây thiệt hại về vật chất và tốn kém thời gian. Một số ngư dân không được trang bị đầy đủ những kiến thức về vùng biển chủ quyền của nước ngoài nên đã vi phạm hải phận nước khác, đánh bắt hải sản trái phép. Phụ nữ Việt Nam đi lấy chồng ở nước ngoài không hề được trang bị những kiến thức cần thiết về văn hóa, tập quán của nước mà mình đến làm dâu dẫn đến những câu chuyện đau lòng; nhiều người bị nhà chồng đuổi về hoặc không bảo lãnh cho nhập tịch, trở thành những người không quốc tịch và bơ vơ ở nước ngoài. Ngoài ra, vẫn còn tình trạng khách du lịch người Việt đi ra nước ngoài gặp những phiền phức do mang theo những thứ thuộc diện cấm xuất hoặc nhập khẩu.
Trong thời gian qua, các phương tiện truyền thông và in-tơ-nét, các mạng xã hội đã có tác động mạnh đối với công tác bảo hộ công dân. Tuy nhiên, không phải lúc nào thông tin từ những nguồn này cũng được phản ánh chính xác, thậm chí nhiều khi còn bị “trầm trọng hóa” theo kiểu giật gân, câu khách, khiến dư luận trong nước hoang mang. Cá biệt có những thông tin gây hiểu lầm cho cả các nước hữu quan, ảnh hưởng đến quan hệ đối ngoại.
Trong bối cảnh phức tạp đó, công tác bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài luôn được lãnh đạo Ðảng, Nhà nước, Chính phủ và Bộ Ngoại giao đặc biệt quan tâm. Trong năm 2014, chúng ta đã hồi hương an toàn 1.762 lao động người Việt Nam ở Li-bi về nước với sự tham gia phối hợp của Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, các đại sứ quán của nước ta tại Li-bi, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Ðức, Pháp, Trung Quốc và của Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines. Tổ chức di cư quốc tế (IOM) đánh giá cao sự cố gắng và thành công của đợt sơ tán này vì trong chiến dịch sơ tán hơn 10 nghìn lao động cũng từ Li-bi về nước năm 2010 và 2011, nước ta còn cần sự hỗ trợ cả về tài chính và phương tiện của IOM cũng như nhiều nước khác. Tại U-crai-na, ngay từ khi chiến sự mới nổ ra, Ðại sứ quán nước ta ở Ki-ép đã chủ động lên kế hoạch sơ tán công dân để báo cáo về nước và sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã nhanh chóng phối hợp các tổ chức người Việt hỗ trợ hàng trăm gia đình sơ tán khỏi vùng có chiến sự, đến những khu vực an toàn hơn, giải quyết thủ tục nhanh chóng cho những gia đình có nguyện vọng về nước lánh nạn, dùng Quỹ bảo hộ công dân để mua nhu yếu phẩm cho những gia đình bị mất hết tài sản. Hiện nay Bộ Ngoại giao cũng đang trao đổi với Nga và một số nước khác cho phép đồng bào ta được tạm lánh nạn sang những nước này. Tại Trung Quốc, Ðại sứ quán và các Tổng Lãnh sự quán nước ta đã tích cực phối hợp các cơ quan chức năng của nước sở tại xử lý các vụ việc nghiêm trọng liên quan công dân nước ta bị bắt giữ hoặc chết ở Trung Quốc. Ðại sứ quán nước ta tại Ma-lai-xi-a đã tích cực làm việc với Bộ Ngoại giao Ma-lai-xi-a, các cơ quan quản lý trại giam, cơ quan nhập cư để bảo đảm việc bắt, giam giữ, xét xử tuân thủ quy định của pháp luật và bảo đảm các quyền của công dân Việt Nam.
Công tác bảo hộ công dân từ trước đến nay luôn nhận được sự quan tâm to lớn của Ðảng và Nhà nước cũng như của toàn xã hội. Trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của công dân Việt Nam ở nước ngoài được quy định trong Hiến pháp, Luật Tổ chức Chính phủ. Theo đó, quyền của công dân được Nhà nước bảo hộ khi các quyền và lợi ích chính đáng của họ bị xâm phạm ở nước ngoài. Ðây là hai mặt của một vấn đề. Tuy vậy, mức độ hiểu biết và quan tâm đến trách nhiệm (của các bộ, ngành, doanh nghiệp) và quyền (của công dân) chưa phải lúc nào cũng được quán triệt và thực hiện thấu đáo. Hiện tượng “mang con bỏ chợ” của một vài doanh nghiệp môi giới xuất khẩu lao động, doanh nghiệp vận tải biển cần phải được chấn chỉnh. Cơ quan chức năng cũng cần xử lý nghiêm các trường hợp xuất khẩu lao động chui và các tổ chức đưa người xuất cảnh bất hợp pháp, cũng như môi giới hôn nhân trái phép.
Mặt khác, từng người dân khi ra nước ngoài còn cần phải có ý thức tự bảo vệ mình, tránh những nơi nguy hiểm, tôn trọng phong tục, tập quán nước bạn và nếu gặp khó khăn, hoạn nạn cần chủ động có cách giải quyết, tự cứu mình trước khi có sự trợ giúp của Nhà nước thông qua cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự. Mỗi người dân khi ra nước ngoài, cần phải biết số điện thoại, địa chỉ của đại sứ quán hay tổng lãnh sự quán Việt Nam ở gần mình nhất ghi nhớ số máy bảo hộ công dân mà Bộ Ngoại giao phối hợp với Viettel vận hành từ đầu năm nay ( 84-4-62-844-844).
Theo Nhandan
Ý kiến ()