Nhà nước độc quyền với 20 loại hàng hóa, dịch vụ
Bộ Công Thương vừa trình Chính phủ cho ý kiến về dự thảo Nghị định về hàng hóa, dịch vụ, địa bàn thực hiện độc quyền nhà nước trong hoạt động thương mại.
Theo dự thảo này, sẽ có 20 loại hàng hóa, dịch vụ thực hiện độc quyền nhà nước.
Dự thảo được xây dựng nhằm mục đích cụ thể hóa quy định tại khoản 4 điều 6 Luật Thương mại 2005: Nhà nước thực hiện độc quyền Nhà nước có thời hạn về hoạt động thương mại đối với một số hàng hóa, dịch vụ hoặc tại một số địa bàn để bảo đảm lợi ích quốc gia. Chính phủ quy định cụ thể danh mục hàng hóa, dịch vụ, địa bàn độc quyền Nhà nước.
Theo Bộ Công Thương, việc ban hành Nghị định sẽ góp phần nâng cao tính minh bạch, thống nhất và đầy đủ của hệ thống pháp luật về độc quyền nhà nước trong hoạt động thương mại. Ngoài ra, còn góp phần tăng cường môi trường cạnh tranh lành mạnh khi minh bạch rõ phạm vi độc quyền nhà nước cũng như các quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp có liên quan, qua đó tạo sự yên tâm tin tưởng và khả năng giám sát của các thành phần kinh tế khác về sự can thiệp của nhà nước vào nền kinh tế thông qua luật pháp.
Theo dự thảo, độc quyền nhà nước trong hoạt động thương mại là hoạt động thương mại chỉ do cơ quan nhà nước có quyền thực hiện hoặc các doanh nghiệp nhà nước được giao thực hiện.
Dự thảo cũng khẳng định: Chỉ thực hiện độc quyền nhà nước trong hoạt động thương mại với các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu mà nhà nước cần phải độc quyền liên quan đến quốc phòng, an ninh, bảo đảm lợi ích quốc gia hoặc các thành phần kinh tế khác không có nhu cầu và khả năng tham gia.
Theo Bộ Công Thương, các chủ thể thực hiện độc quyền nhà nước phải chịu cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ về các hành vi khi thực hiện độc quyền, sử dụng vốn nhà nước theo quy định của pháp luật doanh nghiệp, pháp luật cạnh tranh, pháp luật về giá, pháp luật quản lý và sử dụng vốn nhà nước.
Dự thảo quy định Danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện độc quyền nhà nước trong hoạt động thương mại gồm:
1. Hàng hóa, dịch vụ phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh (Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an hướng dẫn thực hiện cụ thể)
2. Sản xuất, mua bán, xuất nhập khẩu vật liệu nổ công nghiệp
3. Sản xuất vàng miếng
4. Xuất khẩu, nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng
5. Phát hành xổ số kiến thiết
6. Nhập khẩu thuốc lá điếu, xì gà (trừ hàng miễn thuế)
7. Hoạt động dự trữ quốc gia
8. In, đúc tiền
9. Phát hành tem bưu chính Việt Nam
10. Sản xuất, mua bán, xuất nhập khẩu, vận chuyển, tàng trữ pháo hoa và các dịch vụ liên quan
11. Truyền tải, điều độ hệ thống điện quốc gia, xây dựng, vận hành thủy điện đa mục tiêu và điện hạt nhân có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về kinh tế-xã hội
12. Vận hành hệ thống đèn biển, hệ thống luồng hàng hải công cộng
13. Quản lý, vận hành, khai thác đài thông tin duyên hải
14. Dịch vụ không lưu, dịch vụ thông báo tin tức hàng không, dịch vụ tìm kiếm cứu nạn
15. Quản lý, khai thác hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị do Nhà nước đầu tư
16. Quản lý, khai thác hệ thống công trình thủy lợi, thủy nông liên tỉnh, liên huyện, kè biển trong trường hợp giao kế hoạch
17. Cung ứng dịch vụ lâm nghiệp tại rừng đặc dụng (trừ khu rừng bảo vệ cảnh quan được Nhà nước giao cho tổ chức kinh tế)
18. Xuất bản (không bao gồm in và phát hành)
19. Duy trì, quản lý, khai thác mạng bưu chính công cộng
20. Cung ứng dịch vụ công ích trong hoạt động phát hành báo chí
Theo baochinhphu.vn
Ý kiến ()