Nhà nông làm giàu từ trồng cam
– Với mong muốn phát triển kinh tế, làm giàu trên mảnh đất quê hương, ông Dương Văn Dũng (sinh năm 1961), phố Trần Đăng Ninh, thị trấn Bắc Sơn, huyện Bắc Sơn đã mạnh dạn đưa cây cam Canh về trồng tại khu đất đồi của gia đình. Với những nỗ lực, tìm tòi, ngày đêm miệt mài ươm những trái ngọt trên đồi cao, đến nay, ông Dũng đã có thu nhập trên 1 tỷ đồng mỗi năm từ vườn cây ăn quả.
Sinh ra trong gia đình thuần nông nên từ nhỏ, ông Dương Văn Dũng đã sớm gắn bó với công việc đồng áng. Sau khi học hết THPT, ông ở nhà phụ giúp bố mẹ làm ruộng vườn. Năm 1987, ông lập gia đình và phát triển kinh tế từ việc thu mua thuốc lá sấy khô của bà con các xã lân cận bán cho thương lái. Công việc chỉ theo mùa vụ, thu nhập không cao.
Ông Dương Văn Dũng chăm sóc vườn cam Canh
Ông Dũng chia sẻ: Một lần tình cờ xem chương trình trên ti vi, tôi thấy hình ảnh những vườn cam Canh trĩu quả cho hiệu quả kinh tế cao, từ đó tôi đã ấp ủ ý định phát triển giống cam này. Năm 2013, tôi mua một khu đất đồi rộng hơn 2 ha ở gần thị trấn để cải tạo trồng cam Canh. Đầu năm 2014, tôi lặn lội về huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên để mua 1.300 cây cam Canh giống về trồng.
Do đây là giống cây ăn quả mới ở địa phương nên ông Dũng đã phải mày mò tìm hiểu, nghiên cứu nhiều tài liệu trên mạng Internet, sách, báo học tập kinh nghiệm. Sau 2 năm trồng, cây bói quả và cho thu 7 tạ mang về gần 35 triệu đồng. Nhận thấy hiệu quả kinh tế, ông đầu tư xây bể chứa nước và hệ thống ống dẫn nước tưới để thuận lợi cho việc tưới tiêu, chăm sóc.
Với quy trình chăm sóc hợp lý nên vườn cam Canh của gia đình ông Dũng năm nào cũng trĩu quả ngọt và mọng nước, sản lượng liên tục tăng qua các năm. Năm 2020, vườn cam của gia đình ông cho thu hoạch trên 25 tấn, bán với giá dao động từ 40 đến 60 nghìn đồng/kg, nhờ đó, ông có thu nhập trên 1 tỷ đồng. Khách hàng mua cam chủ yếu ở Hải Dương, Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
Không dừng lại ở đó, cuối năm 2020, ông Dũng chuyển đổi 1,7 ha diện tích đất canh tác kém hiệu quả sang trồng cam Canh, nâng tổng diện tích vườn cam của gia đình lên trên 4 ha. Để cây cam Canh phát triển tốt và năng suất cao theo ông Dũng, người trồng phải chăm sóc khá công phu, áp dụng quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt. Trong đó, yếu tố quan trọng nhất để cây ra hoa như mong muốn là theo dõi chặt chẽ thời tiết và thời điểm chăm sóc. Để đảm bảo cam sạch và an toàn, ông cũng hạn chế sử dụng phân bón hóa học, bón bổ sung bột đỗ tương vào thời điểm cây nuôi quả.
Riêng vụ cam năm 2021 này, ông Dũng ước tính sản lượng cam đạt trên 40 tấn. Nếu với giá thành như năm trước, doanh thu sẽ đạt khoảng 2 tỷ đồng. Nhận thấy cây cam Canh phát triển tốt, cho chất lượng quả cao và giá trị kinh tế vượt trội so với các loại cây trồng khác, nhiều hộ dân trong vùng đã tìm đến mô hình của ông để học tập kinh nghiệm, ông Dũng đều tận tình chia sẻ.
Ông Dương Đức Cường, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Bắc Sơn cho biết: Ông Dũng là một trong những nông dân tiêu biểu trong phát triển mô hình trồng cây ăn quả mang lại thu nhập cao trên địa bàn huyện. Ông luôn chịu khó, tâm huyết trồng cam Canh. Ngoài năng động phát triển kinh tế, ông còn nhiệt tình hướng dẫn kỹ thuật cho người dân có nhu cầu học hỏi phát triển giống cam này tại địa phương.
Với những cố gắng, nỗ lực trong phát triển kinh tế, ông Dương Văn Dũng không chỉ mang lại thu nhập cao cho gia đình mà còn tạo việc làm thời vụ cho từ 6 đến 8 lao động tại địa phương. Tháng 7/2021, ông Dũng vinh dự được Hội đồng Bình chọn danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2021” lựa chọn là 1 trong 63 nông dân tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước nhận danh hiệu này. Được biết, 63 nông dân xuất sắc lần này được lựa chọn từ 146 hồ sơ đề cử gương mặt nhà nông tiêu biểu trên cả nước.
Bình chọn và trao danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc” là hoạt động thường niên do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức từ năm 2013 đến nay nhằm vinh danh những nông dân Việt Nam xuất sắc đã đóng góp công sức, tài năng, sáng tạo vào sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông thôn, xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam vững mạnh. Qua đó, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ về mẫu hình người nông dân trong thời kỳ công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước. |
Ý kiến ()