Nhà nông làm giàu từ nghề mộc và trồng hoa giấy
– Đến xã Minh Sơn, huyện Hữu Lũng, chúng tôi được cán bộ Hội Nông dân xã giới thiệu đến cơ sở sản xuất đồ mộc của anh Nguyễn Văn Châm, (sinh năm 1979), ở thôn Đình Bé. Với đôi bàn tay khéo léo và sự sáng tạo của mình, anh đã tạo ra nhiều sản phẩm phục vụ cuộc sống. Bên cạnh đó, anh còn thành công với mô hình trồng hoa giấy cho tổng thu nhập trên 400 triệu đồng/năm.
Bước vào cơ sở sản xuất đồ mộc của gia đình anh Châm, ngay từ ngoài cổng, chúng tôi đã nghe thấy những âm thanh của tiếng máy cưa, máy xẻ, xen vào đó là tiếng cười nói rôm rả. Chia sẻ với chúng tôi về cơ duyên đến với nghề mộc, anh Châm cho biết: Sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống làm nghề mộc, sau khi học hết cấp 3, tôi đã trải qua nhiều nghề để mưu sinh, tuy nhiên, với niềm đam mê nghề mộc, năm 2001, tôi đã quyết tâm theo bố mẹ học nghề để khởi nghiệp.
Anh Nguyễn Văn Châm chăm sóc vườn hoa giấy của gia đình
Năm 2009, anh mở xưởng sản xuất những sản phẩm mộc dân dụng như: giường, tủ, cửa gỗ… quy mô nhỏ và chủ yếu nhận thi công cho một số gia đình trong huyện. Thời điểm đó, sản phẩm do anh làm ra chịu sự cạnh tranh lớn về thị trường, mẫu mã, kiểu dáng… Với lòng yêu nghề, anh không ngừng tìm hiểu, sáng tạo, tạo ra những sản phẩm ngày càng đa dạng, bắt mắt hơn.
Nhờ sự đam mê cộng với đôi tay khéo léo và óc sáng tạo, dần dần cơ sở sản xuất đồ mộc của gia đình anh Châm đã khẳng định được chỗ đứng trên thị trường, sản phẩm chiếm được lòng tin đối với khách hàng trong và ngoài huyện. Năm 2011, với số vốn tích lũy được, anh quyết định mở rộng quy mô nhà xưởng lên 150 m2. Đồng thời, mạnh dạn đầu tư 150 triệu đồng để mua các loại máy móc như: xẻ, cưa, bào… đưa vào sản xuất.
Anh Châm chia sẻ: Nghề mộc không chỉ cần sự đam mê mà còn cần có năng khiếu, óc quan sát và sự cẩn thận, tỉ mỉ trong từng công đoạn. Điều đó thể hiện trong từng nét chạm trổ, hoa văn trên sản phẩm. Do vậy, tôi không ngại khó khăn, dày công tìm tòi cái mới để “thổi hồn” vào từng sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Hằng năm, tôi đều dành thời gian đến các xưởng sản xuất đồ mộc lớn trong và ngoài tỉnh để tìm hiểu về những kỹ thuật, cách làm mới.
Mỗi năm thu nhập từ nghề mộc mang lại cho gia đình anh trên 200 triệu đồng, ngoài ra, cơ sở của anh còn tạo việc làm cho 2 lao động địa phương với thu nhập 8 triệu đồng/người/tháng.
Không dừng lại ở sản xuất đồ mộc, xuất phát từ niềm đam mê cây cảnh, năm 2019, anh tìm hiểu và lên các xã Hòa Bình, Bằng Hữu (huyện Chi Lăng) mua giống và đưa về trồng 600 cây hoa giấy tím. Sau một năm trồng và chăm sóc, từ năm 2020 đến nay, trung bình mỗi năm, anh thu nhập 200 triệu đồng từ cây hoa giấy. Thấy hiệu quả kinh tế, anh tiếp tục tự nhân giống, đến nay, anh đã cải tạo 6 sào đất trồng lúa kém hiệu quả trồng được 1.500 cây hoa giấy. Hiện nay, thị trường tiêu thụ cây hoa giấy của gia đình anh rất ổn định, thương lái đến tận vườn thu mua với giá từ 400 nghìn đồng đến khoảng 3 triệu đồng/cây. Đặc biệt, với những cây tạo thế, giá có thể cao hơn, hiện trong vườn anh Châm đã có những cây khách trả giá 30 triệu đồng/cây.
Ông Lục Văn Vĩnh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Minh Sơn nhận xét: Anh Nguyễn Văn Châm là hội viên tiêu biểu trong phát triển kinh tế của xã. Với mô hình làm mộc và trồng hoa giấy đã đem lại thu nhập cao cho gia đình. Không chỉ năng động phát triển kinh tế anh rất tích cực tham gia các phong trào của hội, của xã, đồng thời, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế cho các hội viên khác.
Ý kiến ()