Nhà nông làm giàu từ chăn nuôi
– Với tư duy nhạy bén, cùng sự mạnh dạn, quyết đoán trong phát triển kinh tế, anh Hoàng Văn Thưởng (sinh năm 1984), thôn Suối Cáp, xã Tân Văn, huyện Bình Gia đã vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương với mô hình chăn nuôi tổng hợp, đem lại thu nhập trên 300 triệu đồng/năm.
Anh Thưởng sinh ra và lớn lên tại quê hương Bình Gia. Trước đây, cuộc sống của gia đình anh chỉ chông chờ vào mấy sào lúa, chăn nuôi vài con lợn, con gà… quanh năm tất bật vất vả, nhưng chi tiêu gia đình, con cái ăn học, cuộc sống vẫn thiếu thốn đủ bề. Với suy nghĩ, trăn trở làm sao để thoát khỏi cảnh đói nghèo, sau khi tìm hiểu, tham quan học hỏi các mô hình chăn nuôi hiệu quả, cùng với số tiền gia đình tích góp được anh đã đầu tư chăn nuôi trâu.
Anh Thưởng chăm sóc đàn trâu vỗ béo
Anh Thưởng cho biết: Năm 2016, gia đình tôi nuôi 3 con trâu, vừa phục vụ sản xuất nông nghiệp vừa cải thiện nguồn thu. Để có thêm kiến thức, kỹ thuật trong chăn nuôi, tôi thường xuyên tham gia các lớp tập huấn về chăn nuôi do huyện tổ chức, nhờ đó, tôi biết đến hình thức chăn nuôi trâu, bò theo hướng nhốt chuồng. Năm 2020, gia đình đã học theo và bắt đầu nuôi trâu, bò nhốt chuồng thương phẩm với số lượng 18 con. Với hình thức này, mỗi ngày, tôi chỉ mất khoảng vài tiếng để cho trâu, bò ăn, thời gian còn lại, tôi có thể tranh thủ làm những việc khác. Năm 2021, gia đình xuất bán 8 con con trâu, bò với giá từ 35 đến 40 triệu đồng/con. Đặc biệt, để đảm bảo nguồn thức ăn cho trâu, bò, gia đình còn trồng 6 sào cỏ voi và đầu tư một máy nghiền thức ăn.
Bên cạnh chăn nuôi trâu bò, tận dụng diện tích đất đồi của gia đình, năm 2017, anh Thưởng bắt đầu triển khai mô hình nuôi dê với tổng đàn 18 con. Sau một thời gian, từ năm 2020, đàn dê của gia đình đã phát triển ổn định và đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Từ những thành công bước đầu, gia đình anh tăng đàn theo từng năm, thời điểm nhiều nhất lên đến 120 con. Nhờ được chăm sóc đúng kỹ thuật, đàn dê phát triển tốt. Hiện nay, trong chuồng nuôi luôn có khoảng 50 con dê. Trung bình, mỗi năm, gia đình anh xuất bán gần 50 con dê với giá khoảng 2,5 triệu đồng/con.
Không chỉ vậy, tận dụng diện tích đất rừng do ông bà để lại, anh trồng thêm 8 ha hồi. Đến nay, khoảng 2 ha hồi đã cho thu hoạch, vụ hồi năm 2021, gia đình thu về 2 tấn, thu nhập 70 triệu đồng.
Với sự nhanh nhạy, cần cù, dám nghĩ, dám làm, từ mô hình chăn nuôi và trồng hồi, gia đình có thu nhập trên 300 triệu đồng/năm. Nhờ đó, đến nay, cuộc sống gia đình từng bước ổn định, vươn lên khá giả. Với nguồn thu ổn định từ chăn nuôi và để tận dụng hiệu quả chất thải chăn nuôi, năm 2018, gia đình anh Thưởng đã đầu tư trồng thêm 200 gốc quýt, vườn quýt phát triển rất tốt, năm 2021, một số cây đã bói quả.
Không chỉ làm kinh tế giỏi, anh Thưởng còn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi cho các hội viên khác khi có nhu cầu đến tham quan, học tập mô hình của gia đình, vì thế, anh luôn được mọi người tin tưởng, yêu quý. Cùng với đó, anh luôn chấp hành tốt mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, hương ước của cộng đồng dân cư, tham gia đóng góp xây dựng các công trình đường giao thông.
Ông Nông Duy Nghĩa, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tân Văn nhận xét: Anh Hoàng Văn Thưởng là một người năng động đi đầu trong phát triển kinh tế gia đình trên địa bàn xã. Nhờ sự cần cù, sáng tạo, không ngừng học hỏi, anh đã thành công với mô hình chăn nuôi tổng hợp. Không chỉ làm giàu cho bản thân, anh còn sẵn sàng chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm cho bà con có nhu cầu đến học tập. Bên cạnh đó, anh còn là người gương mẫu, tích cực thực hiện tốt các nhiệm vụ, phong trào của địa phương, xứng đáng là tấm gương tiêu biểu để người dân noi theo.
Với những cố gắng, nỗ lực đó, tháng 2/2022, anh Hoàng Văn Thưởng vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì có thành tích trong phong trào thi đua yêu nước năm 2021.
Ý kiến ()