LSO-Nằm sát thị trấn Cao Lộc, xã Hợp Thành, huyện Cao Lộc có nhiều lợi thế trong phát triển kinh tế. Trong những năm qua, với sự năng động, sáng tạo của mình, nông dân Hợp Thành đã tận dụng được tiềm năng, tạo ra nhiều mô hình kinh tế hiệu quả. Nông dân thôn Phai Luông, xã Hợp Thành, huyện Cao Lộc đầu tư mở rộng ao nuôi cáCách đây khoảng 5 năm, mặc dù ruộng đất không phải là ít, nhưng gia đình ông Mông Xỉ Chao, thôn Phai Luông cũng vẫn trong diện khó khăn. Khó khăn bởi gần chục ha đất rừng hầu hết vẫn hoang hóa, còn vài mẫu ruộng chỉ độc canh cây lúa, năm nào được mùa thì cũng chỉ đủ gạo ăn. Bước ngoặt đến khi mà ông được Trạm khuyến nông huyện, Hội Nông dân xã cho đi tham quan các mô hình làm kinh tế hiệu quả ở một số nơi ngoài địa bàn. Ông Chao tâm sự, trong số các mô hình được tham quan, ông tâm đắc nhất là nuôi trồng thủy sản, dù đây là loại hình mới nhưng thị trường rất rộng và hiệu quả...
LSO-Nằm sát thị trấn Cao Lộc, xã Hợp Thành, huyện Cao Lộc có nhiều lợi thế trong phát triển kinh tế. Trong những năm qua, với sự năng động, sáng tạo của mình, nông dân Hợp Thành đã tận dụng được tiềm năng, tạo ra nhiều mô hình kinh tế hiệu quả.
Nông dân thôn Phai Luông, xã Hợp Thành,
huyện Cao Lộc đầu tư mở rộng ao nuôi cá
Cách đây khoảng 5 năm, mặc dù ruộng đất không phải là ít, nhưng gia đình ông Mông Xỉ Chao, thôn Phai Luông cũng vẫn trong diện khó khăn. Khó khăn bởi gần chục ha đất rừng hầu hết vẫn hoang hóa, còn vài mẫu ruộng chỉ độc canh cây lúa, năm nào được mùa thì cũng chỉ đủ gạo ăn. Bước ngoặt đến khi mà ông được Trạm khuyến nông huyện, Hội Nông dân xã cho đi tham quan các mô hình làm kinh tế hiệu quả ở một số nơi ngoài địa bàn. Ông Chao tâm sự, trong số các mô hình được tham quan, ông tâm đắc nhất là nuôi trồng thủy sản, dù đây là loại hình mới nhưng thị trường rất rộng và hiệu quả kinh tế cao. Một mặt tìm hiểu kỹ thuật qua sách báo, mặt khác nhờ sự giúp đỡ của các cấp hội, cơ quan chuyên môn trong huyện, gia đình ông Chao quyết định đầu tư nuôi cá thương phẩm.
Vài mẫu ruộng, ông để lại những diện tích màu mỡ nhất, còn lại đào ao, thả cá. Mới đầu chỉ là một ao, sau vài vụ thu hoạch, tích được số vốn kha khá, ông quyết tâm đầu tư lớn. Lần này là chuyển đổi toàn bộ 1,5 mẫu ruộng xấu thành 3 ao thả cá, phân thành từng phân khu chức năng. Có ao ươm cá giống, ao thả cá thịt. Đưa chúng tôi tham quan một vòng quanh hệ thống ao nuôi kiên cố, ông Chao phấn khởi: nhà báo đến đúng lúc gia đình vừa bán hết cá, lứa vừa rồi thu gần 1,5 tấn cá, tính giá thị trường từ 80.000đồng-100.000 đồng/kg, tôi thu hơn trăm triệu đồng, chi phí tính ra chỉ hết 30 triệu đồng. Nói rồi ông phân trần: nhưng số lãi mình tái đầu tư hết cả, thu hoạch xong gia đình thuê luôn thợ kè lại ao bằng xi măng, quy hoạch lại khu vực nuôi trồng và nơi điều tiết nước, năm sau các anh tới xem nơi này sẽ không khác gì trại giống cấp I.Khi bắt tay vào xây dựng mô hình nuôi cá thương phẩm, gia đình ông Chao cũng triển khai luôn việc trồng rừng kinh tế và chăn nuôi gia súc gia cầm. Giờ thì gia đình ông đã có gần chục ha thông và bạch đàn, chăn nuôi lợn, gà cũng cho thu nhập hơn trăm triệu đồng mỗi năm. Từ hộ khó khăn, với sự năng động, sáng tạo của mình, gia đình ông Mông Xỉ Chao đã vươn lên thành hộ sản xuất kinh doanh giỏi không chỉ của xã Hợp Thành mà còn là điển hình trong huyện. Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Văn Hằng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hợp Thành cho biết: không phải chỉ riêng gia đình ông Chao, mà giờ đây trên địa bàn xã Hợp Thành đã xuất hiện rất nhiều các tấm gương nông dân điển hình về sản xuất, kinh doanh giỏi.
Thời điểm năm 2007, Hợp Thành vẫn còn hơn 150 hộ nông dân nghèo, chiếm 58% tổng số hội viên Hội Nông dân. Cấp ủy, chính quyền xã rất trăn trở với bài toán làm sao để tận dụng, phát huy tốt tiềm năng, thế mạnh của địa phương, giúp nông dân làm giàu. Hướng đi được vạch ra là phải tiến hành đồng thời các giải pháp, một mặt tạo điều kiện cho nông dân địa phương được đi tham quan, học tập các mô hình kinh tế hiệu quả ở những nơi có điều kiện tương đồng với địa phương, mặt khác tăng cường phối hợp với các đoàn thể, cơ quan chuyên môn của huyện tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt. Đồng thời với đó là tạo điều kiện tối đa, giúp đỡ nông dân vay vốn để phát triển kinh tế. Theo hướng đi đó, cho đến nay số hội viên hội nông dân nghèo ở Hợp Thành giảm xuống chỉ còn chưa đầy 30 hộ, trong khi đó, số hộ sản xuất kinh doanh giỏi tăng lên trên 110 hộ.
Nông dân sản xuất, kinh doanh có hiệu quả đã tích cực đóng góp vào xây dựng, củng cố hạ tầng của địa phương. Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, đến năm 2010, Hợp Thành đã xây dựng được 7/7 nhà văn hóa thôn; hết năm 2012 cơ bản xóa xong nhà dột nát; mở mới hàng nghìn mét đường giao thông nông thôn, đồng thời từng bước mở rộng đường theo đúng tiêu chí nông thôn mới. Có thể khẳng định với sự năng động, sáng tạo của mình, nông dân Hợp Thành đã phát huy được tối đa tiềm năng, thế mạnh của địa phương, đó cũng là cái gốc để Hợp Thành xây dựng nông thôn mới.
Vũ Như Phong
Ý kiến ()