Nhà nông là trung tâm
LSO-Nếu như trước đây, các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ vật tư nông nghiệp chỉ đơn thuần là mua hàng nhập kho và bán cho nông dân thì giờ đây tư duy ấy đã khác. Dịch vụ không chỉ là cung ứng hàng hóa mà còn là tư vấn, hỗ trợ, liên kết sản xuất, trong đó người nông dân là trung tâm. Câu chuyện của Công ty Cổ phần giống cây trồng Lạng Sơn là ví dụ điển hình.
Kiểm kê chủng loại giống tại Công ty Cổ phần giống cây trồng Lạng Sơn |
Nhà nông là khách hàng lớn của các doanh nghiệp cung ứng các dịch vụ vật tư nông nghiệp. Khi sản xuất phát triển, hiệu quả sản xuất cao, nhà nông tăng thêm thu nhập thì nhu cầu sử dụng vật tư càng tăng, doanh nghiệp bán được thêm sản phẩm. Hay nói cách khác, lợi nhuận, thị phần của doanh nghiệp cung ứng gắn liền với phát triển sản xuất, nâng cao đời sống của người nông dân.
Với triết lý ấy, trong những năm qua, Công ty Cổ phần giống cây trồng Lạng Sơn đã thử nghiệm, triển khai khá nhiều mô hình liên kết sản xuất với nhà nông. Có thể kể đến như mô hình sản xuất lúa giống ở Văn Lãng, mô hình trồng lạc ở Lộc Bình, Tràng Định… Thế nhưng, quy mô của các mô hình ấy còn quá nhỏ, chưa thực sự tạo được lực đẩy phát triển sản xuất trên diện rộng. Ông Đinh Trọng Cửu, Phó giám đốc Công ty cho biết: trong bối cảnh ấy, Công ty đã nghiên cứu và xây dựng dự án hình thành vùng sản xuất lạc tập trung trên địa bàn các huyện Bắc Sơn, Chi Lăng, Lộc Bình, Tràng Định, quy mô khoảng 200 ha trong vụ xuân 2015. Đây là một trong những doanh nghiệp cung ứng dịch vụ nông nghiệp đầu tiên trên địa bàn tỉnh xây dựng dự án liên kết phát triển sản xuất với quy mô như vậy.
Để chuẩn bị cho dự án này, ngay từ vụ hè thu vừa qua, Công ty đã triển khai sản xuất lạc giống tại các huyện trên với quy mô 50 ha theo hình thức ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với nhà nông. Kết quả, năng suất lạc giống đạt xấp xỉ 2 tấn/ha và được thu mua toàn bộ với giá 10.000 đồng/kg lạc tươi. Nhiều gia đình ở Bắc Sơn, Tràng Định đã đầu tư trồng hàng héc ta lạc giống và có thu nhập vài chục triệu đồng chỉ trong một vụ.
Tổng số lạc giống thu được, ước tính khoảng 65 tấn khô sẽ được Công ty bảo quản và đưa vào phục vụ dự án hình thành vùng sản xuất 200 ha trong vụ xuân 2015. Trong dự án này, người nông dân sẽ được cung ứng đầy đủ các dịch vụ nông nghiệp, từ vật tư đến khoa học kỹ thuật và hoàn toàn yên tâm bởi sản phẩm được tiêu thụ thông qua hợp đồng. Ngoài việc xây dựng dự án phát triển sản xuất, Công ty đã thay đổi cách cung ứng vật tư nông nghiệp. Thực tế, trong vài năm trở lại đây, trên địa bàn tỉnh có rất nhiều doanh nghiệp cung ứng giống, chủng loại rất phong phú. Riêng giống lúa, thống kê sơ bộ có hơn 40 chủng loại được cung ứng trên địa bàn. Tuy nhiên, việc tư vấn chủng loại nào phù hợp với từng vùng, giá cả phù hợp với người dân thì chưa được chú trọng. Theo ông Đinh Trọng Cửu, thời gian qua Công ty đã thực hiện rà soát lại toàn bộ các chủng loại giống mà Công ty đang cung ứng. Từ đó loại bỏ bớt những chủng loại không còn phù hợp. Từ chỗ cung ứng trên 30 chủng loại giống lúa, ngô các loại, Công ty rút lại chỉ còn chưa đầy 20 loại. Trong đó tư vấn chủng loại nào phù hợp nhất với từng vùng để cơ quan quản lý có thể định hướng cho người dân. Ngoài ra, gắn liền với việc mở rộng các loại hình sản phẩm phục vụ sản xuất, từ đầu năm 2014 đến nay, Công ty Cổ phần giống cây trồng Lạng Sơn đã tổ chức 50 cuộc tập huấn, chuyển giao kỹ thuật sử dụng các sản phẩm tiến bộ kỹ thuật mới. Trong đó, nổi bật là sản phẩm phân viên nén nhả chậm NPK. Với hiệu quả rõ rệt của sản phẩm mới, ngay trong vụ đầu tiên vừa qua, Công ty đã cung ứng được 200 tấn phân viên nén NPK nhả chậm và dự kiến vụ đông xuân 2014-2015 sắp tới lượng cung ứng sẽ khoảng 500 tấn. Đối với giống cho sản xuất, trong vụ tới, kế hoạch của Công ty là cung ứng khoảng trên 400 tấn giống các loại. Đây là con số khả thi, bởi trong vụ đông xuân năm trước, con số cung ứng đã ở mức 300 tấn, thị phần đã tăng lên khoảng trên 70%. Đã có những giai đoạn, các doanh nghiệp cung ứng giống cạnh tranh khốc liệt khiến cho thị phần của Công ty Cổ phần giống cây trồng Lạng Sơn bị thu hẹp. Thế nhưng với phương châm đồng hành cùng nhà nông, lấy nông dân làm trung tâm, đồng thời đổi mới, nâng cao chất lượng dịch vụ cung ứng, Công ty đã dần giành lại được thị phần.
Đổi mới, nâng cao chất lượng dịch vụ nông nghiệp là một trong những chỉ đạo quan trọng của UBND tỉnh trong sản xuất đông xuân 2014-2015. Khi các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ làm được như vậy thì người nông dân sẽ được hưởng lợi bởi nó luôn đồng hành với sự phát triển của doanh nghiệp.
VŨ NHƯ PHONG
Ý kiến ()